(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp các chuyên án được triệt phá với tang vật là hàng trăm kg ma túy đá, hàng trăm bánh heroin và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp là những con số “biết nói”, cho thấy cuộc chiến với tội phạm ma túy ở nước ta đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm ma túy, từ đầu năm 2019, hàng loạt chuyên án lớn đã được lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai, triệt phá.
Tội phạm ma túy ngày càng tinh vi
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tư pháp được tăng cường. Tuy nhiên, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam tiêu thụ diễn biến phức tạp, “nóng” trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, sân bay và bưu điện.
Năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 738 kg heroin; 3,4 tấn cùng hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp; khoảng 255 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 12,85% số vụ, tăng 9,15% số đối tượng.
Đánh giá về tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, ông Vũ Thành - Phó Trưởng Phòng Kiểm soát ma túy - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn biến hết sức phức tạp với các ổ nhóm, đường dây xuyên quốc gia.
Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy tăng mạnh, nhất là các loại ma túy mới. Cùng với đó, ở biên giới Việt Nam-Campuchia cũng gia tăng hoạt động mua bán trái phép ma túy qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam. Một số đối tượng lợi dụng sang Campuchia du lịch, thăm thân, làm ăn, buôn bán, đánh bạc để mua bán, vận chuyển ma tuý về Việt Nam.
Tại khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc, hoạt động tội phạm ma túy diễn biến cũng hết sức phức tạp. Chủ yếu là heroin được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, các loại ma túy tổng hợp từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam.
Đáng chú ý, các đối tượng này dùng thủ đoạn lợi dụng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa để ngụy trang cất giấu ma túy trong các container hàng hóa với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam sang nước thứ ba. Trọng điểm là tại các cảng biển lớn; ở khu vực phía Nam điển hình như TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu; ở khu vực phía Bắc như Hải Phòng...
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04), trong nội địa, tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng ma túy trái phép có chiều hướng gia tăng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Lợi dụng hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke... để tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng trái phép các chất ma túy tổng hợp.
Thống kê hiện nay, toàn quốc có hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, trong khi đó, hiệu quả cai nghiện thấp, tỷ lệ tái nghiện cao nên số người nghiện ở ngoài xã hội còn lớn. Đây là nguy cơ gây mất an ninh, trật tự ở nhiều địa phương, gây ra những khó khăn, thách thức rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài với danh nghĩa du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” ngụy trang mua bán, vận chuyển, thậm chí sản xuất trái phép ma túy với số lượng lớn.
Các đối tượng còn lợi dụng tuyến bưu điện để mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa với thủ đoạn để lẫn ma túy trong thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, sữa, quần áo... từ các nước châu Âu (Hà Lan, Pháp, Đức, Bỉ) về Việt Nam tiêu thụ và từ Việt Nam đưa đi các nước. Xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng internet để mua bán trái phép chất ma túy.
Đặc biệt, mới đây, vụ án ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã cho thấy sự manh động, liều lĩnh, bất chấp pháp luật của tội phạm ma túy. Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, đánh giá đây là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, gây tác động xã hội lớn. Từ bao giờ và tại sao một địa chỉ khám, chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần ở tuyến cao nhất trong cả nước, lại để xảy ra tình trạng tội phạm về ma túy có thể ngang nhiên lộng hành?
Cuộc chiến với tội phạm ma túy vẫn rất cam go
Mới đây, tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021 của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: “Trên thế giới và khu vực, các tổ chức tội phạm đã liên kết chặt chẽ với nhau hình thành và mở rộng phạm vi các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Do đại dịch COVID-19, dự báo mua bán, vận chuyển ma túy qua đường biển sẽ phức tạp hơn (vì đường hàng không và đường bộ chúng ta kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống dịch); các đối tượng sẽ triệt để sử dụng không gian mạng để trao đổi, liên lạc, mua bán ma túy. Hơn nữa, hiện nay xu hướng “hợp pháp hóa” một số loại ma túy (nhất là cần sa) cũng diễn ra phức tạp trên thế giới và một số nước trong khu vực”.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng: “Chúng ta bắt nhiều nhưng giá ma túy trên thị trường vẫn ổn định. Như vậy, theo quy luật cung-cầu, có thể nhận định nguồn cung ma túy còn rất lớn. Phần chìm của tảng băng này lớn đến đâu, chúng ta chưa đánh giá hết được. Vì vậy cuộc chiến chống ma túy sẽ còn lâu dài và ngày càng cam go, quyết liệt.”
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: "Năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh trấn áp có hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội và kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Cục cũng tăng cường kiểm tra, giải quyết các điểm, tụ điểm sản xuất, mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép các chất ma túy phức tạp, gây bức xúc dư luận…
Tội phạm ma túy gia tăng theo sự chi phối của vòng quay của "cung - cầu". Triệt phá nguồn cung còn phải đi đôi với ngăn chặn nguồn cầu. Tuy nhiên, hiện nay làm sao để giảm cầu vẫn là một vấn đề nan giải, bởi mấu chốt là giảm người nghiện, người sử dụng ma túy, nhưng số người nghiện vẫn ở mức cao, gây nên nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng cho xã hội.
Công tác cai nghiện cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành đặt ra trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công an đang chủ trì xây dựng. Theo đó, để công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đạt kết quả tốt nhất, cũng cần có sự chung tay của cả xã hội, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, để tư nhân góp sức cùng nhà nước trong cuộc chiến gian nan này.
Những vụ án ma túy lớn bị triệt phá đầu năm 2021
- Ngày 5/4, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và các lực lượng chức năng triệt đã triệt xóa thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ; bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ tang vật gần 350 kg ma túy, 17.600 viên ma túy tổng hợp.
- Ngày 30/3, Công an huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã bắt giữ đối tượng Phạm Văn Nam (sinh năm 1987, trú tại phường Đông Nguyên, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Lực lượng Công an Sơn La thu giữ tang vật gồm: 2 kg nghi là ma túy đá, 2.000 viên nghi là ma túy tổng hợp và một số vật chứng khác liên quan.
- Ngày 24/2, tại xã biên giới Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), lực lượng biên phòng đã bắt quả tang đối tượng Huỳnh Công Đồng (41 tuổi, ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đang vận chuyển 3 kg ma túy đá, hơn 800 viên ma túy tổng hợp.
- Ngày 18/2, tại Km56+400, thuộc địa phận bản Nà Đa, thị trấn huyện Tam Đường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Lai Châu phối hợp với Công an huyện Tam Đường bắt giữ Giàng A Dao khi đối tượng đang trên đường vận chuyển ma túy từ Điện Biên qua Lào Cai tiêu thụ. Đối tượng bị bắt giữ cùng tang vật là 18 kg ma túy tổng hợp dạng đá.
- Ngày 5/2, tại thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Ng. Ng. L., ngụ ở Trảng Bom, đang vận chuyển 2 balô chứa 20 gói ma túy tổng hợp nặng 20kg.
- Ngày 26/1, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt quả tang đối tượng Ma Seo Lềnh, sinh năm 1990, trú tại thôn Tả Thồ 1, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà về hành vi vận chuyển trái phép 12.000 viên ma túy tổng hợp.
- Ngày 23/1, tại khu vực bản Xẻ, xã Phu Luông, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), lực lượng phòng chống ma tuý và tội phạm Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị phối hợp đã phá thành công chuyên án 121B, bắt quả tang đối tượng Lường Văn Bến (sinh năm 1981, trú bản Na Há, xã Phu Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ 4.000 viên ma túy tổng hợp và nhiều vật chứng có liên quan.
- Ngày 17/1, tại khu vực bến phà Hồng Ngự, Đồng Tháp (thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), Đoàn đặc nhiệm Miền Nam thuộc Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát ma túy (Bộ Công an), Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy và Công an huyện Hồng Ngự đã tổ chức thực hiện phá án, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi vận chuyển 89,4 kg ma túy các loại từ Campuchia về theo đường sông để vận chuyển tới TP Hồ Chí Minh.
Diệp Ninh - TTXVN