Thu tiền điện kiểu hành dân tại Hà Nội

Thứ Ba, 30/8/2016, 7:46 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn một tháng nay, Điện lực Hà Nội triển khai hình thức thu mới tiền điện. Theo đó, thay vì có người của điện lực đến từng nhà thu tiền điện, người dân đến từng điểm cố định nộp tiền hoặc chuyển khoản. Tuy nhiên, thiếu thông tin và hướng dẫn không rõ ràng nên việc hình thức thu mới đang gây nhiều bất tiện cho người dân.

Đầu tháng 8, các hộ dân một số khu tập thể, chung cư trên địa bàn phường Xuân La (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được giấy thông báo triển khai hình thức thu mới: Ra điểm điểm nhà văn hóa ngõ 28 đường Xuân La hoặc chuyển khoản qua tài khoản của Ngân hàng. Nhà chị Hà Diệu Linh cách điểm thu hơn 2 km nên xác định chuyển qua ngân hàng cho thuận tiện.

Theo hướng dẫn của tờ thông báo, chị Linh đã đăng nhập theo địa chỉ trên website của Điện lực Hà Nội mã khách hàng, khi gọi điện đến xác nhận và hướng dẫn cụ thể hơn thì được đại diện Điện lực Tây Hồ cho biết khai báo trên website không có giá trị vì không thể nhắn tin đến số điện thoại yêu cầu do đứng tên hợp đồng giao dịch là người khác.

Muốn được Điện lực nhắn tin thông báo số tiền hàng tháng phải nộp, chị Linh phải qua đội 6 (Điện lực Tây Hồ) làm thủ tục sang tên hợp đồng. Thủ tục sang tên theo hướng dẫn cũng đơn giản gồm chứng minh và hợp đồng mua bán nhà. Nếu người nhà đi làm thay cần thêm hộ khẩu. Được thời gian, chị Linh nhân được thông báo không sang tên hợp đồng được do cần phải có sổ đỏ hoặc có xác nhận của phường sở tại.


Hướng dẫn thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng của Điện lực Tây Hồ

Tuy nhiên, chị Linh vẫn có thể chuyển tiền mang tên chủ cũ và chỉ cần nhập mã giao dịch khách hàng. “Gọi điện đến số điện thoại của điện lực Tây Hồ để hướng dẫn chuyển tiền thì được giới thiệu đây là việc của ngân hàng. Gọi đến chi nhánh ngân hàng Vietcombank thì nhân viên cho biết chỉ là người mở tài khoản, còn các hướng dẫn nhập mã, chuyển tiền ra sao thì không biết và hỏi lại Điện lực Tây Hồ. Hai bên nói qua nói lại thì cả hai nhân viên hướng dẫn của Điện lực và ngân hàng đều không xác định phải chuyển khoản như thế nào nên phải trực tiếp ra ngân hàng nộp tiền vì sắp hết tháng, nếu không nộp thì bị cắt điện”, chị Linh cho biết.

Còn chị Đoàn Hương Ly (phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) nhận được thông báo đóng tiền điện từ tháng 8 và ra ATM Argibank chuyển tiền. Gọi điện xác nhận thì Điện lực Bắc Từ Liêm yêu cầu có giấy xác nhận của Ngân hàng, ngân hàng thì cũng không biết đã chuyển tiền chưa và yêu cầu ra trụ sở làm lệnh tra soát. “Phải gọi đi gọi lại hơn 20 cuộc điện thoại mà vẫn phải ra ngân hàng làm thủ tục xác nhận chuyển tiền. Tưởng chuyển khoản nhanh gọn, cải cách hành chính nhưng hóa ra hành dân”, chị Ly cho biết.

Nhiều gia đình nhận được thông báo nộp tiền điện đành chấp nhận đi xa hàng cây số ra điểm giao dịch của Điện lực để nộp tiền. Trao đổi với ông Lê Hùng, Phó Ban quan hệ cộng đồng, Điện lực Hà Nội thì được biết, việc đóng tiền điện theo phương án mới là hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối nhân sự, cải cách hành chính cho thuận tiện, đặc biệt là việc đóng tiền qua ngân hàng sẽ giúp nhanh gọn. Trong quá trình triển khai sẽ có những vướng mắc và sẽ yêu cầu điện lực các quận huyện sớm giải đáp.

Theo chị Linh, việc thu tiền qua ngân hàng là giải pháp giao dịch điện tử giúp thuận tiện cho khách hàng. Vấn đề ở đây là khi triển khai dịch vụ mới với nhiều người dân thì ngành điện phải có hướng dẫn chi tiết, ngân hàng và điện lực thống nhất với nhau về dịch vụ. Đưa thông tin hướng dẫn khai nhập trên website thì bảo không có giá trị, đến khi làm thủ tục sang nhượng hợp đồng thì nhiêu khê, đòi hỏi thủ tục hành chính không cần thiết.

Hướng dẫn chuyển khoản qua ngân hàng thì cả nhân viên điện lực và ngân hàng đều không hướng dẫn cụ thể. Thậm chí phí giao dịch mỗi người nói một kiểu. Đại diện Điện lực Tây Hồ cho biết, phí giao dịch Vietcombank là 22.000 đồng/lần giao dịch. Còn đại diện Vietcombank cho biết phí giao dịch 3.300 đồng/lần giao dịch. Do không thống nhất trong giải thích nên đành ra quầy nộp tiền cho an toàn.

Nhiều người dân cho biết, do ngành điện là đơn vị độc quyền và không biết có bị cặt điện do chậm nộp tiền hay không nên cuối tháng, nhiều gia đình nháo nhào đến các điểm nộp cho xong. Nói là cải cách nhưng không hướng dẫn thông tin và thông tin thì mù mờ khiến cải cách theo kiểu… hành dân.

Đáng lẽ khi triển khai hình thức mới, ngành điện phải có rà soát, điều tra xã hội học, hướng dẫn chi tiết với hộ dân có nhu cầu thanh toán tiền điện qua ngân hàng sẽ không mang lại phiền hà cho nhiều người dân, nhất là những người có tuổi, chưa am hiểu về việc giao dịch điện tử.

Theo Xuân Cường - Tin tức

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến