Quặn lòng nuôi người thân chạy thận

Chủ Nhật, 19/6/2011, 11:5 (GMT+7)

(TT&VH) - Chúng tôi có mặt ở xóm chạy thận (Đường Lê Thanh Nghị - Hà Nội) đúng vào lúc những cư dân trong xóm đang bận rộn chuẩn bị đồ nghề cho buổi chợ chiều. Người rửa cốc chén, người nhóm bếp, cọ xoong nồi… làm không khí xóm nghèo như nhộn nhịp hẳn lên. Trong số đó, không ít người lưng đã còng, tóc bạc gần hết nhưng vẫn phải bươn trải, xoay xở đủ nghề để có tiền nuôi chồng, nuôi con chạy thận.

Bác Minh (66 tuổi) quê ở Vân Đình - Hà Nội, vẫn được mọi người trong xóm chạy thận phong tặng danh hiệu là: “Người mẹ anh hùng”. Bởi lẽ, trong suốt 15 năm qua, ngày nào người mẹ ấy vẫn cần mẫn với gánh hàng rong để có tiền nuôi con chạy thận và nuôi chồng đau ốm ở quê.

Đoạn trường 15 năm chạy thận

Con trai bác, anh Cương không những bị suy thận mãn mà còn bị di chứng chất độc màu da cam. Chính vì thế, tuy mới 36 tuổi nhưng anh Cương gầy sọp, mắt mờ đục, mọi sinh hoạt hàng ngày từ cơm nước đến giặt giũ quần áo đều trông cậy cả vào người mẹ già.


Bác Minh kể lại lần trèo rào bị ngã đến gãy tay

Hàng ngày, bác Minh phải dậy sớm, lo cơm nước cho con rồi lại chuẩn bị gánh xôi mang bán để kiếm thêm thu nhập. Vài năm trước còn khỏe, bác còn đi chợ bán rau, bán nước, giờ già yếu nên chỉ tranh thủ bán kem, hay vài gói xôi trong bệnh viện. Bác bảo: “Biết là bị cấm bán hàng rong nhưng túng quá vẫn phải đánh liều đi bán. Phận hàng rong cũng khổ nhục đủ đường, già bằng này tuổi mà vẫn phải chui lủi ở gầm cầu thang, thậm chí trong nhà vệ sinh hàng giờ liền để trốn bảo vệ. Có lúc bị bảo vệ bắt được, thu hết hàng, tôi phải xin các chú ấy tha cho để về có tiền cho con chạy thận...”.

Nói đến đây, giọng người mẹ ấy nghẹn xuống, ầng ậng nước. Bác Minh bảo: “Bây giờ bệnh viện người ta làm chặt lắm, có khi phải trèo tường, trèo rào đến rách quần mới mang được hàng vào bán”.

Vất vả là thế nhưng hôm nào bán hết hàng cũng chỉ được gần trăm nghìn đủ tiền mua thuốc cho con, còn hôm ế, hai mẹ còn đành nghẹn ngào động viên nhau bên mâm cơm đạm bạc.

15 năm nuôi con chạy thận, là ngần ấy thời gian bác Minh phải chịu nhiều cực khổ và gian nan. Chồng bác ở quê cứ giở giời là đau ốm do vết thương tái phát, thương nhưng cũng đành trông cậy vào hàng xóm, láng giềng. Đến giỗ bố, bác Minh cũng chỉ gọi điện nhờ anh em thắp hộ nén nhang. Bác Minh tâm sự, cứ mỗi lúc nản lòng về nhìn thấy con “da bọc xương” là lại có thêm nghị lực để phấn đấu, cố gắng. Đời bác khổ nhiều, khổ thế chứ khổ nữa mà có tiền cho con chữa trị thì cũng cam lòng.

Liền kế đó, là cụ Phạm Thị Vượng (87 tuổi) quê ở Ninh Bình, cũng lên chăm con gái chạy thận. Giọng run run, cụ tâm sự: “Bố nó mất sớm, nó cũng không có chồng, con gì cả, nghề nghiệp thì không, nay lại mắc bệnh nhiều tiền này, thương lắm nhưng tôi già cũng chẳng giúp gì được nhiều”. Hàng ngày, khi con gái đi bán hàng, thì cụ Vượng ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cơm nước. Nhìn dáng cụ lom khom, đôi tay run run phải cố gắng lắm mới bê được chậu nước không ai là không thấy xót xa, ái ngại.

Bụng bầu tám tháng… cũng lên chăm chồng

Chị Lê Thị Doan (32 tuổi) cũng có đến 8 năm chăm chồng chạy thận. Tay thoăn thoắt vừa khâu những hạt cườm vào áo, chị vừa kể về những vất vả mà cả hai vợ chồng phải trải qua từ khi anh bị bệnh.

Chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui của cô dâu về nhà chồng, thì đã có tin sét đánh. Anh Hiểu (chồng chị) bị mắc bệnh suy thận, cộng thêm bệnh tim nên người lúc nào cũng xanh xao yếu ớt. Bố mẹ chồng chị còn tính đến chuyện lo hậu sự cho anh. Thương chồng, chị Doan đôn đáo khắp nơi để tìm cách chữa bệnh cho chồng. Được người mách nước, chị cùng anh khăn gói lên Hà Nội, chữa trị ở bệnh viện Bạch Mai. Nhớ lại ngày ấy, chị Doan không khỏi chạnh lòng: “Lúc đấy, mình đang mang bầu tám tháng nhưng vẫn phải cố gắng gượng. Hồi đó, anh còn yếu lắm, mình thì chửa vượt mặt nhưng một tuần đều đặn ba lần, hai vợ chồng lại lóc cóc xe đạp sang viện”.

Doan kể, tháng nào chồng chị cũng phải mất gần 500 nghìn tiền thuốc chưa kể tiền thuê trọ, sinh hoạt, đây là số tiền không hề nhỏ đối với gia đình làm nông như gia đình chị. Để có tiền, Doan nhận hàng về may thêm ở nhà, hôm rỗi việc thì tranh thủ bán nước, hay bánh khoai, bánh ngô để kiếm thêm thu nhập. Vừa sinh con được gần một tháng, chị cũng đành dứt áo, gửi con cho ông bà nội để lên chăm chồng.


Để có tiền cho chồng chạy thận, đêm nào chị Doan cũng thức may vá đến 2 giờ sáng

Giọng nghẹn ngào chị kể, nhiều khi nhớ con lắm cũng không có tiền về nhà, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Bố mẹ chồng chị Doan giờ cũng gần 80 tuổi nhưng nhà nghèo nên ông bà vẫn phải còng lưng cấy mấy sào ruộng để có tiền gửi lên thêm thắt cho con chữa bệnh. Biết thế, nên hôm nào chị cũng cặm cụi may vá thuê đến tận một, hai giờ sáng mới nghỉ.

Gia đình chị Nghĩa, anh Tuấn vẫn được mọi người ở xóm chạy thận này ví như “cổ tích” giữa đời thường. Bởi lẽ, chị Nghĩa đến với anh Tuấn khi anh đã mắc bệnh suy thận. Mới đầu chỉ là tình cảm bạn bè cùng lớp cũ, sau là sự đồng cảm và yêu thương thật sự. Để đến được với nhau, tình yêu của anh chị đã gặp nhiều khó khăn và trắc trở, từ sự ngăn cản, phản đối của gia đình, bạn bè đến nỗi ám ảnh về bệnh tật của anh. Bây giờ, anh chị đã có với nhau được một cậu con trai 9 tuổi kháu khỉnh và đáng yêu. Anh Tuấn, mắt rạng ngời hạnh phúc nói về người vợ của mình: “Đối với tôi, cô ấy giống như cô Tấm hiền thảo, một phép thần tiên mà cuộc đời ban tặng”.

Trước đây để có tiền chăm chồng, nuôi con, chị cũng phải xoay xở đủ nghề, chị tâm sự, ám ảnh nhất là lúc sinh em bé, khi đó anh Tuấn bị sốt phải nhập viện. Hai giờ rưỡi sáng, chị đang ở nhà bị vỡ ối, phải thuê xe ôm vào bệnh viện Phụ sản. Lúc đó trời mưa, trong túi chỉ mang theo 160 ngàn đồng, bảo hiểm y tế, chứng minh thư và bình sữa cho em bé.

Bây giờ, chị được nhận vào làm ở hội khuyết tật qua một người bạn giới thiệu nên thu nhập cũng ổn định, không còn phải lo chạy ăn từng bữa như trước.

Điều ước duy nhất của chị lúc này là anh Tuấn luôn khỏe mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho chị và con trai. Nói đến đây, giọng chị trùng hẳn xuống, đôi mắt nhìn xa xăm.

Tối đến, xóm chạy thận như ấm áp rộn ràng hẳn lên bởi âm thanh của tiếng bát đũa lạch cạch, tiếng thu dọn đồ nghề sau một ngày làm việc vất vả, hay tiếng cười con trẻ... Tôi thầm cảm phục sự hi sinh, thầm lặng của những người mẹ, người vợ bên cạnh những mảnh đời “chạy thận” nơi đây.

Hà Trang

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến