(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn còn bỏ ngỏ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai diễn ra gần 2 tuần trước kết thúc mà không có thỏa thuận như mong đợi. Những tuyên bố của Mỹ và Triều Tiên về diễn biến cuộc gặp sau đó cũng bộc lộ quá nhiều vấn đề tồn tại mà hai bên chưa thể thu hẹp bất đồng.
Ngày 5/3, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã báo cáo trước Ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ về Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bầu không khí sau hội nghị cho tới nay khá lạc quan, thậm chí triển vọng một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba được dự báo là sáng sủa. Cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh lần hai, rằng Washington không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Kim Châng Un) khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đã tạo cơ sở để kỳ vọng vào một bước tiến trong tương lai. Những tuyên bố này dù không mới so với những diễn biến trên thực tế, song một lần nữa khẳng định chắc chắn hơn những bước đi mang tính xây dựng và thể hiện thiện chí thực chất của hai bên nhằm từng bước thu hẹp bất đồng và có thể có những nhượng bộ trong thời gian tới.
Một loạt động thái của cả Mỹ và Triều Tiên khiến dư luận tin rằng những bất đồng dẫn tới hội nghị thượng đỉnh lần hai có vẻ không ảnh hưởng đến việc hai bên đạt được nhận thức chung về sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng nhất, cả hai đều phát đi thông điệp không từ bỏ mục tiêu này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau hội nghị không giấu diếm tham vọng đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên vào cuối nhiệm kỳ của mình. Có thể nói từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, Tổng thống Trump đã có những bước đột phá nhất định trong việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong một năm đầu sau khi nhậm chức, màn “đấu khẩu” nảy lửa giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng khiến căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Triều ngày một leo thang, gây bất ổn cho tình hình thế giới và khu vực. Tuy nhiên, với một cách tiếp cận khác biệt so với các thời tổng thống tiền nhiệm, được đánh giá là "linh hoạt, khéo léo và thực tế", Tổng thống Trump đã phần nào "cài đặt lại" mối quan hệ Mỹ-Triều theo hướng tích cực hơn. Tầm nhìn về "phi hạt nhân hóa" của hai nhà lãnh đạo đã xích lại gần nhau, bất đồng ngày càng được thu hẹp. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử đầu tiên tháng 6/2018 và cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội tháng 2 vừa qua là minh chứng cho sự đúng đắn của cách tiếp cận mang tính xây dựng này. Việc hoàn tất mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rõ ràng sẽ “ghi điểm” cho ông Trump trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Về phần Triều Tiên, mặc dù tỏ ra dè dặt hơn, nhưng Bình Nhưỡng cũng khẳng định lập trường kiên định là thiết lập quan hệ mới với Mỹ, xây dựng cơ chế hòa bình vững chắc và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong một bức thư công bố trước thềm cuộc bầu cử Hội nghị nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên cuối tuần qua, nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung mọi nỗ lực vào việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của Triều Tiên. Một quốc gia độc lập và thịnh vượng dựa vào sức mạnh kinh tế, thay vì sức mạnh của vũ khí, có vẻ là mục tiêu mà Triều Tiên hướng tới. Trong bối cảnh Triều Tiên đang hứng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là điều kiện để Bình Nhưỡng được hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và xây dựng một mối quan hệ mới với Mỹ. Dù phương thức, lộ trình và mục đích khác nhau, nhưng cả Mỹ và Triều Tiên đều chia sẻ lợi ích của việc phi hạt nhân hóa...
Tổng thống Donald Trump vẫn theo đuổi cách tiếp cận khá mềm dẻo khi tiếp tục quyết định hủy các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Đây được xem là một trong những biện pháp giảm căng thẳng với Triều Tiên từng vài lần được Mỹ áp dụng từ năm 2018, bởi Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất giữa Mỹ và Hàn Quốc là động thái chuẩn bị xâm lược chống lại Triều Tiên. Dù không nhất trí loại bỏ dần dần vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà yêu cầu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng", song Mỹ thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa thông qua việc triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, như đề xuất thành lập văn phòng liên lạc ngoại giao Mỹ tại Triều Tiên. Thông điệp từ phía Mỹ, là cánh cửa đàm phán luôn để ngỏ nếu Triều Tiên có thiện chí, đúng như lời Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (Xti-phen Bi-găn) ngày 11/3, trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai kết thúc: Đối thoại vẫn là một lựa chọn. "Thiện chí" mà Mỹ muốn, là Triều Tiên phải tuân thủ những cam kết trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Thông điệp từ phía Triều Tiên cũng rất rõ ràng: duy trì đối thoại tích cực, tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới để “mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” là ưu tiên, dù luôn kèm điều kiện “có đi có lại”. Những đồn đoán về việc Triều Tiên khôi phục hoạt động của bãi phóng tên lửa tầm xa ở Dongchang-ri mà nước này đã bắt đầu tháo dỡ năm 2018, để chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa tầm xa hoặc phóng tên lửa mang vệ tinh, dường như là cách Bình Nhưỡng “đánh tiếng” rằng Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu chung. Trên thực tế Triều Tiên từng có những động thái tích cực như dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân hay tên lửa, song Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Triều Tiên cũng phản ứng gay gắt khi Hàn Quốc và Mỹ khởi động một cuộc tập trận mới trên bán đảo Triều Tiên, thay thế loạt cuộc tập trận quy mô lớn mà Tổng thống Trump đã tuyên bố hủy bỏ, bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, vốn được Bình Nhưỡng hiểu là mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của mình.
Nói cho cùng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là một vấn đề nan giải mà bất đồng cơ bản nhất của Mỹ và Triều Tiên là cách tiếp cận đối với phi hạt nhân hóa của mỗi bên. Tuy nhiên, chừng nào hai bên vẫn duy trì thiện chí đối thoại và hai nhà lãnh đạo tiếp tục "giữ cái đầu lạnh" để giải quyết bất đồng, thì tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cơ hội cho các cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo nhằm tiến tới một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên và giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vẫn còn ở phía trước.
Phạm Ngọc Ánh – Phóng viên TTXVN tại Mỹ