(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi có thông tin Tp. Đà Nẵng và Tp. Hà Nội ghi nhận ca nhiễm bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng, giá khẩu trang y tế đã liên tục bị đẩy giá từng giờ. Hiện tại, giá 1 thùng (50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc) khẩu trang 4 lớp được bán hơn 6 triệu đồng. Tuy nhiên, quá khảo sát, thị trường không "nóng" dù giá có tăng.
Ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Công văn số 2063/BYT-TB-CT gửi các cơ sở sản xuất khẩu trang y tế đề nghị báo cáo năng lực và khả năng cung cấp khẩu trang y tế.
Giá tăng từng giờ
Sau thời gian kiểm soát được dịch bệnh, hơn 100 ngày không có ca nhiễm mới, giá khẩu trang y tế tại Hà Nội được giữ ổn định ở mức khoảng 50.000 đồng/hộp, tương đương với giá mua khoảng 2 triệu/thùng 50 hộp.
Thế nhưng, ngay sau khi có ca lây nhiễm mới, đến sáng nay ngày 30/7, giá khẩu trang đã tăng phi mã, được thổi giá gấp hơn 3 lần.
Trao đổi với anh P.V.T ở Thanh Nhàn (Hà Nội), anh P.V.T cho biết, từ ngày Chủ nhật (ngày 26/7), giá 1 thùng khẩu trang 4 lớp (2.500 cái) được bán với giá khoảng 1,6 triệu đồng. Nhưng đến tối hôm đó giá đã đẩy lên 2,5 triệu đồng.
Sang đến sáng ngày thứ 2, khi có thông tin dịch COVID-19, giá 1 thùng là 3,1 triệu đồng. Hiện tại giá đang được rao bán trên các trang mạng là 6,1 triệu đồng/thùng. Tuy nhiên, anh P.V.T khẳng định, hầu như các trang rao bán đều hàng ảo, không có hàng để mua.
Theo thông tin trò chuyện giữa anh P.V.T và chủ đầu hàng cung cấp, mỗi lần mua, khách hàng phải lấy ít nhất 100 – 200 thùng, giá bán đến sáng nay đã lên 6,3 triệu đồng/thùng. Tất cả lô hàng này được thông tin là từ nhà máy sản xuất, có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ với 1,35 triệu đồng/thùng.
Khảo sát trên thị trường, các hiệu thuốc lớn đều ở trong tình trạng thiếu nguồn khẩu trang để bán. Tại nhà thuốc Phương Lê (Bạch Mai), đến sáng nay đã thông báo hết khẩu trang.
Tại nhà thuốc Long Châu (Bạch Mai), chủ hiệu thuốc cho biết, chỉ bán 10 cái một lần với giá 18.000 đồng. Một hộp 50 cái giá 89.000 đồng, nhưng cũng không có hàng để bán số lượng nhiều.
Trên mạng xã hội Facebook, giá khẩu trang cũng được đẩy lên với tốc độ chóng mặt. Chỉ 3 hôm trước, giá khẩu trang 4 lớp bán ở mức quanh 4 triệu đồng/thùng. Nhưng đến hôm nay, bán sỉ (số lượng lớn) cũng ở mức 6 triệu đến 6,3 triệu đồng/thùng. Nhiều tài khoản trên mạng xã hội này thừa nhận, giá tăng nhưng cũng không có hàng để nhập vào.
Chị Huyền, kinh doanh khẩu trang online trên mạng facebook cho biết, có một thực tế, giá bán khẩu trang bị đẩy giá trong những ngày qua, không phải do những đội bán lẻ găm hàng. Chính từ các nhà sản xuất một phần không có nguyên liệu, không sản xuất kịp, khiến cho giá bán tăng từ đây.
"Nhiều khi có nguồn hàng, chúng tôi đều phải chốt đơn, đặt cọc nhanh, vì chỉ để vài tiếng, giá bán đã có thể lên cả triệu đồng/thùng.", chị Huyền chia sẻ.
Không để khan hiếm khẩu trang y tế
Đã có kinh nghiệm trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trước, tâm lý người dân tại Hà Nội đã không còn “hoảng loạn”, ồ ạt xếp hàng đi mua khẩu trang, khiến cho thị trường khẩu trang dù giá bán cao, nhưng lượng người mua lẻ tại các hiệu thuốc, siêu thị không quá đông đúc.
Anh Nguyễn Anh Tú, chủ cửa hàng salon tóc Nghệ - 140 Giảng Võ cho biết, cửa hàng có khoảng 7-8 nhân viên, hàng ngày tiếp xúc với khách hàng, nên cũng chỉ mua 20 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt để phục vụ cho nhân viên, cùng với đó là nước rửa tay.
Theo các chuyên gia dịch tễ, ngoài khẩu trang y tế, khẩu trang vải nếu được giặt hằng ngày cũng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn tiếp xúc với các giọt bắn. Vì vậy, người dân không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế phòng dịch, như thế sẽ tạo tâm lý ồ ạt mua khẩu trang y tế dẫn tới nhiều người đầu cơ, tích trữ, găm hàng đẩy giá, làm loạn giá khẩu trang.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp quy hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thực hiện đầy đủ các quy định về niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có đầy đủ chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng, không găm hàng, đầu cơ tích trữ.
Về phía Bộ Y tế, Bộ cũng vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu.
Đồng thời, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng chủ động sản xuất gắn với bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm; ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân và báo cáo về Bộ Y tế...
Đức Dũng/TTXVN