Tình hình kinh tế xã hội Thanh Hóa duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận

Thứ Tư, 1/9/2021, 20:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là nhận định tại Phiên họp UBND tỉnh Thanh Hóa thường kỳ tháng 8 năm 2021.

Thanh Hóa: Công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026

Thanh Hóa: Công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021- 2026

Chiều 28/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị thông báo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 8 năm 2021.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng các Đoàn thể, Giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2021.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình  bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị

Theo đó, trong tháng 8, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận có các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong khu cách ly do người dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương, đặc biệt đã xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng, nguy cơ bùng phát và lây lan ra cộng đồng là rất lớn, đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và đời sống của Nhân dân trong tỉnh.

Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ được ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục có bước phát triển.

Trong đó có một số nổi bật là: (1) Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép”; nhanh, nhạy, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh vẫn được kiểm soát; (2) hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành, lĩnh vực có bước tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (tăng 15,5%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (11,1%), giá trị xuất khẩu (36,6%), doanh thu vận tải (15,1%), thu ngân sách nhà nước (15%), doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (12%)... (3) chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời; (4) an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế như: Một số chỉ tiêu dịch vụ du lịch, vận tải hành khách giảm so với cùng kỳ; một số dự án lớn, trọng điểm chậm tiến độ; công tác GPMB đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng so với cùng kỳ; tiến độ xây dựng NTM chưa bảo đảm theo yêu cầu…

Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh mà báo cáo đã đề cập. Các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Về tình hình dịch bệnh, đồng chí Đầu Thanh Tùng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế liên tục cập nhật, đánh giá nguy cơ từng địa bàn xã, huyện để có thể đánh giá bức tranh toàn cảnh “vùng cam, vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh” của toàn tỉnh. Đồng chí phân tích, nếu chưa ra được “bản đồ nguy cơ dịch bệnh” từng địa phương thì các ngành khác như nông nghiệp, công thương, giáo dục… chưa có cơ sở hướng dẫn, tổ chức sản xuất hoạt động cho từng lĩnh vực của ngành; đặc biệt là công tác lưu thông hàng hóa thiết yếu đảm bảo phòng, chống dịch. Đề nghị ngành lao động liên tục đôn đốc, giám sát, khẩn trương hướng dẫn thực hiện công tác an sinh xã hội đã có chính sách ban hành; tránh trường hợp đến cấp huyện “chậm triển khai”.

Chú thích ảnh
Đồng chí Đầu Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu tại thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đồng chí đề nghị tăng cường điểm tiêm vắc xin và quản lý chất lượng vắc xin trước khi tiêm; đề nghị Sở Y tế nghiên cứu lại phác đồ điều trị Covid-19; phải có lộ trình chủ động mua thuốc điều trị Covid-19. Đồng chí cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ GPMB, có giải pháp cụ thể, hiệu quả; tập trung quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại Thanh Hóa; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư tại Thanh Hóa; đề nghị ngành Lao động, Thương binh, Xã hội phối hợp với các tỉnh khác chuyển bảo hiểm của người lao động ở các tỉnh khác về tỉnh Thanh Hóa khi người lao động về nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm…

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, phát biểu kết luận, đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu tại Hội nghị, hoàn chỉnh báo cáo.

Chú thích ảnh
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị

Về tình hình tháng 8, tỉnh đã chuyển sang trạng thái mới từ “phòng” sang “chống dịch”. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ được ổn định; đồng chí nhấn mạnh, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ “mục tiêu kép” trong 8 tháng đầu năm 2021; đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh thời gian qua.

Về hạn chế, tồn tại, đồng chí nhấn mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt chất lượng tham mưu một số ngành chưa cao; một số cán bộ, công chức trong một số sở, ngành có thái độ “nhũng nhiễu”, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân…

Về tình hình thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp; do vậy yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng, triển khai kịch bản, phương án làm việc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đồng chí yêu cầu, tập trung số 1 cho công tác phòng, chống dịch, nhưng quan trọng nhất phụ thuộc vào công tác triển khai thực hiện tại cơ sở; ngành y tế phải kịp thời chấn chỉnh công tác tham mưu, phân phối điều động, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với các ngành: Y tế, Giao thông, Lao động, Giáo dục, Biên phòng, Công an chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ của ngành trước diễn biến liên tục của dịch bệnh Covid-19. Yêu cầu Sở Tài chính chủ động tham mưu, hướng dẫn các địa phương về nguồn thực hiện việc chi trả các dịch vụ y tế như test nhanh, test RT-PCR, cách ly,…

Tiểu ban xét nghiệm, điều trị người bệnh, tiêm vắc - xin tham mưu khẩn trương công tác tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho 6 nhóm đối tượng được ưu tiên theo kế hoạch ban hành. Đối với các sở, ngành, sau thời gian nghỉ lễ 2/9, đề nghị tổ chức test nhanh cho cán bộ, công chức 1 tuần/lần. Về công tác phòng, chống lụt bão, cần tập trung thực hiện tốt. Đối với ngành giáo dục, phải đặt an toàn cho giáo viên và học sinh lên hàng đầu, do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất, đối với học sinh mầm non toàn tỉnh nghỉ học, đối với cấp 1 chỉ học 1 buổi, không tổ chức ăn bán trú; tại các địa phương đang giãn cách áp dụng theo Chỉ thị 15, 16  và thành phố Thanh Hóa tạm dừng đi học đối với tất cả các cấp học. Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị bố trí trực 24/24 trong thời gian nghỉ lễ 2/9 để chủ động thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hội nghị cũng cho ý kiến vào báo cáo dự thảo Chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh do Sở Giao thông Vận tải soạn thảo. Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tính toán lại kinh phí hỗ trợ, nghiên cứu lại phương án khả thi thực hiện, trình UBND tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị

Tiếp đó, Hội nghị thảo luận, cho ý  kiến vào dự thảo Tờ trình phê duyệt Đề án cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và hỗ trợ hoạt động trong Khu công nghệ thông tin tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.  Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành đơn giá thuê tài sản công, thiết bị… trong  Khu Công nghệ Thông tin tỉnh. Trên cơ sở đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu lại chính sách, lưu ý, cân nhắc đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đối với nội dung dự thảo Tờ trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh, Hội nghị thảo luận thống nhất thông qua trình HĐND tỉnh.

Thảo Nhi

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến