Thế giới đang có 9 cơn bão càn quét, siêu bão Mangkhut là mạnh nhất

Thứ Bảy, 15/9/2018, 4:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay trên thế giới có 9 cơn bão đang hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5 (cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế), mạnh hơn cơn bão Harvy đã đổ bộ vào nước Mỹ năm 2017 (cấp 4).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 16 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão Mangkhut ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 124,9 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. 

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão Mangkhut di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Như vậy, khoảng trưa và chiều mai siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông khoảng 170km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão.

Siêu bão, Bão Mangkhut, Siêu Bão MangKhut, Dự báo thời tiết, Tin bão, Tin bão mới nhất, thời tiết, tin bão khẩn cấp, bao mangkhut, dự báo bão, thời tiết ngày mai
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc

Do ảnh hưởng của siêu bão, từ đêm 14/9 ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng 15/9 tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17, biển động dữ dội.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 16 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông và cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới Việt -Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3, riêng tỉnh Quảng Ninh cấp 4.

Cảnh báo: Từ ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm.

Dự báo thời tiết các khu vực trên cả nước đêm 14/9 và ngày 15/9

Phía Tây Bắc Bộ, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió nhẹ. Độ ẩm 60- 97%. Nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C; cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió nhẹ. Độ ẩm 58 - 98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C.

Thủ đô Hà Nội đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Độ ẩm 60 - 96%. Nhiệt độ thấp nhất từ 25-28 độ C; cao nhất 31- 34 độ C.

Siêu bão, Bão Mangkhut, Siêu Bão MangKhut, Dự báo thời tiết, Tin bão, Tin bão mới nhất, thời tiết, tin bão khẩn cấp, bao mangkhut, dự báo bão, thời tiết ngày mai
Hầu hết các khu vực trong cả nước có mưa

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió nhẹ. Độ ẩm 55-96%. Nhiệt độ thấp nhất từ  24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối 15/9 có mưa rào và dông rải rác. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm 58 - 96%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C; cao nhất 31-34 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, nhiều mây, đêm 14/9 và chiều 15/9 có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Độ ẩm 63 - 98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ C; cao nhất 28-31 độ C. Nam bộ nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C; cao nhất 29-32 độ C.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chủ động ứng phó siêu bão Mangkhut

Chiều 14/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.   

Bão Mangkhut là cơn bão phức tạp. Khu vực bão đổ bộ được nhận định là trung tâm kinh tế, xã hội với số dân tập trung đông; các hoạt động trên biển, đảo, đới bờ và đất liền rất nhiều, đặc biệt là tại các khu du lịch ven biển và trên các đảo, vùng nuôi trồng thủy sản; các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản; dân cư, hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trong các đợt mưa lũ trước đang được khắc phục bước đầu.

Siêu bão, Bão Mangkhut, Siêu Bão MangKhut, Dự báo thời tiết, Tin bão, Tin bão mới nhất, thời tiết, tin bão khẩn cấp, bao mangkhut, dự báo bão, thời tiết ngày mai
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, lúa đang trong giai đoạn trổ bông và chuẩn bị thu hoạch; hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi có nhiều trọng điểm, xung yếu; các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước.

Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động ứng phó để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Phó Thủ tướng đề nghị ở tuyến biển, đảo, các lực lượng chức năng cần kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện việc cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch. Các địa phương, ngành chức năng chỉ đạo gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thủy sản để giảm thiểu thiệt hại; tổ chức sơ tán người dân trên các các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, trên phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, đến nơi an toàn. 

Đối với khu vực đồng bằng và đô thị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển. Các địa phương tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín; tiêu gạn nước đệm để chống úng; chằng chống, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo, kho tàng, công trình công cộng, khu vui chơi giải trí, đặc biệt đối với công trình tháp cao; tổ chức chặt tỉa cành cây; cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm, đặc biệt là với cầu vượt biển; bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, đang thi công; sẵn sàng ứng cứu kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.

Các tỉnh, thành phố khu vực ven biển triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để khắc phục ngay các sự cố; có phương án cung cấp, đảm bảo hoạt động cho các khu vực trọng yếu như: Trụ sở chính quyền, bệnh viện, trung tâm điều hành và các công trình phòng, chống thiên tai; thường xuyên cập nhật thông tin về bão và thông báo trên các phương tiện cho người dân biết, đặc biệt là các khu vực biển mà nguy cơ bão đổ bộ.

Các địa phương khu vực miền núi triển khai ngay các tổ, đội xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt lưu ý những khu vực vừa bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất (khu vực đồi Ông Tượng, Hòa Bình; Mường Lát, Thanh Hóa); tổ chức di dời dân cư vùng có nguy cơ cao; theo dõi các khu vực nguy cơ để sẵn sàng ứng phó kịp thời. Các địa phương đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, sẵn sàng phương tiện để khắc phục giao thông khẩn cấp với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản, các khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, nhất các hồ chứa đã đầy nước; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa thủy điện.

Từ đầu tháng 9 đến nay hồ Hòa Bình đã phải xả lũ lịch sử tới gần 16.000m3/s, do vậy các đơn vị chức năng cần triển khai cấp bách các giải pháp như: Liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Các địa phương phải thông báo tới các tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động kinh tế ven sông sẵn sàng sơ tán, di dời, nhất là khu vực thành phố Hòa Bình (phường Đồng Tiến).

