Thí sinh không nên công khai câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực lên facebook

Chủ Nhật, 8/5/2016, 21:38 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội có tình trạng, các thí sinh chia sẻ về các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực.

Ngày thi thứ 4 (8/5) – kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, có tổng số 11.405 thí sinh dự thi/11.760 thí sinh đăng ký, chiếm tỷ lệ 97%; có 3 thí sinh phải chuyển ca thi và không có thí sinh nào bị kỷ luật.

Như vậy, kết thúc 4 ngày thi đầu tiên của đợt 1, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đánh giá năng lực tương đối cao. Công tác tổ chức thi ổn định, đảm bảo an toàn, đúng quy chế.

Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội có tình trạng, các thí sinh chia sẻ về các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực. Theo khuyến cáo của Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội: Thí sinh không nên công khai câu hỏi đã dự thi trong kỳ thi đánh giá năng lực. Vì việc nhớ câu hỏi không chính xác (do thí sinh không được mang vào phòng thi giấy nháp, không được chép câu hỏi mang ra ngoài phòng thi) nên câu hỏi có thể bị sai lệch.


Tâm trạng hồi hộp, căng thẳng thể hiện trên khuôn mặt của thí sinh trước giờ làm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ trên máy tính tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sáng 5/5. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Điều này dẫn đến xã hội sẽ có cái nhìn không đúng về bộ đề. Bên cạnh đó, khi câu hỏi tách ra khỏi tổng thể, người không tham gia vào việc xây dựng câu hỏi sẽ có thể hiểu không đúng về nội dung câu hỏi. Đồng thời, nhằm đảm bảo tính bảo mật, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phải loại các câu hỏi đó ra khỏi bộ đề dù đó là việc vô cùng lãng phí.

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ: Với các kỳ thi đánh giá năng lực của Mỹ, thí sinh bị cấm tiết lộ câu hỏi có trong đề, nếu bị phát hiện, thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi. Tuy nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa áp dụng đến mức như vậy.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng một quy trình hết sức nghiêm ngặt để soạn bộ đề thi, từ việc đặt ra các mục tiêu đánh giá cho đến khởi thảo, làm các tiểu mục rồi qua khâu sàng lọc, thử nghiệm. Ví dụ, để xác định độ chính xác, độ khó của đề nhất thiết phải dựa trên thử nghiệm thực tế. Có câu chuyên gia phân tích, đánh giá là khó, nhưng khi thử nghiệm có đến 2/3 thí sinh làm được thì câu đó không phải là khó nữa và ngược lại. Ngoài thử nghiệm, việc làm này còn phải qua phản biện nhiều vòng mới được chính thức đưa vào để lựa chọn dùng làm đề thi.

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết: Thực hiện đúng thông lệ kỳ thi đánh giá năng lực quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội không công bố đáp án các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực và không tổ chức phúc khảo bài thi. Câu hỏi trong bộ đề thi đánh giá năng lực là câu hỏi chuẩn hóa, qua nhiều bước sàng lọc, thử nghiệm, đồng thời sẽ được sử dụng lại nên việc đưa đáp án là không cần thiết.

Hiện nay, cũng có một số đơn vị đăng tin quảng cáo ôn luyện thi đánh giá năng lực, phục vụ thí sinh chuẩn bị thi đợt tiếp theo. Nhưng theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, việc ôn luyện tại các “lò luyện” là không cần thiết và chưa chắc đã hiệu quả. Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố bài thi mẫu trên website. Thí sinh chỉ cần ôn tập kỹ, nắm vững kiến thức phổ thông là có thể làm tốt bài thi của mình.

Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực sẽ tiếp tục được tổ chức trong các ngày từ 13-15/5.

Việt Hà - TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến