(Thethaovanhoa.vn) - Chính quyền Quảng Trị và các địa phương quan tâm tới người dân bị thiệt hại bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, gạo... để ngư dân tiếp tục bám biển sau sự cố cá chết hàng loạt.
Sau khi Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại miền Trung, phóng viên TTXVN tại Quảng Trị ghi nhận một số ý kiến của lãnh đạo địa phương cũng như tổ chức tôn giáo và người có uy tín trên địa bàn về những giải pháp khắc phục sự cố môi trường, tập trung ổn định cuộc sống người dân.
Ban tổ chức trao quà hỗ trợ ngư dân vùng ảnh hưởng hiện tượng cá
chết hàng loạt (TTXVN)
Ông Lê Văn Chút, KP9, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết: Vừa qua, sau sự việc cá chết tại các tỉnh miền Trung, nhân dân bức xúc và lo lắng. Tuy nhiên, bây giờ khi Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý, nhân dân địa phương rất hoan nghênh.
Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã mời các nhà khoa học nước ngoài cũng như trong nước xác định được nguyên nhân cá chết. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền và các địa phương quan tâm tới người dân bị thiệt hại bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, gạo... để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Chút bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt xử lý, không để tái diễn tình trạng trên.
Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Sau khi xảy ra tình trạng cá chết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ và vận động các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm về các vùng biển để tặng quà, động viên an ủi một số ngư dân gặp khó khăn; mong bà con nhận thức rõ, không nghe lời xuyên tạc của kẻ xấu...
Theo ông Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Trị: “Sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn cho vùng biển và người dân.
Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, thận trọng, khách quan, khoa học cũng như đưa ra những chính sách phù hợp của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong hơn 2 tháng qua. Trong thời gian đó, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các tỉnh hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trước mắt và tạo điều kiện để sản xuất về lâu dài”.
Ông Phạm Đức Châu cho biết, trước khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tỉnh đã chủ động trích ngân sách hỗ cho ngư dân về gạo, tiền để khắc phục những khó khăn trước mắt.
“Qua sự việc này, chúng tôi thấy rằng cách giải quyết thận trọng, khách quan, khoa học chính xác của Đảng và Nhà nước ta là một quyết định quan trọng, rất được lòng dân. Điều quan trọng hơn nữa những nội dung trong bản cam kết của cơ sở gây ô nhiễm với Nhà nước Việt Nam được các cơ quan và người dân đồng ý rất cao.
Người dân mong muốn những cam kết này được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; xác định rõ trách nhiệm trong việc đền bù, khắc phục ô nhiễm môi trường...
Riêng địa bàn Quảng Trị, đây cũng là một bài học trong việc phát triển kinh tế tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Sau khi xảy ra sự cố cá chết, tỉnh Quảng Trị tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được quan điểm, cách giải quyết của Đảng và Nhà nước ta, tin tưởng tuyệt đối vào cách giải quyết đó đảm bảo tính khách quan toàn diện.
Mặt khác, tuyên truyền để nhân dân cảnh giác các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng kích động, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động không phù hợp hoặc đi ngược lại lợi ích của Nhà nước ta”.
Tỉnh Quảng Trị đang tập trung mọi nguồn lực để tạo điều kiện cho người dân vùng biển, những người trực tiếp bị thiệt hại chuyển đổi việc làm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội về lâu dài cũng như phù hợp với tay nghề khả năng lao động của người dân.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần cố gắng, chủ động tận dụng có hiệu quả các chính sách của Nhà nước sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, ông Phạm Đức Châu nhấn mạnh.
Báo Tin Tức/TTXVN