(Thethaovanhoa.vn) - Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona gây ra được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Hơn 200 quốc gia vùng lãnh thổ trên toàn cầu có người mắc bệnh.
Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15/4 đến nay.
Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.
Cập nhật 6h00 ngày 25/4: Không có ca nhiễm mới.
Bản tin lúc 6h00 ngày 25/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy, số ca mắc hiện vẫn là 270 ca. Cũng theo Ban Chỉ đạo có 5 trường hợp bệnh nhân "tái dương" sau khi âm tính
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 18h00 ngày 24/4/2020 đến 06h00 ngày 25/4/2020: 0 ca mắc mới trong cộng đồng.
- Như vậy từ ngày 23/1/2020 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.
Số người cách ly:
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 54.966, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 280;
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.020;
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 47.666.
Cập nhật lúc 22h15: Thế giới hiện có 2.760.442 trường hợp mắc bệnh, 193.148 trường hợp tử vong
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22h ngày 24/4, trên toàn thế giới hiện có 2.760.442 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 193.148 trường hợp tử vong. Số người được chữa khỏi bệnh đang là 762.784 người, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch là 58.698 ca.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới với 889.391 ca mắc COVID-19 và 50.370 ca tử vong. Hạ viện Mỹ đã thông qua đề xuất thành lập một hội đồng điều tra đặc biệt nhằm kiểm tra công tác ứng phó của chính quyền liên bang đối với đại dịch COVID-19. Mặc dù vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ của đảng Cộng hòa, song đề xuất này vẫn được thông qua tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Theo quy định, hội đồng trên sẽ có quyền hạn rộng lớn để tiến hành điều tra cách thức chi tiêu của liên bang, sự sẵn sàng của nước Mỹ cũng như những thận trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong công tác đối phó với đại dịch. Hội đồng này cũng có thể đưa ra yêu cầu triệu tập khi tiến hành những cuộc điều tra.
Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 219.764 ca mắc COVID-19 và 22.524 ca tử vong. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đón nhận tin vui trong ngày 24/4 khi số ca tử vong ở nước này trong 24 giờ qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng (367 ca). Hiện quốc gia thuộc Bán đảo Iberia này vẫn là tâm dịch lớn nhất tại châu Âu, tiếp đó là Italy - với 189.973 ca mắc COVID-19 và 25.549 ca tử vong. Pháp hiện có 158.183 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.856 trưởng hợp tử vong, tiếp đó là Đức với lần lượt 153.584 ca mắc và 5.577 ca tử vong, Anh là 143.464 ca mắc và 19.506 ca tử vong...
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, công tác hồi hương công dân châu Âu đã gần như hoàn tất. Theo ông Josep Borrell, hơn nữa triệu công dân châu Âu đã được đưa về nước và hiện chỉ còn khoảng 90.000 người đang bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Ông Borrel khẳng định đây là kết quả của sự phối hợp và điều phối tích cực giữa nhóm công tác lãnh sự của Cơ quan Đối ngoại châu Âu (SEAE) và các phái đoàn của EU, Ủy ban châu Âu và các quốc gia thành viên EU. Ông cho biết EU sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa các công dân còn lại về nước trong những ngày tới.
Trong khi đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại Nga, Ukraine. Hiện Nga đang trong công tác chuẩn bị cuối cùng để đưa bệnh viện dã chiến hơn 1.000 giường ở thành phố St Petersburg đi vào hoạt động từ cuối tuần này. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn nước Nga có tổng cộng 68.622 ca mắc bệnh và 615 ca tử vong. Tại Ukraine, tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người.
Tại Đông Nam Á - khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng mới của thế giới, số ca mắc COVID-19 không ngừng gia tăng. Cụ thể, trong 24 giờ qua, vùng dịch lớn nhất là Singapore tiếp tục phát hiện thêm 897 ca mắc bệnh COVID-19. Như vậy, tính đến nay, số người mắc COVID-19 tại quốc đảo này là 12.075 người, trong đó có 12 người tử vong. Indonesia cũng ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tại nước này, và 42 ca tử vong.
Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong. Philippines cũng có thêm 211 người mắc COVID-19 và 15 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 7.192 ca và số ca tử vong lên 477 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5 tới. Trong khi đó, Malaysia xác nhận thêm 88 người mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 5.691, trong đó có 96 ca tử vong. Đây là ngày thứ tám liên tiếp, số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng 2 con số.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo Australia sẽ phải chuẩn bị đối mặt với sự bùng phát của các ổ dịch COVID-19 mới sau khi các hạn chế về kinh tế và xã hội được dỡ bỏ. Dự kiến, trong vài tuần tới, chính quyền liên bang và các bang ở nước này sẽ mở cửa trở lại một số hoạt động xã hội và kinh tế song song với việc mở rộng quy mô xét nghiệm và đưa vào sử dụng rộng rãi ứng dụng theo dõi người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19. Tính đến nay, số các ca nhiễm COVID-19 ở Australia là 6.675, trong đó hơn 5.000 người đã hồi phục, trong khi số ca tử vong là 79 trường hợp.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố sáng kiến “hợp tác mang tính quyết định” nhằm thúc đẩy việc phát triển các loại thuốc cũng như các phương pháp xét nghiệm và điều chế vaccine an toàn và hiệu quả để phòng ngừa và điều trị bệnh COVID-19. Mục đích sáng kiến này là nhằm phát triển các công nghệ chống COVID-19 mà bất kỳ ai cần đều có thể tiếp cận, trên phạm vi toàn thế giới. Sáng kiến nói trên của WHO được cho là bao gồm việc dự trữ vaccine phòng COVID-19 để sử dụng ở các nước nghèo, như cơ chế hiện tại WHO dự trữ vaccine phòng cúm để ứng phó trường hợp xảy ra đại dịch. WHO cho biết Pháp và Đức sẽ hỗ trợ sáng kiến toàn cầu này, nhưng Mỹ khẳng định sẽ không tham gia.
Trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24/4, người đứng đầu Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, ông Seth Berkley cho biết thế giới đang trong cuộc đua sản xuất vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song ở thời điểm hiện tại không có gì chắc chắn rằng có thể sớm tìm ra loại vaccine này.
Theo ông Berley, một loạt vaccine thường sẽ phải mất từ 10 đến 15 năm phát triển, tuy nhiên, nếu may mắn, các loại vaccine phòng COVID-19 có thể sẽ được cho ra đời trong từ 12 đến 18 tháng. Ông đánh giá cạnh tranh là điều tốt, song thay vì sản xuất hàng chục loại vaccine có cùng 1 công năng, thế giới vẫn cần nhiều loại vaccine có công năng khác nhau. Ông Barkley cho biết hiện có khoảng hơn 100 đến 150 loại vaccine đang được nghiên cứu phát triển với từng giai đoạn khác nhau.
Cập nhật lúc 18h15: Việt Nam có thêm 2 ca mắc là du học sinh trở về từ Nhật Bản
Chiều ngày 24/4, Bộ Y tế công bố có 2 ca mắc mới COVID-19, nâng số ca mắc tại Việt Nam lên 270 ca. Cả 2 ca mắc mới đều là du học sinh trở về từ Nhật Bản và được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh
Cụ thể, hai ca mắc mới 269-270 đều là du học sinh, từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, họ được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.
- CA BỆNH 269 (BN269): Bệnh nhân nam, 23 tuổi, địa chỉ ở Hương Mai, Việt Yên, Bắc Giang.
- CA BỆNH 270 (BN270): Bệnh nhân nữ, 22 tuổi, địa chỉ ở Đông Thắng, Tiến Dũng, Yên Dũng, Bắc Giang.
Ngày 22/4,Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình lấy mẫu sàng lọc, kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Bình đã chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái bình và triển khai các hoạt động phòng chống dịch, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định.
Ngày 24/4 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân đã được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Cập nhật lúc 13h00 ngày 24/4: Thêm một bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Ngày 24/4, theo thông tin từ tiểu Ban điều trị-Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có thêm một bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đồng Nai được công bố khỏi bệnh.
Như vậy, tính đến nay cả nước đã có tổng cộng 225 bệnh nhân trong tổng số 268 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân 247: Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 28 tuổi, trú tại phường 1, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, là quản lý dây chuyền tại công ty giày Gia Định chi nhánh tại số 20A đường Đồng Khởi, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Bệnh nhân hàng ngày từ Thành phố Hồ Chí Minh đi làm ở Đồng Nai, là đồng nghiệp, có tiếp xúc gần với BN124 và BN151.
Sau khi phát hiện BN124 dương tính với SARS-CoV-2, ngày 24/3 bệnh nhân được cách ly tập trung tại ký túc xá Trường Đại học Đồng Nai theo diện đối tượng tiếp xúc gần. Ngày 26/3, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân vào viện ngày 6/4/2020.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhiều lần, trong đó các xét nghiệm gần đây nhất từ ngày 19/4/2020 đến ngày 23/4/2020 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Cập nhật lúc 10h50 ngày 24/4/2020:
- Thế giới: 2.718.139 người mắc; 190.635 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 886.709 người mắc; 50.243 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 213.024 người mắc; 22.157 người tử vong.