Các đơn vị chức năng tổ chức tính toán phục vụ điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, điều phối vật tư hộ đê, phòng, chống thiên tai theo đề xuất của các địa phương, chỉ đạo các tàu kiểm ngư sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, hệ thống lưới điện; chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo sẵn sàng biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; xem xét việc dừng một số tuyến bay qua khu vực ảnh hưởng của bão; chỉ đạo, kiểm tra việc neo đậu các tàu vận tải lớn, tránh va đập, đứt neo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể cho các khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều hành ứng phó khẩn cấp trong và sau bão; chỉ đạo tăng cường hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét sạt lở đất trên các phương tiện thông tin từ Trung ương đến cơ sở. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình, đề xuất những vấn đề vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Quảng Ninh là tâm điểm của siêu bão Mangkhut

Ngay sau cuộc họp trực tuyến về ứng phó với siêu bão Mangkhut do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, chiều 14/9 UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương triển khai công tác chỉ đạo, ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5 và siêu bão Mangkhut. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

UBND tỉnh đã có công diện số 15/CĐ-UBND ngày 12/9 về chủ động các biện pháp phòng, chống cơn bão số 5. Theo đó, các địa phương đã thông báo cho nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội sản xuất và các chủ tàu đang hoạt động xa bờ biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Siêu bão, Bão Mangkhut, Siêu Bão MangKhut, Dự báo thời tiết, Tin bão, Tin bão mới nhất, thời tiết, tin bão khẩn cấp, bao mangkhut, dự báo bão, thời tiết ngày mai
Quảng Ninh là tâm điểm của siêu bão Mangkhut

Các địa phương đã thông tin, hướng dẫn các chủ nuôi trồng thủy sản gia cố lại lồng bè; di chuyển người giá, trẻ nhỏ vào bờ khi có yêu cầu. Toàn bộ 484 tàu du lịch đang hoạt động đã nghiêm túc thực hiện lệnh cấp phép ra khơi. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo theo dõi thường xuyên mực nước các hồ chứa sẵn sàng phương án tháo nước đệm khi cần thiết. Đặc biệt các trạm bơm lớn tại TX Đông Triều với tổng công suất 147.000m3/h sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh, để chủ động ứng phó đồng chí chỉ đạo: Các ngành, các địa phương có các biện pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut; đặc biệt, các địa phương tuyến biển tiếp tục nắm chắc tình hình tàu thuyền, sẵn sàng kêu gọi về nơi tránh trú; rà soát lại người dân đang hoạt động trên các khu nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng di chuyển về nơi tránh trú; chủ động rà soát lại toàn bộ tuyến đê trên địa bàn, xác định các vị trí trọng điểm khi bão đổ bộ để sẵn sàng phương án di dân.

Chủ động lên kịch bản phương án di dân trước 17h ngày 16/9, trường hợp xấu nhất phải di dân khẩn cấp; chủ động phương châm 4 tại chỗ; huy động các doanh nghiệp trên địa bàn cùng tham gia ứng phó bão; có phương án nghỉ học khi có bão để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở GT-VT không cấp phép cho tàu ra các tuyến đảo, tổ chức thực hiện phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể khi có sự cố, trước 10h ngày 16/9 không cấp phép tham quan vịnh Hạ Long; ngành điện kiểm tra an toàn hệ thống điện, đặc biệt là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn các khai trường, bãi thải, chủ động các biện pháp phòng chống, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương xử lý tình huống trên địa bàn.

Thái Bình cấm tàu, thuyền ra khơi từ 11 giờ ngày 15/9

Ngày 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai ngay phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão đã được phê duyệt tại Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 23/4/2015 của UBND tỉnh, phù hợp với từng địa phương, đơn vị trước, trong và sau bão.

Các cấp, các ngành thực hiện phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình đang thi công trên sông, đê biển và triển khai phương án chống tràn đối với các tuyến đê bao, đê bối; duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để xử lý, ứng cứu và khắc phục hậu quả do bão gây ra khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng để hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang không tiến hành các hoạt động trên những khu vực nguy hiểm, gần các cống qua đê, cầu giao thông, các khu vực ven sông có dòng chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy và UBND huyện Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn. Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 1l giờ ngày 15/9/2018, không để các phương tiện neo đậu gần các cầu, cống, công trình thủy lợi nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và phương tiện của người dân; bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu.

UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo thu hoạch lúa mùa, thủy hải sản và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch; kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển, chủ động khơi thông dòng chảy, khoanh vùng tiêu úng phòng mưa lớn, gây ngập úng lúa, hoa màu... Đồng thời đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông, di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào trong đê chính; kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu. Thái Bình kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn, di dời người và tài sản ở các khu vực bối, bãi thấp ven sông, ven biển thuộc các huyện: Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, để đề phòng nước dâng do bão. Các công việc trên phải hoàn thành trước l6 giờ ngày 16/9/2018.

Các địa phương, đơn vị trong tỉnh tạm dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản mà không chủ động, ứng phó kịp thời thì người đứng đầu các địa phương, đơn vị đó phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đề nghị các đồng chí ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được phân công phụ trách các huyện, thành phố, tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp chỉ đạo của tỉnh để ứng phó với bão Mangkhut.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của bão, từ đêm 14/9 ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11 - 12, từ sáng 15/9 tăng lên cấp 14 - 15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình cảnh báo khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc bộ trong khoảng ngày 16 - 17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17 - 18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc bộ và Bắc Trung bộ từ ngày 17 - 19/9.

Thảo Nhi

Siêu bão Mangkhut được cảnh báo nguy hiểm cấp cao nhất, cấp 5 - CẤP THẢM HỌA

Siêu bão Mangkhut được cảnh báo nguy hiểm cấp cao nhất, cấp 5 - CẤP THẢM HỌA

Siêu bão MANGKHUT đang được theo dõi chặt chẽ và được dự báo cảnh báo nguy hiểm cấp 5 – cấp thảm họa, cấp độ cảnh báo bão cao nhất lần đầu tiên được đưa ra kể từ khi Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến