(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức Hội thảo tham vấn các văn bản pháp luật phục vụ công tác quản lý môi trường nước lưu vực sông.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Dự án tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông sẽ tạo cơ sở khoa học để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ban hành các thông tư, gồm Thông tư quy định về đánh giá sức chịu tải và phân bổ hạn xả thải vào sông; xác định, điều tra ô nhiễm nguồn nước thải; quy định về quy trình điều tra, xây dựng bộ dữ liệu nguồn nước thải, cùng với hướng dẫn kiểm kê các nguồn nước nước thải, sẽ tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề nước thải, làm cơ sở để cấp phép, phân bổ hạn ngạch, phương pháp tính toán, đánh giá chung về sức chịu tải nước thải vào sông, tiến tới xây dựng kế hoạch tổng thể quản lý nước lưu vực sông.
Các chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho rằng, các vấn đề tài nguyên nước ở Việt Nam ngày càng phức tạp, khó giải quyết do áp lực từ nhu cầu sử dụng nước, có nhiều bên liên quan hơn; lũ lụt, xói lở tại khu vực ven biển cũng là những vấn đề nổi cộm. Việc thực thi Luật Tài nguyên nước trên thực tế quan trọng và khó khăn hơn. Một phương pháp quản lý môi trường nước tốt hơn, giải quyết những vấn đề phức tạp về nước được đề xuất là quản lý môi trường nước lưu vực sông thông qua góc tiếp cận kiểm soát tổng tải lượng ô nhiễm.
Theo ông Ichiro Adachi, Cố vấn trưởng của nhóm chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xây dựng hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về phương pháp tính toán sức chịu tải của sông, tính toán tải lượng ô nhiễm xả thải vào sông.
Bộ cần lập kế hoạch, tổ chức tính toán sức chịu tải của sông; phân bổ tải lượng ô nhiễm xả thải đối với các lưu vực sông liên tỉnh; phê duyệt phân bổ hạn ngạch xả thải cho các tỉnh trong lưu vực sông liên tỉnh. Bộ hỗ trợ các cơ quan địa phương liên quan trong tính toán tải lượng ô nhiễm, sức chịu tải của sông và phân bổ tải lượng ô nhiễm ở cấp địa phương. UBND cấp tỉnh cung cấp thông tin dữ liệu của tỉnh, chịu trách nhiệm với các sông nội tỉnh...
Đại diện một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị hàng năm, UBND các tỉnh phải công bố báo cáo công khai lượng nước thải đổ vào lưu vực sông nội tỉnh; việc kiểm soát nên áp dụng với cơ quan, hộ kinh doanh, doanh nghiệp và các gia đình; phải có định mức kinh tế cho việc xây dựng các nội dung tính toán tải lượng ô nhiễm, phân cấp cụ thể cho đơn vị chịu trách nhiệm ở các cấp.
Ngày 21/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo triển khai các công tác bảo vệ môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân.
Minh Nguyệt