- Italy: 189.973 người mắc; 25.549 người tử vong.
- Pháp: 158.183 người mắc; 21.856 người tử vong.
Đến 6h00 ngày 24/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
- Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.
Tổng cộng 224 người đã được chữa khỏi.
Cập nhật lúc 9h30: Thế giới đã ghi nhận 2.715.614 ca nhiễm, 190.422 ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng Việt Nam ngày 24/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.715.614 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 190.422 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân đã phục hồi là 745.045 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 879.430 ca nhiễm và 49.769 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 213.024 ca nhiễm và 22.157 ca tử vong, Italy với 189.973 ca nhiễm và 25.549 ca tử vong, Pháp với 158.183 ca nhiễm và 21.856 ca tử vong, Đức với 153.129 ca nhiễm và 5.575 ca tử vong.
Tại Mỹ, Hạ viện đã thông qua dự luật cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, cũng như tăng cường xét nghiệm, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng đại dịch này lên tới gần 3.000 tỷ USD. Dự luật thứ 4 này sẽ hỗ trợ tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện đang phải vật lộn với thiệt hại kinh tế do đại dịch khiến 26 triệu người mất việc làm trong 5 tuần qua, cũng như thúc đẩy việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2, một yếu tố quan trọng quyết định việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Mỹ.
Chính quyền bang New York cho hay hơn 20% trong tổng số 3.000 người dân được chọn ngẫu nhiên xét nghiệm kháng thể trong tuần này đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Nếu con số phản ánh đúng tình hình dịch bệnh tại đây, điều này có nghĩa rằng hơn 1,7 triệu người ở thành phố New York và 2,6 triệu người trên toàn bang đã nhiễm bệnh. Trong 24 giờ qua, New York đã ghi nhận 438 ca tử vong, giảm 36 ca so với ngày hôm trước.
Tại Brazil, Bộ Y tế ghi nhận thêm 407 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.313 người. Số ca dương tính đã tăng thêm 3.735 ca lên 49.492 ca. Tân Bộ trưởng Y tế Nelson Teich (Nen-xơn Tê-ích) cho biết đây là số ca tử vong kỷ lục được ghi nhận trong một ngày, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo trong 24 giờ qua có thêm 99 ca tử vong và 1.089 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lên lần lượt là 1.069 ca và 11.633 ca. Hiện dịch COVID-19 đã bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) tại Mexico. Nhằm ngăn chặn lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, đồng thời khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ euro (581 tỷ USD) để hỗ trợ các quốc gia và doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19. Gói tài chính này sẽ sẵn sàng trước ngày 1/6.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết số ca nhiễm đã tăng thêm 3.116 ca lên 101.790 ca. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng thêm 115 ca lên 2.491 ca. Lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/4 tại 31 thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Istanbul, sẽ kéo dài đến nửa đêm 26/4. Đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại Ai Cập, Bộ Y tế thông báo nước này đã phát hiện thêm 232 ca nhiễm, số ca nhiễm mới được ghi nhận cao nhất trong một ngày kể từ khi bùng phát dịch. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này đã lên đến 3.891 người. Cũng theo bộ trên, tổng số ca tử vong hiện là 287 người, sau khi ghi nhận thêm 11 ca tử vong trong ngày 23/4.
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng. Cụ thể, Nam Phi sẽ nới lỏng một số hạn chế, trong đó sẽ hạ từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1/5. Chính phủ sẽ cho phép một số ngành nghề kinh tế thiết yếu hoạt động trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh phòng dịch nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng lây lan.
Tại Algeria, sau khi có sự đồng ý của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune, Thủ tướng Abdelaziz Djerad đã ký quyết định nới lỏng thời gian phong tỏa trên lãnh thổ, tính từ ngày đầu tiên của tháng Ramadan là ngày 24/4.
Cập nhật 7h00 ngày 24/4: 8 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, 84% người mắc đã khỏi bệnh
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến 6 giờ ngày 24/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Như vậy, đã 8 ngày trôi qua kể từ khi Bộ Y tế công bố ca bệnh số 268 vào sáng 16/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca bệnh mắc COVID-19 mới nào.
Trong số 268 ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận tại 28 tỉnh, thành phố, có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%).
Ngày 23/4, bệnh nhân số 206 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh đã được công bố khỏi bệnh.
Như vậy, Việt Nam đã chữa khỏi cho 224/268 người, chiếm gần 84% số người mắc COVID-19.
