Rưng rưng bên ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chùa Trường Sa

Thứ Hai, 18/12/2017, 11:17 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Có những người lính đã đứng lặng hồi lâu trước ban thờ Đại tướng trong khoảng nghỉ giữa các ca gác. Nhiều ngư dân đã đến thắp nhang trên ban thờ Người trước khi vươn khơi bất chấp sự quấy nhiễu của kẻ thù. Còn những vị khách từ đất liền chúng tôi cũng không khỏi rưng rưng khi thấy hình Đại tướng, biểu tượng sức mạnh dân tộc giữa trùng khơi Tổ quốc…

Đó là khoảnh khắc lắng đọng tại ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nơi tiếng chuông chùa ngân vang hồn dân tộc ở chùa Trường Sa (Thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Khánh Hòa)

Sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào

Trong không gian rộng chưa tới 50m2 đông nghẹt phật tử, mùi khói nhang, hương hoa đại quyện với mùi mặn mòi của biển khiến lời cầu nguyện trở nên thiêng liêng lạ.

Chùa Trường Sa

Sau phần cầu nguyện, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa trò chuyện với phật tử: "Thời gian qua, báo chí nước ngoài và cả báo giới Trung Quốc phỏng vấn chư tăng chúng tôi rất nhiều. Có lần họ hỏi: Trung Quốc phản đối Việt Nam đưa chư tăng ra Trường Sa, theo ý thầy sao? Tôi có trả lời rằng: Mảnh đất Hoàng Sa- Trường Sa là mảnh đất chủ quyền của dân tộc Việt Nam, nhiều đời cha ông chúng tôi đã sinh sống và bảo vệ các quần đảo này. Hôm nay chúng tôi ra đây là tiếp nối sự nghiệp của cha ông chúng tôi."

Thượng tọa Thích Giác Nghĩa bên ban thờ Đại tướng

"Lần khác họ hỏi: Thầy căn cứ vào đâu để khẳng định chùa Trường Sa đã có từ lâu? Tôi có trả lời rằng, người Việt Nam đi đâu thường mang theo văn hóa của mình theo đó. Một trong số đó là văn hóa tín ngưỡng, đình chùa, tâm linh. Vậy chỗ nào có người Việt Nam ở, chỗ đó sẽ có đình chùa của người Việt Nam" - Thầy Nghĩa nói tiếp.

Cũng theo thầy Thích Giác Nghĩa, có lần báo chí nước ngoài hỏi thẳng: Thầy có e ngại, sợ sệt trước sự phản đối của Trung Quốc hay không? Thầy Nghĩa trả lời: "Tôi không e ngại hay sợ sệt. Bởi đây là mảnh đất dân tộc chúng tôi, nhiều đời cha ông tôi đã hi sinh. Giờ, chúng tôi ra đây để tu hành. Và nếu ngoại bang có xâm phạm đến chùa Trường Sa, đảo Trường Sa, chúng tôi sẵn sàng cởi áo cà sa khoác chiến bào để bảo vệ sự nghiệp ông cha. Một tăng sĩ trẻ như tôi, nếu phải chết để bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ tôn giáo, tín ngưỡng ông cha, tôi sẵn lòng."

Rưng rưng ban thờ Đại tướng

Sau phần cầu nguyện, thuyết pháp, trò chuyện, Thượng tọa đưa chúng tôi đến nhà thờ Tổ. Nhà thờ tổ gồm 3 ban thờ: ở chính giữa là Phật hoàng Trần Nhân Tông biểu trưng cho nguyên khí Việt; bên phải là ban thờ: "Những người con của Dân tộc Việt Nam đã bỏ mình trên biển Đông, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, chính kiến, ý thức hệ"; bên trái là ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (biểu tượng của sức mạnh dân tộc)
 

Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (phải) chia sẻ với "người từ đất liền"

Đứng trước di ảnh Đại tướng,  thượng tọa Thích Giác Nghĩa, nghẹn ngào: Trong văn hóa người Việt, mái chùa che chở hồn dân tộc, là nơi tập hợp sức mạnh toàn dân. Nên hình ảnh Đại tướng ở chùa Trường Sa như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin tất thắng cho quân dân huyện đảo.

Thượng tọa cũng dẫn chứng: Trong những ngày căng thẳng, có những người lính đã đứng lặng trước ban thờ Đại tướng trong khoảng nghỉ giữa các ca gác. Họ chỉ nhìn di ảnh và lặng im... Nhiều ngư dân đã đến thắp nhang trên ban thờ Người trước khi vươn khơi trên biển cả quê hương bất chấp sự quấy nhiễu của các thế lực ngoại bang. Hay Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng là một trong những người đầu tiên ra chùa Trường Sa thắp hương trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chúng tôi an lòng rời chùa Trường Sa, sau lưng là dung nhan Đại tướng, những câu kinh thỉnh nguyện hòa bình, và tiếng mõ văng vẳng...

Thiêng liêng viên đá chủ quyền

"Chư tăng chúng tôi tu hành ở Trường Sa này, luôn đồng hành cùng dân tộc. Chúng tôi luôn khắc ghi mình là công dân của đất nước Việt Nam. Nên ngoài việc tu hành, chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ sự nghiệp cha ông. Chúng tôi cùng quân dân trên đảo, nguyện không để mất một viên đá, một viên sỏi, một viên san hô của Trường Sa vào tay ngoại bang. Nếu để mất, đó là tội bất hiếu với tổ tiên.

Xin quý vị dập đầu trước viên đá chủ quyền trong chùa Trường Sa này, để gửi vào đó sức mạnh người Việt, lòng đồng tâm của người Việt để tạo cho phiến đá linh khí để vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Thành tâm trước viên đá chủ quyền, chúng ta cũng sẽ tiếp nhận được “khí phách cha ông, hồn thiêng sông núi” để vững vàng trên mọi nẻo đường công tác, đóng góp cho xã hội, tạo lên sức mạnh Việt Nam" - Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa nói.

Phạm Mỹ

Phương Nam  (01/06/2014 06:25:44)
namcutthoi@yahoo.com.vn
Bài viết tuy ngắn nhưng hay quá. Cảm ơn tác giả, cảm ơn BBT TT & VH
mai  (28/05/2014 02:27:39)
saigon_milk@yahoo.com
chùa là nơi hội tụ tinh thần dân tộc
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến