(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 18 giờ 30 ngày 20/8 đến 18 giờ ngày 21/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới, trong đó 22 ca nhập cảnh; 11.299 ca trong nước.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tính tới hết ngày 20/8, Thành phố có 40.451 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.
Trong đó, Bình Dương đang có số ca nhiễm cao nhất nước (4.505 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (4.084 ca), Tiền Giang (589 ca), Đồng Nai (551 ca), Long An (393 ca), Đà Nẵng (197 ca), Đồng Tháp (109 ca), Cần Thơ (100 ca)... Trong số này có 7.428 ca trong cộng đồng.
Ngày 21/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 336.707 ca nhiễm; trong đó có 140.087 bệnh nhân đã được điều trị khỏi; 7.5540 ca tử vong. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 687 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.
* Ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc COVID-19 tại nhà
Ngày 21/8, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về quản lý người mắc COVID-19 tại nhà. Theo đó, người nhiễm COVID-19 được quản lý điều trị tại nhà là người được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi. Đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Bên cạnh đó, người mắc COVID-19 được quản lý tại nhà cũng cần đáp ứng thêm tối thiểu một trong 2 tiêu chí bổ sung gồm: Tiêm đủ 2 mũi hoặc một mũi vaccine COVID-19 sau 14 ngày hoặc có đủ 3 yếu tố gồm: Trẻ em trên một tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền theo quy định và không mang thai.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh điều trị tại nhà phải có khả năng tự chăm sóc bản thân, có phương tiện liên lạc và khả năng liên lạc, giao tiếp với nhân viên y tế hoặc phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên. Cơ sở quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 hướng dẫn người nhiễm COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định 4042/QĐ BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo hướng dẫn, trạm y tế xã, phường, thị trấn lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Trạm y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19, bao gồm tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh. Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động. Một trạm y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các tổ dân phố của các phường khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.
* Tăng cường nhân lực hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12 giờ ngày 21/8 đã có 14.543 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Số liệu này không bao gồm lực lượng y tế tại chỗ của các tỉnh, thành phố đang trực tiếp chống dịch.
Trong đó, đã có 195 người thuộc Bộ Y tế, bao gồm lãnh đạo Bộ và lãnh đạo, chuyên viên các Cục/Vụ/Viện tham gia chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, bộ phận thường trực Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện của thành phố là 48 người; tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ 30 người; tổ công tác đặc biệt hỗ trợ 12 tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ là 50 người; 7 tổ công tác hỗ trợ các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ gồm 67 người.
Đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động 1.983 người tới Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó đã có 12 trường y dược huy động 7.573 người tới Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu; 27 bệnh viện Trung ương huy động 2.731 người tới Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp.
Hiện cũng đã có 10 bệnh viện huy động 1.246 người tới các Trung tâm Hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long; 8 viện trực thuộc Bộ Y tế huy động 815 người tới Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe điều chỉnh kế hoạch đào tạo năm học 2021- 2022 để huy động tập trung tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để tiếp tục chủ động ứng phó kịp thời và phòng, chống dịch có hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tổ chức tập huấn để cập nhật đầy đủ các kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch COVID-19, lấy mẫu và xét nghiệm, truy vết, cách ly, phòng, chống nhiễm khuẩn và phân luồng thu dung, cấp cứu, chăm sóc người bệnh COVID-19. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu tập trung nguồn nhân lực và chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch khi được Bộ Y tế và các địa phương huy động.
Cũng tại văn bản này, để đảm bảo ưu tiên cho việc huy động và tham gia công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn này, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở giáo dục có đào tạo khối ngành sức khỏe tạm hoãn thi, tạm hoãn khai giảng năm học mới để tập trung cho công tác tập huấn phòng, chống dịch và sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi có yêu cầu.
* Sẵn sàng các phương án bảo đảm đời sống người dân khi giãn cách xã hội
“Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân” - đây là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/8.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. Thành phố cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường; đề nghị người dân tin tưởng vào chính sách chăm lo của thành phố, không thông tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin sai sự thật. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức cùng thành phố để cùng vượt qua đại dịch COVID-19.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng từ 0 giờ ngày 23/8 đến hết ngày 6/9. Trong đó, người dân “vùng xanh” được phép đi chợ 1 lần/tuần; thành lập các Tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn, đi chợ thay cho người dân vùng nguy cơ cao và rất cao, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trước ngày 15/9, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”. Các đơn vị thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam”, “vùng đỏ”); tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển); hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị khi tham gia lưu thông. Thống nhất triển khai từ 0 giờ ngày 23/8 (hoặc có thể sớm hơn).
Chiều 21/8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có tờ trình khẩn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phức tạp kéo dài. Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.
* Siết chặt công tác phòng, chống dịch nhất là trong dịp lễ 2/9
Chiều 21/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch COVID-19. Theo Công điện, toàn thành phố sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h giờ ngày 6/9 để phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời siết chặt công tác quản lý phòng, chống dịch tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.
Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá tình hình và có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đồng thời tiếp tục huy động sự tham gia hiệu quả của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng chống dịch vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng; huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch để sớm chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo an toàn, bền vững cho Thủ đô, đất nước.
Đối với việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, thành phố yêu cầu chính quyền các cấp, các ngành chủ động phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, mất ổn định thị trường, thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đầu cơ găm hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, gây hoang mang trong dư luận; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc... Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu tổ chức hoạt động sản xuất phải tuyệt đối an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch trên địa bàn theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
TTXVN