(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn Thành phố với số lượng 7,208 triệu người trong năm 2021.
Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 34 ca mắc mới đều là đối tượng đã được cách ly, cụ thể là 05 ca tại khu cách ly và 29 ca tại khu vực phong tỏa.
(Tiếp tục cập nhật)
Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức tiêm cho toàn bộ người dân trên địa bàn Thành phố đủ độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vaccine, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên, bà mẹ đang cho con bú, lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm), lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế.
TP.HCM sẽ đàm phán mua vaccine và vận động nguồn vaccine tài trợ
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định lộ trình tiêm cụ thể. Theo đó, giai đoạn 1 (từ ngày 29/8 – 15/9), Thành phố tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2 triệu người.
Giai đoạn 2 (từ 16 - 30/9) tiêm bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên với khoảng 720.000 người; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine (khoảng 656.900 người). Giai đoạn 3 (từ 16/10 – 31/12/2021) tiêm mũi 2 cho 1,4 triệu người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine trong giai đoạn từ ngày 29/8 – 30/9. Như vậy, tổng cộng số lượng theo từng loại vaccine cần sử dụng là 8.145.900 liều, trong đó sử dụng cho mũi 1 là 1,4 triệu liều, còn lại là mũi 2.
Để đảm bảo nguồn cung ứng vaccine đáp ứng nhu cầu bao phủ theo từng loại vaccine cho người dân, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đàm phán và mua vaccine theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và quy định của pháp luật; vận động nguồn vaccine được tài trợ từ các đơn vị, tổ chức theo quy định pháp luật.
Mặt khác, để tổ chức tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, chất lượng, UBND Thành phố yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức, các quận huyện giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan, phối hợp tổ chức hiệu quả tiêm chủng tại địa phương. Các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố tiếp tục tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine theo phân công của Sở Y tế. Thành phố cũng sẽ tổ chức các hình thức tiêm lưu động, kết hợp với Đội thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vaccine cho người dân sau khi có kết quả âm tính.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8/3 đến ngày 27/8, Thành phố đã tiêm được 5,806 triệu mũi tiêm, trong đó có 273.767 mũi 2. Ngoài ra các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố được Bộ Y tế phân bổ khoảng 500.000 liều vaccine. Tính đến nay đã có khoảng 83% người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn Thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: Đề nghị tiêm vaccine cho học sinh từ 12 – 18 tuổi
Liên quan đến công tác tiêm vaccine, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa đề nghị UBND Thành phố có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 cho học sinh từ 12 – 18 tuổi trước khi kết thúc học kỳ I năm học 2021 – 2022 để các em có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ II năm học 2021 – 20220.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, hiện có 642.459 học sinh cần được tiêm vaccine, trong đó khối giáo dục phổ thông (lớp 7 – lớp 12) là 590.263 em; khối giáo dục thường xuyên là 30.260 em và 21.936 học sinh khối giáo dục chuyên biệt, trung cấp, cao đẳng trực thuộc Sở.
Mức độ lây nhiễm tại khu chung cư ở Đà Nẵng rất cao
Tại khu chung cư 7 tầng (đường Văn Tiến Dũng - TP. Đà Nẵng), trong 87 căn có người sinh sống đã ghi nhận 17 ca Covid-19 sau xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Sáng 31/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng có buổi kiểm tra thực tế các chốt kiểm soát ra, vào thành phố và công tác phòng, chống dịch tại Khu chung cư đường Văn Tiến Dũng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ).
Đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Khu chung cư đường Văn Tiến Dũng (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, hiện nay, mức độ lây nhiễm ở các khu chung cư rất cao, do các căn hộ thường dùng chung hành lang và thang máy nên nếu phát sinh một ca mới sẽ rất khó kiểm soát. Vì vậy, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát, phòng dịch nghiêm ngặt; đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ nguy cơ lây lan tại khu chung cư.
Hiện khu chung cư 7 tầng, đường Văn Tiến Dũng có tất cả 112 căn hộ, tuy nhiên chỉ có 87 căn có người sinh sống. Ngày 31/8, khu chung cư này ghi nhận 17 người (của 5 căn hộ) sống cùng tầng 2 mắc COVID-19 (ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 28/8, qua xét nghiệm đại diện hộ gia đình). Đây là chung cư phát hiện nhiều ca nhiễm nhất tại Đà Nẵng từ trước đến nay.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu lực lượng chức năng sớm di chuyển toàn bộ các hộ dân đang sống tại khu chung cư này đến khu khu cách ly tập trung.
Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài chung cư đường Văn Tiến Dũng, tại chung cư E2 (phường Hòa Xuân) cũng phát hiện nhiều ca mắc COVID-19.
