(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát các quy định có liên quan đến hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và tiếp tục nâng cao chất lượng, thực hiện việc quản lý hoạt động tàu du lịch theo các quy định, quy chế đã ban hành.
Theo bình chọn của Hoppa - trang web chuyên về trung chuyển sân bay, Vịnh Hạ Long của Việt Nam xếp thứ 5 trong danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á.
Có thể xem xét nâng phí nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các giải pháp và quy định của tỉnh về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đã đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả về nâng cao chất lượng dịch vụ và quản lý an toàn kỹ thuật, công tác bảo vệ môi trường (ban hành quy chế hoạt động, số lượng tàu, niên hạn, màu sơn…) và đã nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi đến tham quan vịnh Hạ Long.
Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã yêu cầu các địa phương, cơ quan trực thuộc tiếp tục thực hiện việc quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và đánh giá lại việc thông qua một số quy định đặc thù tạm thời để nâng cao chất lượng, quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể về “Quản lý, phát triển sản phẩm du lịch, biển đảo vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô” và nghiên cứu, đánh giá xác định sức tải của các điểm đến tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long. Rà soát lại toàn bộ các quy định có liên quan đến hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Trên cơ sở các kết quả rà soát quy định, kết quả đánh giá và thực tiễn công tác quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long để xây dựng dự thảo “Quy định các biện pháp về quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long” và “Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long”.
Trong đó, dự thảo quy định theo hướng thắt chặt các quy định về an toàn kỹ thuật (thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; đăng kiểm với cơ quan chức năng; đồng bộ trang thiết bị hàng hải…); bảo vệ môi trường (rác thải, nước thải, nước la canh, vệ sinh... trên tàu du lịch phải được thu gom và xử lý triệt để theo quy định), không xả thải ra vịnh và gây ô nhiễm môi trường.
Số lượng tàu hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cũng cần được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Phải khảo sát, đánh giá khách quan, khoa học về nhu cầu, lợi ích và những tác động bất lợi (liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường, công tác quản lý…) của loại hình tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long.
Từ đó xác định số lượng với lộ trình tăng hay giảm hoặc giữ nguyên. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xin ý kiến trước khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Đặc biệt chú ý việc xây dựng loại hình dịch vụ này phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chí tàu và chất lượng dịch vụ đạt đẳng cấp; đồng thời xem xét nâng phí nghỉ đêm, xây dựng các quy định quản lý, kiểm soát phù hợp để tăng thu ngân sách.
Không tăng số lượng tàu vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long
Số lượng tàu vận chuyển khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long phải phù hợp với việc đánh giá, xác định tổng thể về sức tải của các điểm đến du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và đảm bảo không tăng so với số lượng tàu vận chuyển khách tham quan đang hoạt động nhưng phải nâng cao quy mô, công suất và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Có lộ trình để tiến tới thay thế các tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ kim loại (hoặc vật liệu tương đương) hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, khuyến khích và có chính sách phù hợp trong việc đóng tàu thay thế này trước khi hết thời hạn hoạt động trong giai đoạn đến 2020.
Đối với tàu nhà hàng nổi, cần nghiên cứu loại hình dịch vụ này với tiêu chuẩn tàu, chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn 5 sao, đạt đẳng cấp và hoạt động ven bờ tạo điểm nhấn về cảnh quan, không gian ven bờ vịnh Hạ Long về đêm, tăng thu dịch vụ, bảo đảm kiểm soát được số lượng, đồng thời chống độc quyền kinh doanh. Trước mắt tối đa không quá 10 tàu (bao gồm 2 tàu đang hoạt động, 2 tàu đang đóng).
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng đã chủ trì buổi làm việc với các Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy, Bùi Văn Khắng và lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện Chi hội Tàu du lịch, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh nhằm lấy ý kiến xây dựng dự thảo “Quy định các biện pháp về quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long” và “Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long”.
Hiện nay, trên vịnh Hạ Long có tổng số 505 tàu đang hoạt động, trong đó có 189 tàu lưu trú, còn lại là tàu chở khách tham quan. Tháng 4.2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long đến năm 2020. Sau một thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, một số nội dung của kế hoạch này vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế như: chưa khuyến khích phát triển các dịch vụ, sản phẩm mới, cơ chế đóng tàu thay thế chưa phù hợp nên tiến độ thay thế tàu gỗ còn chậm…
Trên vịnh Bái Tử Long, hiện nay đội tàu cũng đang bắt đầu phát triển. Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là sẽ quản lý theo các quy định tương tự như đội tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long, qua đó bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý và định hướng phát triển bền vững.
Mục tiêu của tỉnh là nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công tác quản lý nhà nước, an toàn và bảo vệ môi trường; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long. Thông qua đó phát triển thêm các tuyến, điểm du lịch mới, kết nối với vịnh Hạ Long; từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
(Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng)
|
Thúy Hà/Báo Văn hóa