(Thethaovanhoa.vn) - Với tinh thần “nước rút đến đâu dọn dẹp, vệ sinh trường lớp đến đó”, tranh thủ nước rút nên các trường học tại các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lau chùi phòng học, cào đẩy bùi non ra khỏi phòng, vệ sinh lớp học sạch sẽ…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 6, kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, từ ngày 11 đến ngày 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khoảng 300-500mm, có nơi trên 500mm, tỉnh Quảng Bình, thành phố Đà Nẵng có mưa với lưu lượng khoảng 150-250mm, còn tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi là khoảng 100-200mm.
Dù công tác khắc phục hậu quả mưa lũ được các đơn vị nhanh chóng triển khai thực hiện, tuy nhiên từ đêm 11-12/10, Quảng Bình mưa to vẫn xảy ra trên diện rộng khiến nước lũ tiếp tục lên, nhiều trường học bị ngập lụt trở lại, học sinh nhiều nơi vẫn chưa thể quay trở lại trường.
Trong đợt mưa lũ vừa xảy ra tại Quảng Bình, huyện Lệ Thủy là một trong những địa phương bị ngập lụt nặng nhất, với khoảng 9.000 nhà bị ngập nước; tập trung chủ yếu tại các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy với mức ngập 1-3m.
Trong đó, xã Sơn Thủy được xem là “rốn lũ” của huyện Lệ Thủy với khoảng 1.500 hộ bị ngập; trụ sở ủy ban xã, 10 Nhà văn hóa thôn cùng toàn bộ hệ thống trường học thuộc các cấp trên địa bàn xã cũng bị chìm trong biển nước. Nhiều diện tích hoa màu, vật nuôi, ao nuôi thủy sản của người dân bị chìm, ngập úng và thiệt hại nặng nề.
Khi chúng tôi có mặt tại Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nước vẫn ngập quá nửa người. Từ ngoài cổng trường nhìn vào, ngôi trường cùng toàn bộ hệ thống ghế đá, cây xanh, nhà vệ sinh… chìm trong mênh mông biển nước. Cô giáo Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy phải nắm chặt tay chúng tôi để dìu vào trong trường vì nước ngập quá sâu, chúng tôi không thể phân biệt được đâu là đường đâu là vỉa hè, hàng rào...
Trường Tiểu học Sơn Thủy có 20 lớp học phân bổ ở hai điểm trường (một điểm trường ở thôn Hoàng Viễn, một điểm trường ở thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy) với hơn 600 học sinh. Ngay khi mưa lớn diễn ra, trường đã chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học và khẩn trương triển khai các công tác ứng phó, đưa toàn bộ bàn ghế từ tầng 1 lên tầng 2, nẹp chặt các cửa phòng và di chuyển các thiết bị dạy học, sách vở lên cao để phòng nước lũ cuốn trôi.
“Mặc dù công tác ứng phó với thời tiết được nhà trường chủ động triển khai trước đó nhưng không ngờ mưa quá to lại kéo dài khiến mực nước lũ năm nay lên cao. Sau 1 đêm, toàn bộ trường lớp đã chìm trong biển nước từ 1-1,5m. Mưa to kèm gió lớn cũng quật gãy đổ và làm trôi hệ thống cây xanh mà nhà trường vừa mới trồng. Ngày thứ 4 sau mưa lũ, nước có rút nhưng rất chậm, các cô giáo được sự giúp sức của lực lượng công an địa phương nên đã tranh thủ lau dọn phòng, tránh để bùn non đọng lớp dày bên trong các lớp.
Nhưng từ tối 11 đến sáng 12/10, mưa to trở lại, nước lũ ngoài sân trường tràn vào gần sát mép cửa các phòng học tầng 1. Với tình hình này, chúng tôi chưa thể an tâm để đón học sinh trở lại trường”, cô Hồ Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, cho biết.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cô Nguyễn Thị Hằng Hà cũng lo lắng cho biết: Toàn bộ hai điểm trường mầm non của nhà trường hiện vẫn còn ngập trong nước. Đặc biệt ở điểm Trường Mầm non đóng tại thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy nước ngập gần sát nóc nhà nên để tiếp cận vào bên trong nhà trường, chúng tôi phải dùng đò hoặc xuồng mới chèo vào được. Trời mưa kèm gió thổi to, nước lũ chảy xiết nên việc tiếp cận điểm trường này cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Cô Hằng Hà cho hay: Trước đó, hệ thống cửa phòng các lớp đã được đóng chặt kỹ càng nhưng gió to đã bật văng các cánh cửa. Nước lũ tràn về, dâng cao cuốn trôi hết các quạt mát, bàn, ghế và đồ chơi, đồ dùng học tập trong các lớp học. Trước những thiệt hại nặng nề như thế này, việc khắc phục và đón các cháu trở lại trường cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại “rốn lũ” Tân Hóa, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, các giáo viên cũng đang khẩn trương triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhiều trường, công tác khắc phục đã cơ bản nhưng nhà nhiều học sinh ở các vùng thôn, bản vẫn ngập lụt nên học sinh chưa thể quay trở lại trường.
Theo thầy giáo Hoàng Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình: Nắm bắt kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp và tình hình diễn biến thời tiết, nên trong buổi sáng thứ 4 (ngày 7/10) nhà trường đã cho toàn bộ gần 240 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Trong thời gian mưa lũ diễn ra, các cán bộ, giáo viên của trường được cắt cử trực, nắm tình hình để kịp thời ứng phó với các tình huống xấu mà mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, mưa to, lũ lên nhanh đã khiến trường học bị ngập nước sâu khoảng 1,5 m. Hiện tại, nước đã rút còn khoảng 0,5m ngoài sân trường, vì thế nhà trường cũng tranh thủ dọn vệ sinh với tinh thần nước rút đến đâu làm ngay đến đó.
"Điều làm nhà trường lo nhất là hiện nước xuống chậm trong khi mưa lớn lại tiếp tục diễn ra nên học sinh chưa thể đến trường học trong những ngày tới, nhất là học sinh ở thôn 5 nơi thấp nhất của xã. Nhiều nhà hiện còn ngập sâu, việc thực hiện chương trình dạy học bị gián đoạn khá dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chất lượng dạy học.
Đặc biệt, với tình hình mưa to như thế này, khả năng cao là trường học cũng như nhiều nhà dân sẽ bị ngập trở lại, cuộc sống của nhân dân và việc đến trường của các em học sinh trên địa bàn sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, vất vả", thầy giáo Hoàng Ngọc Anh chia sẻ.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, mưa to vẫn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh khiến các trường học tại những vùng ngập lụt sâu như huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa … chưa thể đón học sinh trở lại trường. Đến 17 giờ ngày 12/10, mưa lũ đã khiến hơn 62.058 học sinh tại 122 trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phải nghỉ học do mưa lũ.
Trong đó, các Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện: Lệ Thủy có 60 trường với hơn 25.460 học sinh; Quảng Ninh có 22 trường với gần 8850 học sinh; thành phố Đồng Hới có 12 trường với 9700 học sinh; Quảng Trạch có 9 trường với trên 1900 học sinh..
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các trường tăng cường, chủ động công tác ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Sau khi nước rút, phải khẩn trương triển khai các biện pháp vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đảm bảo và tùy tình hình thời tiết để có phương án đón học sinh trở lại trường nhưng phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tải sản do thiên tai, mưa lũ gây ra.
Võ Dung/TTXVN