Theo Hồi ký của cố Đại tá Lê Thanh Cảnh- nguyên Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 238, năm 1967, đế quốc Mỹ có các phương tiện chiến tranh hiện đại, trong đó có máy bay B52 ngày ngày ném bom xuốngVĩnh Linh, Quảng Binh hòng hủy diệt tất cả những gì có trên mặt đất. Để đáp trả sự tấn công dữ dội của đế Quốc Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân chủng phòng không- Không quân đã điều Trung đoàn 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B52.
Một đặc điểm của khí tài tiêu diệt máy bay chiến đấu của Mỹ là phải cố định tại chỗ, nhưng với sự thông minh, sáng tạo, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 238 đã di chuyển khí tài cơ động đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Ngày 17/9/ 1967, sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhận dạng, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84-Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B52. Đây là lần đầu tiên ta bắn rơi “Siêu pháo đài bay B52” của đế quốc Mỹ. Chiến công này đã tác động rất lớn đến tư tưởng và quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta, khẳng định khả năng đánh thắng các cuộc tập kích đường không bằng B52 của địch, củng cố lòng tin, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và nhân dân. Từ chiến công này, Quân ủy Trung ương giao cho Trung đoàn 238 là đơn vị đầu tiên nghiên cứu cách đánh B52, sau này tập hợp lại thành cuốn tài liệu có tên “Cẩm nang đỏ” nói về cách bắn rơi máy bay B52.
Đế quốc Mỹ đã từng đưa máy bay B52 đánh phá thành phố Cảng. Trong chiến dịch Linebacker II, từ đêm 18/12, chúng dồn dập đưa B52 cùng các máy bay chiến thuật khác đánh phá Hà Nội và Hải Phòng. Quân và dân thành phố Cảng anh dũng chiến đấu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch. Đêm 22, rạng ngày 23/12, địch cho 24 lần chiếc B52 và 27 lần máy bay chiến thuật khác đánh phá Nhà máy Xi măng, Sở Dầu, khu tập thể An Dương. Trung đoàn Tên lửa 238 cùng các đơn vị chiến đấu khác đánh trả địch quyết liệt. Hơn 5 giờ sáng, Trung đoàn 238 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trong chiến dịch Linerbacker II của đế quốc Mỹ. Đêm 26/12, đế quốc Mỹ toan tính đánh đòn quyết định. Chúng sử dụng 105 lần chiếc B52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật ồ ạt tập kích đánh vào nhiều mục tiêu. Riêng ở Hải Phòng, đế quốc Mỹ sử dụng hàng chục tốp máy bay, trong đó có 18 lần máy bay B52 đánh phá Sở Dầu và nhà máy Xi măng. 22 giờ 36, Trung đoàn 238 bắn rơi chiếc máy bay B52 cuối cùng của địch trên bầu trời thành phố Cảng.
Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trung đoàn tên lửa 238 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân 15/1/1976.
Viết tiếp truyền thống anh hùngTiếp nối truyền thống của lớp cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn tên lửa 238 tiếp tục phấn đấu học tập, chiến đấu bảo vệ vùng trời Hải Phòng. Để thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, Trung đoàn phát động đợt thi đua cao điểm trong 40 ngày (từ 19/11 đến 28/12/2012) với nội dung: “Bốn nhất, một không”.
Bốn nhất là: Sẵn sàng chiến đấu cao nhất; Hoàn thành phong trào thi đua quyết thắng năm 2012 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2013 đạt chất lượng tốt nhất; chấp hành kỷ luật và duy trì nề nếp chính quy tốt nhất; Tham gia giúp dân, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa tốt nhất.
Một không là không để xảy ra vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong trong huấn luyện và tham gia giao thông. Để hoàn thành mục tiêu này, Trung đoàn 238 tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, âm mưu của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Trung đoàn duy trì nghiêm nề nếp sẵn sàng chiến đấu từ Sở chỉ huy đến các phân đội, không để bất ngờ, lỡ thời cơ. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt trên các hướng, canh thu các mạng đúng, đủ, kịp thời, không để sai sót, lọt, chậm...
Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu với các phương án sát thực tế, Trung đoàn còn tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân khi gặp thiên tai bão lũ. Sau trận lốc lớn tàn phá xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 6/2011, Trung đoàn đã kịp thời cử quân nhân xuống xã giúp bà con dựng lại nhà cửa, giải quyết hậu quả do cơn lốc gây ra. Ngoài ra, Trung đoàn còn quyên góp, ủng hộ các quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, các cháu nạn nhân chất độc da cam với số tiền gần 200 triệu đồng, xây dựng 2 nhà tình nghĩa...
Lớp cha anh đi trước, lớp chiến sĩ trẻ đi sau luôn tự hào với truyền thống của Trung đoàn.Tâm sự với chúng tôi, Trung sĩ Phạm Văn Ánh cho biết: “Em nhập ngũ vào đơn vị từ đầu năm 2011. Vào đây, được nghe các bác kể về truyền thống của đơn vị, em rất tự hào, động viên bản thân luôn tự phấn đấu, rèn luyện. Với sự giúp đỡ của các bác, các chú đi trước, em từng bước hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Ánh hồ hởi khoe năm 2012, em giành giải nhì trong cuộc thi “Hội thao tiêu đồ 5 x 5”. Ánh phấn đấu học tập, mong muốn sẽ được ở lại Trung đoàn cống hiến, làm việc giống như các thế hệ cha anh đi trước.