44 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, còn 27 người dương tính với virus SARS-CoV-2 (chiếm 27%); 15 người có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 (chiếm 6%); hai người có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 chiếm 1%.
Trong số 44 bệnh nhân đang được điều trị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 38 bệnh nhân và đang theo dõi cho 188 trường hợp. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị một bệnh nhân người Anh. Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo, Hà Tĩnh điều trị một bệnh nhân người Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị một bệnh nhân người Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn, Ninh Bình đang điều trị một bệnh nhân người Việt Nam. Bệnh viện Phổi Đồng Nai điều trị một bệnh nhân người Việt Nam. Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn, Hà Giang đang điều trị một bệnh nhân người Việt Nam.
Ba ca nặng đang thở máy, lọc máu. Đó là bệnh nhân số 19, 161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng số có 68.890 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó 352 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 17.832 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 50.706 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Cập nhật 22h00 ngày 23/4: Bệnh nhân ở Hà Giang số 268 đã âm tính lần 1
Ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết: Theo kết quả của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 23/4, ca bệnh 268 ở Hà Giang đã có kết quả âm tính lần 1. Ngoài ra, 6 trường hợp liên quan đến bệnh nhân này tại huyện Đồng Văn và 2 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang cũng có kết quả âm tính.
Trước đó, ngày 16/4, tại Hà Giang ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân số 268 (sinh năm 2004), người dân tộc Mông, thường trú ở thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ca bệnh này có những đặc điểm dịch tễ khá đặc biệt và hiện ngành y tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân lây nhiễm, các chuyên gia dịch tễ phải tiến hành xét nghiệm 3 lần mới ra kết quả dương tính.
Ông Sấn Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn cho biết: Kể từ khi công bố dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân số 268 được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tại tình trạng sức khỏe ổn định, bệnh nhân không có các biểu hiện sốt, ho, khó thở và ăn uống tốt.
Cũng theo ông Lương Viết Thuần, các cơ quan chức năng đã rà soát được 1.506 người tiếp xúc với ca bệnh nói trên, trong đó đang cách ly tập trung 431 người, theo dõi sức khỏe tại nhà 1.075 người. Tổng số 370 mẫu xét nghiệm đã được lấy đều có kết quả âm tính.
Cập nhật lúc 18h05 ngày 23-4-2020
Thế giới: 2.648.347 người mắc; 184.614 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 849.092 người mắc; 47.681 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 208.389 người mắc; 21.717 người tử vong.
- Italy: 187.327 người mắc; 25.085 người tử vong.
- Pháp: 159.877 người mắc; 21.340 người tử vong.
Đến 6h00 ngày 23/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.
Tổng cộng 224 người đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1.
208 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến ngày 21/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
Cập nhật 18h00 ngày 23/4/2020: Không có ca nhiễm mới
Bản tin lúc 18h00 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong ngày. Như vậy đến nay đã 7 buổi chiều liên tiếp, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 nào.
Số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó:
160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%;
108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly: 68.081, trong đó:
Cách ly tập trung tại bệnh viện 369.
Cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.600.
Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 49.112.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
BN206 được công bố điều trị khỏi tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
44 bệnh nhân đang điều trị tại 7 cơ sở, cụ thể
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: 38 bệnh nhân và đang theo dõi BN188.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: 1 bệnh nhân người Anh.
Bệnh viện Đa khoa Cầu Treo Hà Tĩnh: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Bệnh viện Đa khoa Kim Sơn Ninh Bình: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Bệnh viện Phổi Đồng Nai: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn: 1 bệnh nhân người Việt Nam.
Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 08 ca.
Bộ Y tế cập nhật tình hình 3 ổ dịch hiện nay
Sáng 23/4, Bộ Y tế cập nhật tình hình các ổ dịch tại Việt Nam hiện nay gồm: Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội); Đồng Văn (Hà Giang) và Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội).
Theo đó, tại ổ dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) đã ghi nhận tổng số 13 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 1.684 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 14.187 mẫu xét nghiệm, trong đó đã có 14.150 mẫu âm tính, 37 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 14/04/2020 - trường hợp BN267. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 267. Đã lập 12 chốt kiểm soát, tiếp tục khoanh vùng, cách ly toàn thôn; thành lập 74 tổ giám sát sức khoẻ người dân toàn thôn 2 lần/ngày.
Tại ổ dịch Đồng Văn (Hà Giang) đã ghi nhận tổng số 1 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 262 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 415 mẫu xét nghiệm và cho kết quả tất cả các mẫu đều âm tính.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 11/04/2020 - trường hợp BN268. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 268.
