(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 5/9 đến 17 giờ ngày 6/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.481 ca mắc mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 12.477 ca trong nước.
Bản tin dịch COVID-19 ngày 6/9 của Bộ Y tế cho biết có thêm 12.481 ca mắc COVID-19, riêng TP HCM đã có đến 7.122 ca. Trong ngày có 9.730 bệnh nhân khỏi
Số ca mắc trong cộng đồng vẫn ở mức cao
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao nhất nước (7.122 ca), Bình Dương (2.194 ca), Đồng Nai (871 ca), Long An (857 ca), Tiền Giang (234 ca), Kiên Giang (201 ca), Tây Ninh (134 ca); trong đó có 8.099 ca trong cộng đồng.
Như vậy, so với ngày 5/9, số ca mắc ghi nhận trong nước giảm 624 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 896 ca, Bình Dương giảm 1.346 ca, Đồng Nai giảm 372 ca, Long An tăng 101 ca, Tiền Giang tăng 101 ca.
Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (258.536 ca), Bình Dương (134.627 ca), Đồng Nai (29.420 ca), Long An (25.942 ca), Tiền Giang (10.805 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 536.788 ca mắc, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 532.490 ca, trong đó có 298.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ngày 6/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 9.730 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 301.457 ca.
Theo số liệu do các Sở Y tế công bố, cả nước ghi nhận 311 ca tử vong trong ngày 6/9. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.385 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
4 địa phương được phân bổ 45% vaccine của cả nước
Trước ngày 10/9, cần lập kế hoạch chi tiết tiêm vaccine phòng COVID-19 tới tận từng quận, huyện. Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 với 4 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Dương, diễn ra vào ngày 6/9. Thứ trưởng cũng đề nghị 4 địa phương quán triệt nguyên tắc “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm nhanh nhất” theo tinh thần vaccine về phải tiêm ngay, không chậm trễ, không chờ đợi, không lựa chọn vaccine, có vaccine nào tiêm ngay loại đó.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 30 đợt vaccine phòng COVID-19 với tổng số 32,8 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An và Bình Dương được phân bổ gần 15 triệu liều, chiếm 45% vaccine trên cả nước.
Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An đã được cấp số lượng vaccine đủ để bao phủ 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh Đồng Nai đã được cấp đủ 80% để tiêm cho mũi 1.
Đến ngày 5/9, cả 4 địa phương trên đã tiếp nhận gần 13,8 triệu liều vaccine và đã tiêm hơn 9 triệu liều (đạt khoảng 65%).
Cục Y tế dự phòng cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được hơn 6,1 triệu liều vaccine (trong đó 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1, số còn lại tiêm đủ 2 mũi). Tỷ lệ sử dụng vaccine đạt 69,1% so với số đã tiếp nhận và đạt 67,2% so với số được phân bổ.
Đồng Nai đã tiêm gần 826.000 liều trên tổng số gần 1,8 triệu liều được phân bổ (thực nhận gần 1,5 triệu liều), tỷ lệ sử dụng đạt 56,5% so với số đã tiếp nhận và 45,9% so với số được phân bổ.
Long An đã tiêm 917.000 liều trong tổng số hơn 1,6 triệu liều được phân bổ (thực nhận hơn 1,3 triệu). Tỷ lệ sử dụng đạt 69% so với số đã tiếp nhận và 55,5% so với số được phân bổ, trong đó 100% người dân thuộc vùng đỏ đã được tiêm vaccine.
Bình Dương đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine, tỷ lệ sử dụng đạt 52,3% so với số đã tiếp nhận và 45,6% so với số được phân bổ.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đề cập đến nguyên nhân tỷ lệ sử dụng vaccine tại các tỉnh, thành phố này còn thấp. Đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, điều này một phần do có số lượng lớn vaccine mà các địa phương được tiếp nhận theo Quyết định phân bổ vaccine gần đây nhất mới được ban hành ngày 30/8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Đơn cử, Bình Dương trong 2 ngày tới sẽ hoàn tất tiêm 750.000 liều vaccine Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer. Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10/9, đạt 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vaccine.
Nguyên nhân thứ 2 là do để đảm bảo vaccine đủ tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành phố cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vaccine phân bổ. Do đó, tỷ lệ vaccine đã được sử dụng trên tổng vaccine tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm
Xác nhận danh sách 795.165 lao động hưởng các chính sách hỗ trợ
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đến hết ngày 5/9, cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 471 đơn vị với 87.237 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 588,3 tỷ đồng tại 47/63 tỉnh, thành phố.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xác nhận danh sách cho 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong số này, có trên 613 nghìn lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 26.821 đơn vị; trên 80 nghìn lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.577 đơn vị; hơn 1.000 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 9 đơn vị.
Bên cạnh đó, có hơn 45.800 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 của 613 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 35.516 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 181 đơn vị và 19.468 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 151 đơn vị.
Từ ngày 8/9, Hà Nội kiểm tra giấy đi đường theo mẫu mới
Bắt đầu từ sáng 6/9, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách lần thứ tư với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn. Phương án giãn cách phòng, chống dịch được thành phố thực hiện theo 3 vùng với các mức độ khác nhau, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, thực chất.
Theo kế hoạch trước đó, các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra sẽ kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, kiểm soát người và phương tiện ra, vào vùng 1 theo giấy đi đường mẫu mới. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy định mới, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong hai ngày 6 và 7/9, các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra, nhắc nhở. Bắt đầu từ 6 giờ ngày 8/9, các chốt kiểm soát của thành phố sẽ thực hiện nghiêm quy định về giấy đi đường có mã nhận diện QR theo mẫu mới.
Trong đợt giãn cách lần thứ tư, Công an thành phố Hà Nội lập thêm 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào vùng 1 theo giấy đi đường mẫu mới. Toàn bộ 39 chốt kiểm soát này đã được kích hoạt từ 6 giờ ngày 6/9. Trong số đó, 21 chốt cấp thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao (mỗi nơi 16 cán bộ, chiến sĩ); 9 chốt do quận, huyện quản lý (mỗi nơi 9 cán bộ, chiến sĩ) và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý (mỗi nơi 4 cán bộ, chiến sĩ). Những ngày đầu, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ tăng cường tuyên truyền đến người dân về các trường hợp được phép ra đường trong thời gian chống dịch. Đồng thời sẽ xử lý nghiêm các trường hợp ra đường không đúng mục đích, giấy đi đường không đúng tuyến được cấp, người không đeo khẩu trang…
Chưa có vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trung học phổ thông
Ngày 6/9, Bộ Y tế đã có văn bản hoả tốc số 7355/BYT- DP gửi Văn phòng Chính phủ về đề xuất, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trung học phổ thông được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021
Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 28/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022, đến hết tháng 4/2022, Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế đã rất tích cực tiếp cận các nguồn vaccine, nhưng hiện nay số lượng vaccine phòng COVID-19 cung ứng cho Việt Nam còn rất hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở tình hình dịch diễn biến dịch phức tạp tại các địa phương, số lượng vaccine cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm quy định tại Nghị quyết số 21/NQ- CP, Quyết định số 3355/QĐ - BYT, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế cho biết, bộ này đang tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch. Khi nguồn cung ứng vaccine đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vaccine về các địa phương, khi đó UBND các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh.
* Xuất hiện hiện tượng buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 10425/QLD-KD yêu cầu 24 cơ sở sản xuất thuốc trên toàn quốc báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.
Cục Quản lý Dược cho biết, hiện đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc gồm 4 loại có tên trên của các cơ sở sản xuất thuốc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.
Khi đồng ý nhập khẩu cho các đơn hàng, Cục Quản lý Dược ghi rõ cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường. Các cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Dược, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.
Để tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực dược, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích theo công văn đồng ý nhập khẩu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose của Cục Quản lý Dược.
Các cơ sở thực hiện việc báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi (tăng, giảm) về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) trên trang điện tử dichvucongdav.gov.vn và gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu theo mẫu hoặc khi có sự thay đổi so với lần báo cáo trước.
TTXVN