(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 21/9, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 18.
Luật sư của các nguyên đơn dân sự và các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày quan điểm của mình.
Luật sư của các nguyên đơn dân sự là OceanBank và PVN khẳng định quan điểm yêu cầu được bồi thường số tiền đã bị chi trái pháp luật.
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương.
Cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương là những nguyên đơn dân sự trong vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội “Vi phạm các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản.”
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương, luật sư Nguyễn Đình Hưng phân tích các bị cáo với cương vị chức vụ quyền hạn của mình tại Ngân hàng cổ phần thương mại Đại Dương đã đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện các hành vi: Sử dụng một lượng tiền mặt, chi lãi suất vượt trần với số tiền 1.576 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng nói rằng hành vi này vi phạm quy định chi lãi suất huy động, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ, trái nguyên tắc về quản lý kinh tế, vi phạm chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng. Đến nay không có chứng từ quyết toán hợp lệ, không có khả năng thu hồi.
Số tiền 1.576 tỷ đồng này được chi từ 3 nguồn để chi trái quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước. Cụ thể: Chi từ nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ hơn 925 tỷ đồng (tài khoản 3612); chi thẳng, hạch toán vào tài khoản trả lãi tiền gửi trên 620 tỷ đồng (tài khoản 801); chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương gần 30 tỷ đồng.
Theo luật sư, số tiền thực chi nói trên đã trái quy định về hạn mức, nhưng lại được thực hiện trái quy định về chế độ tài chính, kế toán. Về số tiền tạm ứng từ tài khoản 3612, luật sư Hưng phân tích, tài khoản 3612 chỉ được tạm ứng để thực hiện các hoạt động nội bộ của ngân hàng. Còn tài khoản 801 chỉ được hạch toán các khoản chi trả lãi tiền gửi cho khách hàng căn cứ trên cơ sở lãi suất và số tiền gửi của khách hàng được ghi trong hợp đồng tiền gửi và sổ tiết kiệm. Như vậy, việc hạch toán các khoản chi lãi ngoài vào tài khoản 801 là hạch toán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Sáng 14/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm chuyển sang phần tranh luận.
Luật sư Hưng cho biết số tiền 1.576 tỷ đồng nói trên được trừ đi: 146 tỷ đồng của hai khoản tiền được hoàn trả cho Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương trước khi khởi tố vụ án; khoản tiền 49 tỷ đồng do Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham ô; 105 tỷ đồng cơ quan điều tra đã tách ra xử lý trong một vụ án khác. Như vậy, số tiền mà Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương đề nghị xem xét bồi hoàn trong vụ án này là hơn 1.275 tỷ đồng.
Cùng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho OceanBank, luật sư Nguyễn Thị Bắc nhất trí với ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát khi cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn đã chiếm hưởng toàn bộ khoản tiền vay 500 tỷ đồng và xác định trách nhiệm của bị cáo Hứa Thị Phấn phải hoàn trả cho Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương cùng với số lãi quy định.
Về biện pháp bảo đảm thi hành án, luật sư Nguyễn Thị Bắc đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên đối với 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng.
Trong phần cuối trình bày, luật sư Nguyễn Đình Hưng đã bày tỏ tình cảm chia sẻ những tổn thất đã xảy ra đối với các bị cáo. Đặc biệt là đối với các bị cáo làm công ăn lương – họ là các cán bộ, đơn vị dưới quyền chỉ có vai trò thực hiện, không có vai trò đưa ra chủ trương; họ có nhân thân tốt, được đào tạo cơ bản.
Trong phiên xét xử sáng 8/9, Hội đồng xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank đã quyết định yêu cầu triệu tập 6 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào phiên xử buổi chiều cùng ngày. Tuy nhiên, tại phiên xử buổi chiều 8/9, chỉ có 2 trong tổng số 6 người này có mặt, gồm: Ông Trần Thanh Quang (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) và bà Lê Thị Thoa (Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội). 4 người còn lại do điều kiện ở xa nên sẽ đến Tòa vào phiên xử sáng 9/9.
Luật sư Hưng mong Hội đồng xét xử xem xét cá thể hóa cho từng bị cáo vì trong đó mỗi người có mức độ lỗi khác nhau, và thái độ ăn năn, tích cực khắc phục hậu quả khác nhau.
Trình bày tại Tòa, luật sư Nguyễn Văn Thái (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Dầu khí - PVN) đã đặt vấn đề nếu xác định được cụ thể cá nhân, tổ chức gây thiệt hại cho PVN trong vụ án này thì đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc họ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho PVN theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư Thái còn đề nghị Hội đồng xét xử lưu tâm trong quá trình đưa ra phán quyết, loại bỏ thuật ngữ hay bất kỳ các cụm từ nào có hàm ý “PVN nhận lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “chi chăm sóc khách hàng PVN,” để tránh dư luận có những cách hiểu lệch lạc về bản chất vụ việc, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của PVN.
Bởi theo luật sư Thái, qua hồ sơ vụ án, diễn biến công khai tại phiên tòa, Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của PVN cho thấy không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc PVN có nhận tiền “Lãi ngoài hợp đồng tiền gửi” hay “tiền chăm sóc khách hàng” từ OceanBank.
Cũng phát biểu tại Tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) đã xin tự nguyện dùng tài sản cá nhân để hỗ trợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khắc phục hậu quả tối đa theo khả năng cho phép, đồng thời mong Hội đồng xét xử cho bị cáo Sơn được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Chiều 21/9, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tiếp tục thể hiện quan điểm của mình.
TTXVN