Tại ổ dịch Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đã ghi nhận tổng số 1 ca mắc COVID-19; đang cách ly, theo dõi 226 người. Các cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy 1.246 mẫu xét nghiệm và cho kết quả tất cả các mẫu đều âm tính.
Ngày phát hiện trường hợp bệnh cuối cùng tại ổ dịch này là 14/04/2020 - trường hợp BN266. Không phát sinh ca mới kể từ khi công bố bệnh nhân số 266.
Cập nhật lúc 23h ngày 22/4: Thế giới hơn 2,58 triệu người mắc bệnh, ít nhất 179.800 người tử vong
Đến ngày 22/4, trong tổng số hơn 2,58 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới thì ít nhất 179.800 người đã tử vong. Gần 2/3 trong số các nạn nhân này ở châu Âu, nơi ghi nhận hơn 110.500 ca tử vong.
Theo số liệu của trang mạng worldometers.com, tính đến tối 22/4 (giờ Việt Nam), Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong với hơn 45.300 ca, tiếp đến là Italy với hơn 24.600 ca và Tây Ban Nha với hơn 21.700 ca. Hai quốc gia tiếp theo cũng là các nước châu Âu, gồm Pháp (hơn 20.700 ca) và Anh (18.100 ca).
Tại châu Âu, trong khi một số quốc gia như Bỉ và Thụy Sĩ ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mỗi ngày và được cho là đã qua đỉnh dịch thì Nga và Anh ngày 22/4 vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới. Trên toàn lãnh thổ LB Nga đã ghi nhận thêm 5.236 ca nhiễm, đưa tổng số ca lên 57.999 ca. Anh ghi nhận 4.451 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên hơn 133.400 ca.
Giới chức Anh nhận định quốc gia này đang bắt đầu bước qua giai đoạn đỉnh dịch. Nước này cũng thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 do Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển trên người từ ngày 23/4 tới. Đây cũng là ngày mà Chính phủ Đức lần đầu tiên "bật đèn xanh" cho việc triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người một loại vaccine do công ty công nghệ BioNTech của nước này phát triển.
Tại Mỹ, Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo người dân nước này cần chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh tái bùng phát mạnh hơn trong mùa Đông tới. Bất chấp những cảnh báo này, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định quốc gia này hiện đã an toàn để nối lại các hoạt động kinh tế. Trong một động thái gây tranh cãi khác, chia sẻ mới nhất trên Twitter sáng 22/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump khẳng định trong ngày ông sẽ ký ban hành sắc lệnh tạm ngừng một phần chương trình cấp phép nhập cư nước này, để bảo vệ người lao động Mỹ vốn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái vì tác động của dịch bệnh.
Tại châu Á, dịch vẫn "nóng" ở Singapore và Ấn Độ. Singapore cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 10.141 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Singapore ghi nhận số ca nhiễm mới trên 1.000 ca. Hơn 75% tổng số bệnh nhân tại Singapore là lao động nhập cư đang sống tại các khu nhà ở tập trung. Trong khi đó, tối 22/4, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo số ca nhiễm đã vượt 20.000 ca. Cụ thể, tính tới 17h (giờ địa phương), Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 20.471 ca nhiễm sau khi phát hiện thêm 487 ca mới trong ngày.
Cập nhật 18h30 ngày 22/4: Thủ tướng kết luận chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, cùng với phát triển KTXH
Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 chiều 22/4, Thủ tướng nhấn mạnh “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.
Tại cuộc họp, dựa trên tình hình thực tế và một số yếu tố, lãnh đạo TP. Hà Nội đề xuất xếp Hà Nội vào nhóm nguy cơ. Một số ý kiến tại cuộc họp cũng nhất trí với đề xuất này. Theo đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia thì Hà Nội ở vào nhóm nguy cơ cao.
Đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, Bộ Y tế, các bộ, ngành cũng như toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, đồng bộ, đạt kết quả đáng mừng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ vậy mà 6 ngày qua cả nước không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm.
Tuy nhiên, “vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội. Yêu cầu lớn là không để đại dịch tàn phá đất nước. Sinh mạng của người dân là quan trọng nhất, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các cấp, các ngành ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại. Phòng chống dịch tốt nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội. Đây là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ngăn chặn triệt để dịch từ bên ngoài, dập dịch bên trong, chữa trị tích cực. Thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước ta, người có nguy cơ cao.
Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng, bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ. Hiện chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước ta.
