(Thethaovanhoa.vn) - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa thụ lý hồ sơ vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank).
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành Cáo trạng số 43/CT-VKSTC-V5 vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty Cho thuê tài chính II (Công ty ALC II) và một số đơn vị có liên quan.
Có tổng số sáu bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố trong vụ án này. Trong đó, năm bị cáo: Lê Bạch Hồng (sinh năm 1954, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), Nguyễn Huy Ban (sinh năm 1948, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), Nguyễn Phước Tường (sinh năm 1951, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam), Hoàng Hà (sinh năm 1976) và Trần Tiến Vỹ (sinh năm 1957) đều nguyên là Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Ban Kế hoạch - Tài chính (nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư), BHXH Việt Nam. cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Riêng bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (sinh năm 1979, nguyên là chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, BHXH Việt Nam) bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cho vay trái quy định, làm thất thoát gần 1.700 tỉ đồng của Nhà nước
Theo cáo trạng, BHXH Việt Nam được sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ BHXH để thực hiện các biện pháp đầu tư, tăng trưởng. Việc đầu tư Quỹ BHXH phải được thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và các quy định khác. Ngày 25/12/2003, ông Lê Văn Sở (khi đó là Tổng Giám đốc Agribank) và Nguyễn Huy Ban ký thỏa thuận hợp tác về việc BHXH đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp 1 và các công ty thuộc Agribank vay vốn. Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay, các chi nhánh cấp 1, các công ty trực thuộc ký kết với BHXH do Tổng Giám đốc Agribank ký bảo lãnh. Ngày 1/1/2007, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực, theo quy định tại Điều 79 của luật này và các quy định khác thì BHXN Việt Nam chỉ được cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại nhà nước vay vốn. ALC II là tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Pháp luật không cho phép ALC II vay vốn của BHXH Việt Nam và cũng không cho phép BHXH Việt Nam cho ALC II vay vốn.
Tuy nhiên, thời điểm tháng 2-3/2008, do có nhu cầu về vốn kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính, ông Vũ Quốc Hảo (khi đó là Tổng Giám đốc ALC II) đã gặp Nguyễn Huy Ban và Nguyễn Phước Tường để đặt vấn đề vay vốn. Hai bên đi đến thống nhất, để được BHXN Việt Nam cho vay vốn, ALC II phải có bảo lãnh của Agribank. Tháng 3 và 4/2008, ông Hảo ký hai công văn gửi Tổng Giám đốc Agribank đề nghị về việc nhận tiền vay của BHXH Việt Nam. Căn cứ vào đề nghị của ALC II, ông Nguyễn Thế Bình (khi đó là Tổng Giám đốc Agribank) đã ký phát hành ba thư bảo lãnh thanh toán để ALC II được nhận vốn của BHXH Việt Nam.
Sau đó, từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009, các cán bộ BHXH Việt Nam đã lập 14 tờ trình đề nghị Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng cho ALC II vay vốn từ Quỹ BHXH. Sau bút phê "đồng ý" của hai ông này, 14 hợp đồng BHXH Việt Nam cho ALCII vay 1.010 tỉ đồng đã được thực hiện. Việc cho vay vốn này bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định là không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ BHXH, trái với Điều 96, Điều 97 – Luật BHXH 2006…
Ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố ALC II bị phá sản. Tính đến thời điểm ALCII bị phá sản, công ty này mới tất toán một hợp đồng ngắn hạn, còn 13 hợp đồng quá hạn với tổng số tiền nợ BHXH Việt Nam là hơn 1.697 tỉ đồng (bao gồm hơn 769 tỉ đồng tiền gốc và hơn 928 tỉ đồng tiền lãi). Số tiền còn nợ này, ALC II không có khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.697 tỉ đồng.
Trong số các bị cáo, Lê Bạch Hồng bị Viện Kiểm sát xác định là đã ký và chỉ đạo thực hiện ba hợp đồng cho ALC II vay vốn, đến nay không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 434 tỉ đồng.
Tranh chấp trong giải quyết dân sự
Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Agribank có trách nhiệm bảo lãnh và bồi thường thiệt hại dân sự cho BHXH Việt Nam, nhưng không ghi rõ số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, vấn đề này có tranh chấp giữa ALC II, BHXH Việt Nam và Agribank trong quá trình giải quyết theo thủ tục phá sản đối với ALC II của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thụ lý xem xét lại Tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tại Điều 30 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định thẩm quyền giải quyết vấn đề dân sự nêu trên phải được giải quyết trong vụ án này.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan tố tụng xác định, các Thư bảo lãnh của Agribank vô hiệu, không có giá trị pháp lý đối với 13 hợp đồng vay vốn giữa BHXH Việt Nam và ALC II. Còn bản thỏa thuận hợp tác giữa Agribank và BHXH Việt Nam chỉ có tính định hướng cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, không có giá trị pháp lý ràng buộc giữa Agribank và BHXH Việt Nam. Sau khi luật Bảo hiểm xã hội 2006 có hiệu lực thì thỏa thuận hợp tác này vô hiệu.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, trong vụ án này, hành vi của Vũ Quốc Hảo (khi đó là Tổng Giám đốc ALC II) có dấu hiệu đồng phạm với các bị can bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì Vũ Quốc Hảo biết việc ký hợp đồng vay vốn với BHXH Việt Nam là trái pháp luật; khi Agribank phát hành bảo lãnh số 4407 ngày 22/10/2008 thay thế hai bảo lãnh trước, chỉ bảo lãnh số tiền 400 tỷ đồng, nhưng Vũ Quốc Hảo không thông báo cho BHXH Việt Nam và tiếp tục ký hợp đồng với BHXH Việt Nam, vay tổng số tiền 1.010 tỉ đồng. Số tiền này được nhập chung vào quỹ của ALC II, sau đó ALC II bị phát sản và gây ra hậu quả nói trên.
Đối với việc để xảy ra hậu quả thất thoát tài sản của Nhà nước tại ALC II, trong đó có phần tiền vay của BHXH Việt Nam, Vũ Quốc Hảo và một số cán bộ thuộc ALC II đã bị xét xử về các tội danh khác nhau trong các vụ án khác. Trong đó, Vũ Quốc Hảo đã hai lần bị Tòa án tuyên phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”, hiện đang chờ thi hành án. Do đó, các cơ quan tố tụng không đề cập xử lý Vũ Quốc Hảo và các cán bộ cấp dưới có liên quan tại ALC II trong vụ án này.
Kim Anh/TTXVN