TP. Vũng Tàu phát hiện ổ dịch 28 ca cộng đồng
Liên quan đến 3 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại các phòng khám trên địa bàn thành phố trong ngày 30/8, TP. Vũng Tàu phát hiện thêm 25 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Thắng Nhất.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Vũng Tàu cho biết, liên quan đến 3 trường hợp xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại các phòng khám trên địa bàn thành phố trong ngày 30/8, ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã xét nghiệm nhanh 600 mẫu, phát hiện thêm 25 trường hợp dương tính trên địa bàn phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu.
Theo ông Hoàng Vũ Thảnh, báo cáo của tổ truy vết Công an thành phố Vũng Tàu xác định ổ dịch mới tại phường Thắng Nhất xuất phát từ tài xế và phụ xe chạy xe được cấp mã QR đi lấy gà từ Đồng Nai và huyện Xuyên Mộc về giao cho các hộ dân ở khu vực phường Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu. Theo đó, hai tài xế và phụ xe có giấy xét nghiệm âm tính ngày 27/8. Đến ngày 30/8 đi lấy mẫu test nhanh lại theo quy định thì cho kết quả dương tính. Lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly những người này, truy vết tất cả các trường hợp có liên quan.
Sáng 31/8, các lực lượng Công an, Quân sự thành phố, phường Thắng Nhất được huy động, tiến hành phong tỏa toàn bộ khu vực này để đảm bảo người dân nhà nào ở nhà đó. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và phường tổ chức hỗ trợ, trao Túi an sinh, nhu yếu phẩm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ người dân.
Quảng Bình ghi nhận thêm 67 ca mắc trong cộng đồng
Sáng 31/8, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa ghi nhận thêm 95 ca mắc COVID-19, trong đó có 67 ca trong cộng đồng.
Từ 18h ngày 30/8 đến 6h ngày 31/8, Quảng Bình ghi nhận thêm 95 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, TP Đồng Hới phát hiện 22 ca, huyện Bố Trạch 69 ca, huyện Quảng Ninh 4 ca. Như vậy, Quảng Bình ghi nhận 583 ca mắc COVID-19, toàn tỉnh có 5801 F1 và 10.415 F2 đang được lực lượng chức năng theo dõi.
VIDEO Nỗ lực cứu bệnh nhân nặng và giảm tỉ lệ tử vong:
(Nguồn: Bộ Y tế)
Vượt 110.000 ca, Bình Dương tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Vero Cell
Tối 30/8, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chấp thuận chủ trương tiếp nhận 1 triệu liều vaccine Vero Cell để triển khai tiêm cho người dân phòng COVID-19.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 30/8, Bình Dương đã ghi nhận 110.258 ca mắc COVID-19, 858 bệnh nhân tử vong.
Trước tình hình này, để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, việc đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 là một trong những biện pháp quan trọng nhất hiện nay. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương quyết định tăng cường chiến lược tiêm đầy đủ cho 2,5 triệu dân của tỉnh để đạt miễn dịch cộng đồng, sớm trở về trạng thái bình thường mới. Theo đó, tỉnh xác định vaccine hiệu quả là vaccine đến sớm với người dân.
Vaccine Vero Cell đã được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt, hiện đã được nhiều nước đưa vào tiêm chủng. Tại Việt Nam, lô vaccine nhập về đã được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (trực thuộc Bộ Y tế) kiểm định chất lượng và xác nhận đủ điều kiện để sử dụng.
Một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận vaccine Sinopharm triển khai tiêm cho người dân. Trong đó, hàng ngàn chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương đã tiêm vaccine Vero Cell.
Đến nay, Bình Dương đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 được khoảng 906.655 liều, trong đó, 867.125 mũi 1 và 39.530 mũi 2. Trong đó, phần lớn là nguồn vaccine AstraZeneca.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh dự báo sẽ ghi nhận 150.000 ca mắc sắp tới. Do đó, người dân sống trong “vùng đỏ” Bình Dương cần được bảo vệ và tiêm vaccine càng sớm càng tốt, tạo miễn dịch cộng đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại điểm nóng Bình Dương.
Dự kiến, vào đầu tháng 9 này, Sở Y tế tỉnh Bình Dương tiếp nhận nguồn vaccine Vero Cell và triển khai tiêm cho người dân trong tỉnh.
Ngày 30/8, tỉnh Bình Dương ghi nhận số ca tăng cao kỷ lục. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, tỉnh ghi nhận 6.050 ca mắc mới COVID-19, tăng 11,7% so với ngày 29/8. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận đã là 110.258 ca mắc COVID-19; trong đó có gần 57.000 ca khỏi bệnh xuất viện.
TTXVN