Nêu rõ việc xác định trạng thái bình thường mới trong bối cảnh hiện chưa có vaccine và thuốc đặc trị, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần của lãnh đạo TPHCM đã xác định vấn đề này; nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là bắt buộc khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người…
Trạng thái mới nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là nếp sống mới, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội. Người có dấu hiệu ốm, sốt thì nên ở nhà, không đến cơ quan, công sở, đơn vị, trường học.
Cơ bản nhất trí với các kiến nghị, biện pháp mà Ban Chỉ đạo đề xuất, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số nơi của Hà Nội có cơ nguy cơ cao như Mê Linh cũng như một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày, chứ chưa áp dụng nhóm nguy cơ cao với toàn Thành phố.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với nơi có nguy cơ cao này. Cùng với Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, một huyện của Hà Giang nơi có bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao.
Lãnh đạo các địa phương phải đi sâu đi sát để xác định nguy cơ cụ thể của các địa phương, kể cả huyện, xã, thôn, bản, khu dân cư để có biện pháp áp dụng phù hợp.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng, quyết định của Bộ Y tế và thực tiễn tại địa phương; quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu hay đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu và các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.
Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng phổ cập cho người dân cách xử lý khi xuất hiện ca dương tính COVID-19, “khi đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mà có ca dương tính thì quy trình xử lý thế nào là nhanh nhất, tốt nhất”. Thủ tướng hoan nghênh TPHCM có bộ quy tắc sắp công bố đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, trường học. Các địa phương khác cần nghiên cứu, nhất là đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng có nhiều lao động, nhiều người sinh hoạt, không được để môi trường dễ lây nhiễm.
Ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng nhằm ước tính nguy cơ mắc, khả năng miễn dịch và mức độ lây truyền, đánh giá hiệu quả can thiệp thời gian qua và dự đoán lây nhiễm thời gian tới.
Cơ bản đồng ý nới lỏng một cách thận trọng đối với một số biện pháp, Thủ tướng lưu ý, không lơ là, chủ quan, cần bảo đảm an ninh trật tự, nhất là chống tình trạng đua xe, nhậu nhẹt đông người.
Thủ tướng cho biết sẽ sớm ban hành một chỉ thị mới về những nội dung này.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo báo cáo, đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Cơ bản đồng ý với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã chủ động xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế, hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển Đại học, Cao đẳng. Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải bảo đảm chất lượng. Kỳ thi do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, bảo đảm an toàn, trung thực, chất lượng. Cần tăng cường sự thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành. Tăng cường sử dụng công nghệ đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn.
Cập nhật lúc 18h05 ngày 22-4-2020
Thế giới: 2.572.603 người mắc; 178.548 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 819.175 người mắc, 45.343 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 208.389 người mắc, 21.717 người tử vong.
- Italy: 183.957 người mắc, 24.648 người tử vong.
- Pháp: 158.050 người mắc, 20.796 người tử vong.
Đến 18h ngày 22/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19, tổng cộng 223 người đã được chữa khỏi. Trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1 và 207 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 06/3 đến ngày 21/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
Cập nhật 18h00 ngày 22/4: Đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới
Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 lúc 18h00 ngày 22/4 cho biết không có ca mắc mới COVID-19 nào. Như vậy, đến nay đã 6,5 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới. Trong ngày đã có 7 ca được công bố khỏi bệnh. Hiện chỉ có 45 ca đang điều trị.
Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó:
160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%;
108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Số ca mắc mới tính đến 18h00 ngày 22/4: 0 ca
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 67.022, trong đó:
Cách ly tập trung tại bệnh viện: 358;
Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263;
Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
07 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi tại:
06 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN184, BN215, BN216, BN227, BN246, BN266.
01 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh: BN252.
Tình hình điều trị của 03 ca nặng nguy kịch đang thở máy, lọc máu là:
BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2: BN19 đã có tiến triển, Glassgow 15 điểm, tiêu hóa được, không sốt;
BN91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh: không sốt, thở máy, ECMO, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, ngưng lọc máu.
Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 09 ca.
Cập nhật lúc 13h30 ngày 22-4-2020
Thế giới: 2.557.183 người mắc; 177.641 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 819.164 người mắc, 45.340 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 204.178 người mắc, 21.282 người tử vong.
- Italy: 183.957 người mắc; 24.648 người tử vong.
- Pháp: 158.050 người mắc; 20.796 người tử vong.
Đến 6h ngày 22/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID -19.
