(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi phương tiện truyền thông đăng tải thông tin thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy hàng loạt tàu, thuyền vi phạm các quy định quản lý của vịnh Hạ Long, trong những ngày qua, trên mạng xã hội, một số đối tượng đã cố tình đưa ra những thông tin, bình luận sai bản chất vụ việc, khiến việc chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch của chính quyền địa phương bị hiểu sai lệch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Hồ Quang Huy cho biết, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã tổ chức tiêu hủy 80 phương tiện thủy là tang vật của các vụ vi phạm các hành vi bị cấm trong Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy di sản vịnh Hạ Long.
Ông Huy khẳng định, các phương tiện bị tiêu hủy không phải là các phương tiện khai thác thủy sản mà là các phương tiện chuyên có hành vi đeo bám tàu du lịch để bán hàng rong trên vịnh Hạ Long. Các phương tiện này không có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, không chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp đối với phương tiện...
Quy trình xử lý các phương tiện vi phạm này được thực hiện đầy đủ: Sau khi lập biên bản vi phạm, ra quyết định tạm giữ phương tiện, UBND thành phố đã thông báo tìm chủ sở hữu hợp pháp, niêm yết tại Cảng và Ban Quản lý vịnh Hạ Long, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không có ai đến nhận hoặc chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp…Do bị tạm giữ trong thời gian dài, các phương tiện mục nát, buộc phải đưa đi tiêu hủy tại khu vực thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng công trình 507 tại Quảng Ninh, thuộc quy hoạch phường Cao Xanh (thành phố Hạ Long) mở rộng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Hồ Quang Huy cho biết thêm: Các phương tiện đánh bắt thủy sản vi phạm các quy định như: sử dụng các ngư cụ bị cấm, có tính chất hủy diệt để khai thác thủy sản như xung điện, chất nổ, hóa chất độc hại, cào đáy...đều bị tạm giữ và bị xử phạt vi phạm hành chính, sau đó được trả lại cho chủ phương tiện kèm theo ký cam kết không tái phạm (có tổ dân khu phố, chính quyền xã ký xác nhận).
Trước năm 2017, nhiều đối tượng sử dụng tàu, thuyền đeo bám tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, thậm chí giả danh tàu cá để ăn xin, chèo kéo, ép khách mua hàng hóa hải sản với giá “trên trời”. Hầu hết các phương tiện trên không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định tại Luật Giao thông đường thuỷ nội địa. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, tổ chức gửi thông báo và ký cam kết không vi phạm…, đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, nhưng nhiều đối tượng vẫn tái phạm, thậm chí hình thành nhóm “bảo kê” với những hành vi manh động như đập phá camera an ninh tàu du lịch, đe dọa, nhắn tin, hành hung thuyền viên, hướng dẫn viên du lịch (nếu không cho lên tàu bán hàng…), đe doạ khách du lịch khi khách từ chối mua hàng hóa, đặc biệt còn chống đối đánh người thi hành công vụ, lực lượng chức năng khi bị phát hiện, xử lý…
Văn Đức
Ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khẳng định: "Không có chuyện chặt phá măng nhũ đá tại một số hang động thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long như một số báo đã đưa tin".