(Thethaovanhoa.vn) - Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4 với số ca mắc tăng cao mà chưa có biểu hiện dừng tại một số tỉnh khu vực phía Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 2000 ca mắc mỗi ngày, Bộ Y tế đã quyết định thay đổi chiến lược trong cách ly và điều trị ca bệnh Covid-19.
Ngày 14/7, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn khẩn số 229/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng, với 10.000 người trên địa bàn.
Tại cuộc làm việc mới đây của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với Bộ phận thường trực phòng, chống dịch của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia để đánh giá diễn biến đợt dịch thứ 4 và thảo luận về điều trị, cách ly, xét nghiệm… trên địa bàn Thành phố và một số địa phương khu vực miền Nam, Bộ Y tế đã quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng. Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm giảm thời gian điều trị và cách ly những trường hợp F0 không triệu chứng tại nhà.
Giảm thời gian điều trị và cho cách ly F0 tại nhà
Theo các chuyên gia y tế, kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính.
Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, nhằm giảm số lượng người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cho cách ly tại nhà đối với bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng.
Theo Bộ Y tế, các bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, có thể cho xuất viện vào ngày thứ 10 khi đảm bảo 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) thì đưa vào cơ sở y tế cách ly và theo dõi, sau 24h làm lại xét nghiệm nếu tiếp tục có tải lượng virus thấp (giá trị CT ≥ 30) hoặc kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 thì cho bệnh nhân xuất viện và thực hiện giám sát y tế như trên.
Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương tính sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Cũng ngay trong tối 13/7, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biêt, được sự chấp thuận của Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid -19 tại Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Sơn, thành phố sẽ triển khai thí điểm cách ly trường hợp F0 không triệu chứng tại nhà, trước hết áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống lây nhiễm.
Cách ly F0 ngoài sở y tế cần những điều kiện gì?
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đối với các trường hợp F0 cách ly ngoài bệnh viện, quan trọng nhất là được đánh giá diễn biến sức khỏe, đặc biệt trong thời điểm ngày thứ 7 - 10. Các cơ sở y tế có thể hướng dẫn cho F0 và người chăm sóc, người của địa phương theo dõi F0 trong quá trình cách ly.
“Việc đánh giá diễn biến F0 không quá phức tạp, trong đó cơ bản là tình trạng sốt cao thông qua đo nhiệt độ hoặc tình trạng khó thở bằng cách đo nhịp thở. F0 cần được gắn máy đo nồng độ oxy, hướng dẫn cụ thể cách theo dõi sức khỏe hằng ngày, cách sinh hoạt, tự cách ly tại nhà. Cán bộ y tế phải tư vấn cụ thể để F0 thường xuyên tự cập nhật và thông báo về tình hình sức khỏe như nhiệt độ, mạch đập, độ bão hòa oxy; khi có diễn biến nặng kịp thời đưa đến bệnh viện”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung lưu ý, F0 cần được hướng dẫn bảo vệ sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C, uống nhiều nước, bù Oresol khi sốt; chế độ vận động, thể dục; được hướng dẫn các quy định cần tuân thủ, những vấn đề cần theo dõi về sức khỏe, vệ sinh cá nhân, thể dục… Đặc biệt, F0 cần được chuẩn bị về tâm lý, tư tưởng.
Tại các nơi F0 cách ly tại nhà, có biển thông báo, cũng là cách để cộng đồng giám sát, đồng thời tránh tiếp xúc gần. Cần đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng, nhà ở, cơ sở vật chất. Cụ thể, các hộ gia đình phải có phòng riêng, khép kín. Các phòng có thể trong khu chung cư hoặc nhà riêng. Chung cư có điều hòa trung tâm thì không nên dùng làm nơi cách ly F0, bởi dễ lây lan dịch bệnh từ đây.
Cùng với đó, các thành viên còn lại trong gia đình được coi là F1, cũng cần tự cách ly tại nhà. Vì vậy, việc mua đồ dùng sinh hoạt hằng ngày cần có người hỗ trợ. Việc này có thể giao cho các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, đoàn thể địa phương và hướng dẫn cụ thể cách đảm bảo an toàn.
Ngành Y tế cần xây dựng quy trình, số lần lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại nhà. Nhân viên y tế có thể mặc đồ bảo hộ hai lớp, khi đến nhà F0 sẽ bỏ lớp ngoài, để không bị lây nhiễm và phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho rằng, trong đợt dịch này cần chú trọng đến công tác điều trị một cách thoả đáng, không để hệ thống bệnh viện quá tải. Muốn làm như vậy phải phân loại F0 để có hình thức chăm sóc, liên tục theo dõi phù hợp, kể cả những người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời không để ai bị bỏ lỡ cơ hội cứu sống khi diễn biến nặng, cho dù là một tỷ lệ nhỏ.
Muốn vậy, cần phải có một kế hoạch đầy đủ, hướng dẫn khoa học chi tiết và quy trình kết nối trong bệnh viện và ngoài bệnh viện thật thông suốt, sử dụng toàn bộ nhân lực thầy thuốc tư nhân, y tế cơ sở, người tình nguyện, áp dụng công nghệ thông tin, phương tiện chuyên chở và các phương tiện cấp cứu cơ bản, có sự tham gia đắc lực của người dân.
Phương tiện truyền thông mở các chuyên mục tương tác hướng dẫn người dân chăm sóc, theo dõi, nâng cao sức khoẻ khi nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt không nên coi tất cả người nhiễm SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân.
Bệnh viện tiếp nhận những người thực sự cần chăm sóc y tế, khoảng tối đa là 20% số người có SARS-CoV-2 dương tính.
Nguyễn Bích Thủy/ TTXVN