Tổng cộng 222 người đã được chữa khỏi. Trong đó 16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1. 206 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến ngày 21/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
Cập nhật 11h: Đề nghị Thủ tướng tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 đến hết 30/4 đối với Hà Nội
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sáng 22/4, các ý kiến nhận định: Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, việc thực thi hiệu quả và nhất là tuyên truyền tốt, nên cả hệ thống xã hội đồng lòng và cùng vào cuộc. Khi tình hình có diễn biến xấu, nhanh, công tác thông tin được làm tốt nên về cơ bản, toàn xã hội và bộ máy chính quyền không bị động hay hoảng loạn. Hiện nay, tình hình đã tốt hơn nhưng không được phép chủ quan. Đã có nhiều bài học trên thế giới chỉ ra điều này. Vì vậy, các biện pháp nới lỏng phải được thực hiện trên cơ sở khoa học về phòng, chống dịch và khoa học xã hội. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo đã giao các nhóm chuyên gia khác nhau tìm hiểu và trao đổi, tham khảo địa phương để nắm sát tình hình từng địa bàn và tăng cường trách nhiệm của từng địa phương.
Điều đáng mừng là tuần qua, khi Ban Chỉ đạo đã thống nhất, đưa ra các nhóm tiêu chí chủ quan, khách quan để đánh giá tình hình tại địa phương. Kết quả cho thấy tất cả các địa phương đều dựa vào đó để đánh giá, các yếu tố chủ quan đã được chú ý, tăng cường nhiều hơn ở các tỉnh. Sau khi thực hiện quyết định và tham khảo các địa phương, Ban Chỉ đạo đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý đưa 12 tỉnh vào nhóm nguy cơ cao; 15 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và các tỉnh còn lại là nhóm nguy cơ thấp. Sau 1 tuần, các tỉnh đã tập trung thực hiện và từng khâu đều được chú ý. Qua trao đổi với các địa phương và đánh giá qua hệ thống, có 11 tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ tự đánh giá không còn ở mức nguy cơ đó nữa. Cụ thể, có 3/12 tỉnh đánh giá địa phương vẫn còn nguy cơ cao; 8/15 tỉnh thuộc đánh giá không thuộc nhóm nguy cơ.
Các ý kiến cho rằng việc tự đánh giá của các tỉnh là hết sức thận trọng nhưng bộ phận chuyên môn của Ban Chỉ đạo đánh giá: chỉ có Hà Nội vẫn ở mức nguy cơ cao. Ba tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Bắc Ninh được đánh giá có nguy cơ. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù ca bệnh được phát hiện gần đây nhất đã 25 ngày nhưng vì yếu tố đô thị lớn nên vẫn đánh giá ở mức nguy cơ, cần tiếp tục chú trọng. Đối với Bắc Ninh, ca bệnh mới nhất được phát hiện là 11/4, chưa qua 14 ngày nên vẫn tiếp tục phải theo dõi, giám sát. Tại Hà Giang, dù ca mới nhất đã qua 14 ngày nhưng nguy cơ dịch tễ vẫn cao. Các tỉnh còn lại được đánh giá nguy cơ thấp. Ban Chỉ đạo ghi nhận ý kiến của bộ phận chuyên môn và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ theo nội dung trên.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020) đối với Hà Nội nhưng cho phép chính quyền Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tiễn có biện pháp nới lỏng hơn so với chỉ thị; được quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này. UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên; tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh việc lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.
Cập nhật 6h00 ngày 22/4: Không có ca nhiễm mới
Bản tin 6h00 sáng ngày 22/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào. Như vậy, đã 6 ngày liên tục, Việt Nam không có ca mắc mới nào. Dự kiến trong hôm nay có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh
Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó:
- 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%.
- 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly: 67.022, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 358.
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.263.
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 48.401.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 8 ca.
- Dự kiến số ca được công bố khỏi bệnh hôm nay: 6 ca.
22h00 ngày 21/4: Thế giới 2.505.367 ca nhiễm, 171.850 ca tử vong
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 21/4 giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.505.367 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 171.850 ca tử vong. Dịch bệnh hiện đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 659.615 người.
Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 794.297 ca nhiễm và 42.564 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Tây Ban Nha với 204.178 ca nhiễm và 21.282 ca tử vong, Italy với 181.228 ca nhiễm và 24.114 ca tử vong, Pháp với 155.383 ca nhiễm và 20.265 ca tử vong và Đức với 147.593 ca nhiễm và 4.869 ca tử vong.
Tại Mỹ, bang New York ngày 20/4 đã ghi nhận số ca tử vong thấp nhất do dịch COVID-19 kể từ đầu tháng 4 đến nay và tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại 2 bang lân cận là New Jersey và Connecticut. Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong tại bang này lên 14.347 ca.
Tại Argentina, chính phủ xác nhận sẽ mở rộng gói hỗ trợ kinh tế lên tới 850 tỷ peso (khoảng 13 tỷ USD), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Chính phủ Chile cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ khẩn cấp các gia đình nghèo. Biện pháp này dự kiến sẽ kéo dài trong 3 tháng và số tiền mỗi hộ gia đình nhận được sẽ phụ thuộc vào quy mô và tình hình kinh tế của họ.
Tại Peru, chính phủ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn cách xã hội sau khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban bố kết thúc vào ngày 26/4 tới.
Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết trước cuối tuần này, Rome sẽ công bố các kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 4/5 tới.
Về phần mình, Pháp thông báo đã cấm tất cả các chuyến bay khởi hành từ bên ngoài khu vực Schengen.
Tại Đức, giới chức bang Bayern đã chính thức quyết định hủy Lễ hội bia tháng 10 Oktoberfest, lễ hội bia truyền thống lớn nhất thế giới ở Đức, để phòng ngừa các nguy cơ từ dịch COVID-19. Tương tự, tại Tây Ban Nha, chính quyền thành phố Pamplona thông báo lễ hội đấu bò tót San Fermin nổi tiếng sẽ bị hủy.
Trong khi đó, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết nước này sẽ cho phép việc tụ tập công cộng không quá 500 người từ ngày 10/5 tới, tăng so với mức giới hạn 10 người trước đó. Quy định mới này sẽ có hiệu lực cho tới ngày 1/9.
Tại Áo, chính phủ tuyên bố nước này có thể mở biên giới vào mùa Hè để cho khách du lịch từ Đức và các quốc gia khác đang kiểm soát được tình hình dịch COVID-19. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa vào ngày 15/5 tới, qua đó cho phép các nhà hàng, quán cà phê mở cửa và các dịch vụ tôn giáo được nối lại hoạt động.
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết tính đến trưa 21/4, nước này ghi nhận thêm 5.642 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 52.763 ca. Trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong tại nước này lên 456.
Tại châu Á, Hàn Quốc thông báo nước này có số ca nhiễm mới trong ngày chỉ là 9 ca. Đây là lần thứ hai, Hàn Quốc có số ca nhiễm mới dưới 10 người kể từ tháng 2 . Tổng số ca nhiễm tại nước này là 10.683 ca.
Trong ngày 20/4, Nhật Bản có 25 ca tử vong mới, ngày có số người tử vong cao nhất ở nước này. Như vậy, Nhật Bản đã có tổng cộng 276 ca tử vong, trong đó có 13 người trên du thuyền Diamond Princess đang neo tại cảng Yokohama giáp thủ đô Tokyo.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền đặc khu Hong Kong tuyên bố sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế xã hội thêm 14 ngày để đối phó với dịch COVID-19.
Chính phủ Campuchia ngày 21/4 thông báo miễn thuế 3 tháng cho các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và những hãng lữ hành tại thủ đô Phnom Penh và một loạt các tỉnh bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.
Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, đây là số ca nhiễm trong ngày ít nhất trong hơn 1 tháng qua. Tính đến thời điểm này, Thái Lan xác nhận có tổng cộng 2.811 ca nhiễm, trong đó có 48 ca tử vong và 2.108 người đã bình phục.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Singapore đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần tới ngày 1/6, mặc dù thời hạn cách ly xã hội còn 2 tuần nữa mới chấm dứt.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 20/4 đã ban bố lệnh phong tỏa trong 4 ngày, từ ngày 23/4 đến ngày 26/4, do trong khoảng thời gian này có sự kiện Ngày Chủ quyền quốc gia và Ngày Trẻ em 23/4.
Tại Kuwait, chính phủ nước này cùng ngày đã quyết định nâng tổng thời gian giới nghiêm trong ngày thêm 3 giờ. Lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/4, trùng với ngày đầu tiên trong tháng lễ Ramadan.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Ai Cập ngày 20/4 xác nhận có thêm 189 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 3.333 ca và 250 ca. Đây là ngày ghi nhận các ca nhiễm cao kỷ lục tại Ai Cập.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế cho biết đã có 3.300 ca nhiễm tại nước này sau khi ghi nhận thêm 142 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 3 kể từ khi Nam Phi thông báo trường hợp đầu tiên vào ngày 5/3.
Tại New Zealand, chính quyền xác nhận sắc lệnh tình trạng khẩn cấp toàn quốc sẽ được gia hạn lần thứ 4, thêm một tuần. Chính phủ New Zealand cũng dự định nâng cấp độ cảnh báo dịch COVID-19 lên mức 3 vào ngày 28/4 tới.
Nhóm P.V