(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Nội vụ Sri Lanka đã trục xuất hơn 600 công dân nước ngoài, trong đó có 200 giáo sĩ Hồi giáo, sau loạt vụ đánh bom liều chết trong ngày lễ Phục sinh mới đây mà một nhóm thánh chiến trong nước bị cáo buộc là thủ phạm.
Ngày 27/4, một số nguồn tin thân cận với Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cho biết Tổng thanh tra cảnh sát Pujith Jayasundara đã từ chối từ chức bất chấp Tổng thống Maithripala Sirisena đưa ra yêu cầu này sau loạt vụ tấn công đẫm máu hôm 21/4 khiến hơn 250 người thiệt mạng và 500 người bị thương.
Trong thông báo ngày 5/5, Bộ trưởng Nội vụ Sri Lanka Vajira Abeywardena không nêu cụ thể quốc tịch các công dân nước ngoài bị trục xuất, song cảnh sát nước này cho biết trong quá trình rà soát hệ thống cấp thị thực nhằm siết chặt an ninh sau các vụ tấn công nói trên, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp công dân các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Maldives và Pakistan hiện cư trú tại Sri Lanka với thị thực đã hết hạn.
Theo Bộ trưởng Vajira Abeywardena, 200 giáo sĩ Hồi giáo bị trục xuất nói trên nhập cảnh Sri Lanka hợp pháp, song thị thực đều đã quá hạn.
Ông Abeywardena cho biết thêm Chính phủ Sri Lanka đang kiểm tra toàn bộ chính sách cấp thị thực do có nhiều ý kiến lo ngại các giáo sĩ người nước ngoài có thể lôi kéo người Sri Lanka theo tư tưởng cực đoan để tái diễn các vụ đánh bom liều chết hôm 21/4 vừa qua nhằm vào 3 nhà thờ Thiên chúa giáo và 3 khách sạn hạng sang.
Sau loạt vụ tấn công ngày 21/4 khiến 257 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương, đến nay, Sri Lanka vẫn áp đặt tình trạng khẩn cấp, theo đó tăng quyền hạn cho quân đội và cảnh sát nước này đẩy mạnh truy bắt nghi can. Cơ quan chức năng Sri Lanka cũng đã tăng cường lục soát các nhà khả nghi để tìm chất nổ và các tài liệu tuyên truyền của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã thừa nhận gây ra vụ tấn công trên, song đến nay chưa có bằng chứng nào để xác minh tuyên bố của IS.
TTXVN