(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 11/9 vừa qua, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn đã tham dự họp báo ra mắt cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phiên bản tiếng Việt. Đây là hoạt động trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội.
Hiện ấn bản Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (nguyên bản tiếng Anh) của Klaus Schwab đã được Thư viện Viện Khoa học pháp lý sưu tập và lưu giữ. TTXVN giới thiệu nội dung cơ bản của cuốn sách để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và bạn đọc tiếp cận được nguồn tài liệu tham khảo này.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một từ khóa “hot” trên các diễn đàn kinh tế cũng như khoa học công nghệ hiện nay. Khái niệm Industry 4.0 (Công nghiệp 4.0) hay cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao năm 2012 của Chính phủ Đức. Cuộc cách mạng này được thúc đẩy bởi những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất đến từ những lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, robot thế hệ mới, sự phổ cập Internet, sự xuất hiện các máy móc tự động, công nghệ in 3 D, công nghệ nano, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp được xem là đảo lộn toàn bộ mô thức truyền thống trong kinh doanh, sinh hoạt, tiêu dùng và quản trị quốc gia.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp này tới đời sống của người dân và doanh nghiệp, tới mô thức quản trị quốc gia trong thời gian tới. Sau gần 16 năm nghiên cứu, chiêm nghiệm, Klaus Schwab, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới, người sáng lập của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố công trình nghiên cứu công phu về vấn đề này trong tác phẩm The Fourth Industrial Revolution - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được xuất bản đầu năm 2016, ngay trước thời điểm Diễn đàn kinh tế thế giới nhóm họp vào ngày 20/1/2016 bàn về chủ đề “Làm chủ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được kết cấu thành 3 chương: Chương đầu tiên cung cấp một góc nhìn tổng quan về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương thứ hai trình bày các biến đổi chính về công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra; Chương cuối cùng phân tích một cách chuyên sâu những tác động cũng như các hàm ý chính sách mà cuộc cách mạng này đặt ra và từ đó tác giả đưa ra những ý tưởng, giải pháp thiết thực, hữu hiệu để các quốc gia có thể thích ứng và khai khác tiềm năng từ những biển đổi to lớn từ cuộc cách mạng này.
Bối cảnh lịch sử
Theo Giáo sư Klaus Schwab, từ “cách mạng” có nghĩa là một sự thay đổi đột ngột và căn bản. Các cuộc cách mạng trong lịch sử diễn ra khi những công nghệ và cách thức mới trong việc nhận thức thế giới gây ra sự thay đổi sâu sắc trong hệ thống kinh tế và cấu trúc xã hội. Lấy lịch sử làm khung tham chiếu, những thay đổi đột ngột này có thể mất nhiều năm để nhìn thấy. Biến đổi sâu sắc đầu tiên trong cách sống của chúng ta – sự chuyển đổi từ tìm kiếm thức ăn sang trồng trọt và chăn nuôi – xảy ra vào khoảng 10.000 năm trước và được thực hiện nhờ quá trình thuần hóa động vật. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã kết hợp nỗ lực thuần hoá động vật với nỗ lực của con người nhằm mục đích tạo ra sản phẩm, vận chuyển và giao tiếp.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trải dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840. Bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước, cuộc cách mạng này đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, diễn ra từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện năng và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960. Nó thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, máy tính cỡ lớn (mainframe) (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990).
Cùng với việc xem xét những định nghĩa khác nhau và các tranh luận khoa học về đặc trưng của ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó đã bắt đầu vào vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ này và hình thành dựa trên cuộc cách mạng số. Nó được đặc trưng bởi mạng internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, và bởi trí thông minh nhân tạo và máy học.
Công nghệ kỹ thuật số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng trong cấu trúc của nó không phải là mới, nhưng sau một thời gian ngừng trệ với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nó đã trở nên ngày càng phức tạp và được tích hợp nhiều hơn và kết quả là đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Đây là lý do tại sao Giáo sư Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) lấy tên giai đoạn này làm tiêu đề của cuốn sách năm 2014 của họ - "thời đại máy tính thứ hai". Họ tuyên bố rằng thế giới đang ở một bước ngoặt, mà tại đó ảnh hưởng của các công nghệ kỹ thuật số này sẽ chứng tỏ với "toàn bộ sức mạnh" thông qua sự tự động hóa và tạo ra "những điều chưa từng có".
Tuy vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về máy móc và hệ thống thông minh và được kết nối. Phạm vi của nó rộng lớn hơn nhiều. Các làn sóng đột phá trong các lĩnh vực khác nhau xảy ra đồng thời, từ giải mã trình tự gen cho tới công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến tính toán lượng tử. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự dung hợp giữa các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học khiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này về cơ bản khác với những cuộc cách mạng trước đó.
Trong cuộc cách mạng này, những công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước, điều vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nơi trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai vẫn chưa đến được với 17% dân số của thế giới – tức ước tính khoảng gần 1,3 tỉ người chưa tiếp cận được với điện. Điều này cũng chính xác với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, với hơn một nửa dân số thế giới, 4 tỷ người mà phần lớn đang sống ở những nước đang phát triển, chưa tiếp cận internet. Trục quay của công nghệ (dấu hiệu phân biệt cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên) đã mất gần 120 năm để được lan tỏa ra ngoài châu Âu. Ngược lại, internet đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới chỉ trong vòng hơn một thập kỷ.
Bài học từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên vẫn còn giá trị đến ngày nay – đó là mức độ chấp nhận đổi mới công nghệ của một xã hội là nhân tố chính quyết định sự tiến bộ. Chính phủ và các tổ chức công cộng, cũng như khu vực tư nhân, cần phải thực hiện bổn phận của họ, nhưng một điều cũng quan trọng là người dân phải thấy được những lợi ích lâu dài. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ diễn ra một cách mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng và có tầm quan trọng với lịch sử như ba cuộc cách mạng trước. Nhưng có hai mối lo ngại chính về các yếu tố có thể hạn chế khả năng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được diễn ra một cách hiệu quả và có tính liên kết.
Trước tiên, trình độ yêu cầu về năng lực lãnh đạo và sự hiểu biết về những thay đổi đang diễn tiến trên tất cả các lĩnh vực, nhưng vẫn còn thấp khi đặt trong sự tương phản với nhu cầu phải xem xét lại những hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của chúng ta để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, cả ở cấp quốc gia và toàn cầu, khung thể chế cần thiết để quản lý việc phổ biến sự đổi mới và giảm thiểu sự xáo trộn là không đủ, tệ hơn là hoàn toàn không có. Thứ hai, thế giới đang thiếu một lời dẫn giải nhất quán, tích cực và chung để vạch ra những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một dẫn giải mang tính thiết yếu nếu chúng ta muốn trao quyền cho một tập hợp đa dạng các cá nhân và cộng đồng và tránh một phản ứng phổ biến của người dân trước những thay đổi cơ bản đang diễn ra.
Thay đổi sâu sắc và hệ thống
Giáo sư Klaus Schwab khẳng định: Tiền đề của cuốn sách này là công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa mọi thứ, khiến cho câu châm ngôn thường bị lạm dụng “lần này sẽ khác” trở nên đúng. Nói một cách đơn giản, các đổi mới công nghệ chủ yếu đều đang trên bờ vực của sự thay đổi quan trọng trên toàn thế giới-chắc chắn là như vậy.
Quy mô và phạm vi của sự thay đổi giải thích vì sao có thể cảm thấy sự phá vỡ và đổi mới ngày nay lại xảy ra một cách dữ dội như thế. Tốc độ đổi mới xét trên cả hai phương diện bao gồm sự phát triển và khả năng khuếch tán của nó đều nhanh hơn bao giờ hết. Những nhân tố gây phá vỡ ngày nay –Airbnb, Uber, Alibaba và những công ty tương tự – giờ đây là những cái tên mà ai cũng biết – từng khá vô danh chỉ cách đây vài năm. Chiếc điện thoại Iphone đầy rẫy khắp mọi nơi đã được tung ra vào năm 2007. Song đến cuối năm 2015, ước tính có đến 2 tỷ chiếc điện thoại thông minh được bán ra. Năm 2010, Google lần đầu tiên công bố chiếc xe hoàn toàn tự vận hành mà không cần người lái của họ. Những chiếc xe như vậy có thể sớm trở thành một thực tế phổ biến trên đường phố.
