(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 4/7, tại Thanh Hoá, Ban chỉ đạo 218 (Ban Kinh tế Trung ương) phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hoá tổ chức Hội nghị lần thứ 2 về "Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Sáng 2/7 (tức 12/5 âm lịch), Lễ hội Bánh chưng - Bánh giầy đã diễn ra tại đền Độc Cước (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Đây là một lễ hội có từ rất lâu đời ở vùng biển Sầm Sơn và là một trong những sự kiện đặc sắc nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa - du lịch của Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo 28, chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình cùng các thành viên Ban chỉ đạo xây dựng đề án và Tổ biên tập giúp việc Ban chỉ đạo đã lắng nghe, thảo luận về dự thảo Báo cáo Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Tờ trình Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cũng tại hội nghị, các thành viên trong Ban chỉ đạo đề án đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ dự thảo “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, các thành viên Bản chỉ đạo cũng đóng góp các ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo Đề án, Dự thảo Tờ trình Đề án và Dự thảo Nghị quyết chuẩn bị trình báo cáo với Bộ Chính trị để ban hành Nghị quyết mới về phát triển bền vững tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển của Thanh Hoá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch, văn hóa, an ninh - quốc phòng, đào tạo nghề…
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và việc ban hành Nghị quyết khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hoá đối với vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Đây cũng là sự hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ khi sinh thời Người về thăm Thanh Hoá. Đồng thời, điều này còn tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực nhằm đảm bảo cho Thanh Hoá phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, sự phát triển của Thanh Hoá sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững của cả nước. Với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hoá sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Trong thời gian rất ngắn, chỉ chưa đầy 6 tháng, lại đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo và của tỉnh Thanh Hoá, "Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vẫn đạt tiến độ và chất lượng. Các nội dung của dự thảo Đề án, dự thảo Tờ trình Đề án, dự thảo Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Thanh Hoá cần xác định rõ định hướng và nguồn lực phát triển, phải đặt Thanh Hoá trong bối cảnh chung của vùng, của đất nước để chọn hướng trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo đột phá, tránh dàn trải. Vấn đề cốt lõi vẫn là yếu tố con người, vì con người chính là nguồn hoạch định chính sách, mà chính sách sẽ quyết định thành bại của thực tiễn phát triển.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu, sau hội nghị lần thứ 2 này, Ban chỉ đạo cần tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện đề án, chuẩn bị trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo ra cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá. Hy vọng với sự cố gắng của Thanh Hóa, sự hỗ trợ của Trung ương, Thanh Hoá sẽ sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, xứng đáng để Trung ương ra một Nghị quyết riêng, đảm bảo tính thiết thực và khả thi. Trong cuộc họp tới đây của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo 218 sẽ trình Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng yêu cầu lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, góp ý xây dựng đề án hiệu quả dựa trên tinh thần “Cả nước vì Thanh Hóa, Thanh Hóa vì cả nước”.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cảm ơn ý kiến đóng góp của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ban, ngành, đồng thời mong muốn, sau hội nghị này, Ban chỉ đạo 218 và Ban Kinh tế Trung ương sẽ có đầy đủ cơ sở trình Bộ Chính trị để ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để Thanh Hoá có điều kiện phát triển trong những năm tới.
Trong buổi sáng cùng ngày, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo ở Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, các viện, trường đại học…
Hoa Mai