(TT&VH) - Hưởng ứng tháng ATGT năm 2010 với chủ đề Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh thiếu nhi và cộng đồng, hôm qua, 8/9 tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia văn hóa giao thông.
32 tham luận trình bày tại hội thảo chủ yếu tập trung vào vấn đề: Ý thức văn hóa và đạo đức của người tham gia giao thông, đặc biệt là thanh thiếu niên. Trừng phạt + giáo hóa = Văn hóa giao thông Theo GS Vũ Khiêu thì cần thiết phải đặt vấn đề giao thông trên cơ sở văn hóa, theo ông “giao thông ngày nay chẳng còn bao nhiêu tính chất văn hóa”. GS Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Việc ứng xử có tình, có lý từ lâu đã thể hiện rõ rệt trong văn hóa giao thông của ông cha. Chưa bao giờ có tình trạng xảy ra như mấy thập niên gần đây, xe cộ tranh nhau từng bước, phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên gây ra những tai nạn đau lòng. Lên xe khách thì tranh chỗ của nhau, rất ít khi thấy nhường chỗ cho các cụ già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai. Ngoài ra còn xuất hiện những cuộc đua xe bất chấp cảnh sát giao thông và tính mạng người đi đường. Đây không chỉ là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thực sự là sự suy thoái trong văn hóa ứng xử giữa người với người...”.
GS Vũ Khiêu phát biểu tại hội thảo
Để khôi phục văn hóa giao thông, GS Vũ Khiêu đề xuất hai biện pháp là trừng phạt và giáo hóa: “Trừng phạt phải nghiêm, theo đúng tinh thần pháp trị. Cảnh sát giao thông không được phép làm trái với đạo đức, đã sai là phạt, không có trường hợp chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt. Giáo hóa là việc nhà trường phải làm, nhưng chủ yếu là của gia đình. Làm cha mẹ hãy cứu lấy con cái mình. Đừng để chúng tự sát bằng đua xe...”.
“Văn hóa giao thông là một thành tố của lối sống đô thị, của văn hóa thẩm mỹ, là gương mặt của đô thị. Khi ta nói, người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại thì tín hiệu đầu tiên gây ấn tượng mạnh đối với khách công vụ hay khách du lịch là Văn hóa giao thông.” (Phát biểu của GS-VS Hồ Sĩ Vịnh). |
GS Vũ Khiêu kết luận: Văn hóa giao thông đang trở thành một thước đo về văn hiến của dân tộc, một vấn đề danh dự của tổ quốc về nhân phẩm của con người Việt Nam. Ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang tới gần, thủ đô vốn đã diễn ra những vụ tắc đường hàng ngày sẽ còn khó khăn hơn nữa trong ngày đại lễ. Nếu mọi người không có văn hóa giao thông thì vấn nạn này sẽ không thể khắc phục được!” Cần sự vào cuộc của toàn xã hội Theo GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông thì: “Cần gắn xây dựng văn hóa giao thông với xây dựng nếp sống văn minh bởi cái đích cuối cùng của văn hóa giao thông là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng”. Muốn có văn hóa giao thông, GS Hoàng Chương cho rằng chúng ta cần phải giáo dục ý thức văn hóa giao thông ngay từ gia đình, từ các khu dân cư trường học, ngay từ khi trẻ mới chập chững. Đồng thời cũng rất cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội và cả các doanh nghiệp giao thông, vận tải hành khách. Muốn xây dựng nếp sống văn hóa giao thông, cũng cần phải tham khảo những kinh nghiệm của các nước phát triển.
Xây dựng văn hóa giao thông cần sự chung tay của tất cả mọi người
Khái niệm văn hóa giao thông rất rộng và không phải ai cũng nắm rõ, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu rõ: “Tháng an toàn giao thông năm nay, UBATGTQG tiếp tục chọn chủ đề văn hóa giao thông và tập trung tuyên truyền sâu rộng đến hơn 22 triệu học sinh, sinh viên. Một mặt huy động các đoàn thể và địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho thanh thiếu niên trong tháng đầu tiên của năm học mới. Mặt khác bản thân thanh thiếu niên phải nghiêm chính chấp hành luật lệ giao thông, tạo nền nếp chấp hành luật lệ và duy trì trong cả năm học nhằm hạn chế tai nạn cho chính bản thân. Vai trò của trường học, mỗi gia đình trong công tác tuyên truyền giáo dục là rất quan trọng. Đặc biệt, Trung ương Đoàn TNCS HCM có vai trò quan trọng hàng đầu để vận động thanh thiếu niên tự giác chấp hành luật lệ giao thông một cách có văn hóa”. Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho rằng: Để xây dựng nền văn hóa giao thông, ngoài việc mọi người cần phải hiểu đúng luật và tự giác chấp hành luật còn phải xây dựng được thói quen hành xử văn minh vì con người, vì cộng đồng. Ông Vũ Oanh kết luận: “Xây dựng văn hóa giao thông là một nội dung mang tính đạo lý sâu sắc và nhân văn cao cả, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của các ngành, các cấp, của toàn xã hội”.
Phạm Quỳnh