(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 17/8, tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu về thực hiện công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Trưởng đoàn công tác của Bộ Công Thương nêu ý kiến tỉnh Lai Châu cần tăng cường công tác kiểm tra vận hành các hồ thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ lưu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là nỗ lực của UBND tỉnh Lai Châu và bà con các dân tộc địa phương trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai đến người dân; nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai để có biện pháp phòng chống kịp thời, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đặc biệt, là địa phương có nhiều công trình thủy điện, UBND tỉnh Lai Châu cần tăng cường công tác kiểm tra vận hành các hồ thủy điện và có báo cáo thường xuyên về Trung ương nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác dự phòng về vật tư, nhu yếu phẩm, đảm bảo ứng cứu, hỗ trợ kịp thời người dân trong mùa mưa lũ, tuyệt đối không để tăng giá hàng hóa. Đồng thời, Lai Châu tổ chức tập huấn, diễn tập, phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, thành thục kỹ năng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng tham gia…
UBND tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất, nhất là vào cuối tháng 6 và đầu tháng 8/2018, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và người dân. Mưa lũ làm 23 người chết, 14 người mất tích, 20 người bị thương; 2.072 nhà ở bị thiệt hại; 1.170 con gia súc, hơn7.900 con gia cầm bị chết; nhiều diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, ao cá bị lũ cuốn trôi. Cơ sở hạ tầng có 293 công trình bị hư hỏng, cuốn trôi; 303 cột điện bị đổ; khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã trên 2.900.000m3… Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến ngày 15/8 là trên 522 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các huyện và thành phố tập trung khắc phục hậu quả, kiểm tra thực tế, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai. Cùng với đó, tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành tổng hợp đánh giá thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị sau mỗi đợt thiên tai. UBND tỉnh Lai Châu đã tham mưu đề xuất các bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí góp phần ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng thiên tai; cấp ngân sách để tái định cư cho các hộ dân trong vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở cao, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn, ổn định đời sống và sản xuất.
Trong hai đợt mưa lũ vừa qua, Lai Châu đã huy động 4.695 người tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích; tổ chức sơ tán khẩn cấp 253 hộ ở những vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. UBND tỉnh đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách tỉnh hơn 54 tỷ đồng khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp nhận từ các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm ủng hộ hàng chục tỷ đồng và các nhu yếu phẩm đến bà con vùng lũ.
Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai, mặc dù đã được Chính phủ hỗ trợ 90 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại, song do hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua rất lớn, nguồn ngân sách tỉnh không đáp ứng được yêu cầu khắc phục thiệt hại. Tỉnh Lai Châu đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ 160 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu của Đoàn công tác, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh tập trung làm rõ các vấn đề: An toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện; tổ chức tốt diễn tập phòng chống lụt bão ở các nơi có nguy cơ cao; công tác dự trữ hàng hóa, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa; có kế hoạch dự phòng vật tư nông nghiệp, vật tư y tế, lương thực thực phẩm; duy trì nghiêm chế độ trực phòng chống thiên tai 24/24h; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên trên các sông suối, việc xây dựng các công trình thủy điện, chất lượng các công trình xây dựng; kiểm tra, rà soát và di chuyển các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.
Việt Hoàng (TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trưa 7/8 tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Ngoại giao Lào đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế công bố tiến độ khắc phục sự cố vỡ đập thuỷ điện Xepian Xenamnoy ở tỉnh Attapeu, Nam Lào vào tối 23/7 vừa qua.