Điều đó có thể xảy ra nhưng nó không phải chỉ là tốc độ, hiệu suất theo quy mô cũng gây sự đáng ngạc nhiên không kém. Số hóa có nghĩa là tự động hóa và cũng có nghĩa là các công ty không phải gánh chịu việc lợi tức theo quy mô giảm xuống (hoặc ít nhất là ít công ty sẽ phải chịu điều đó hơn). Để có thể hiểu điều này ở mức độ tổng hợp, thử so sánh thành phố Detroit năm 1990 (sau đó trở thành một trung tâm lớn của các ngành công nghiệp truyền thống) với Thung lũng Silicon vào năm 2014. Năm 1990, ba công ty lớn nhất tại Detroit có tổng giá trị vốn hóa thị trường là 36 tỷ đô la, doanh thu là 250 tỷ đô la, và có 1,2 triệu nhân viên. Năm 2014, ba công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon có giá trị vốn hóa thị trường cao hơn đáng kể (1,09 nghìn tỷ đô la), tạo ra số doanh thu tương tự (247 tỷ đô la), nhưng chỉ với khoảng một phần mười số lao động (137.000).
Thực tế một đơn vị của cải vật chất được tạo ra ngày hôm nay có khả năng sử dụng ít nhân công hơn so với 10 hay 15 năm trước đây bởi vì các doanh nghiệp số có chi phí cận biên có xu hướng gần bằng 0. Ngoài ra, một thực tế của thời đại kỹ thuật số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp “các hàng hóa thông tin” với chi phí lưu trữ, vận chuyển và tái tạo gần như bằng 0. Một số công ty có công nghệ đột phá dường như đòi hỏi ít vốn để phát triển. Ví dụ, các doanh nghiệp như Instagram hay WhatsApp không cần nhiều kinh phí để khởi nghiệp, đã thay đổi vai trò của vốn và quy mô kinh doanh trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhìn chung, điều này cho thấy hiệu suất theo quy mô sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi quy mô và tầm ảnh hưởng trên toàn bộ hệ thống như thế nào.
Bên cạnh tốc độ và phạm vi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn có thể được xem là độc đáo bởi sự hài hòa và khả năng tích hợp nhiều lĩnh vực và phát minh khác nhau. Các sáng kiến hữu hình là kết quả của sự tương tác giữa các công nghệ không còn là khoa học viễn tưởng. Ví dụ, ngày nay công nghệ chế tạo kỹ thuật số có thể tương tác với thế giới sinh học. Một số nhà thiết kế và kiến trúc sư đã kết hợp thiết kế trên máy tính, công nghệ sản xuất đắp dần, kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp để tiên phong tạo ra các hệ thống cho phép sự tương tác giữa các vi sinh vật, cơ thể của chúng ta, những sản phẩm mà chúng ta tiêu thụ, và thậm chí cả những tòa nhà mà chúng ta đang sống. Bằng cách đó, họ đang tạo ra (và thậm chí là đang “kích thích phát triển”) các đối tượng có thể liên tục biến đổi và thích nghi (những điểm đặc trưng của giới thực vật và động vật).
Trong cuốn Thời đại máy tính thứ hai, Brynjolfsson và McAfee cho rằng máy tính tinh vi đến mức hầu như không thể dự đoán được những ứng dụng nào sẽ được sử dụng trong vài năm tới. Trí thông minh nhân tạo (AI) có mặt khắp nơi xung quanh chúng ra, từ những chiếc xe và máy bay không người lái đến trợ lý ảo và phần mềm dịch thuật. Nó đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. AI đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, nhờ hiệu năng máy tính tăng nhanh theo cấp số nhân và sự sẵn có của một lượng dữ liệu đồ sộ, từ các phần mềm trước đây dùng để phát minh ra loại thuốc mới đến các thuật toán dự đoán mối quan tâm văn hóa của chúng ta. Nhiều thuật toán trong số đó được học hỏi từ vô số “mẩu” dữ liệu mà chúng ta đã bỏ lại trong thế giới kỹ thuật số. Điều này dẫn đến sự ra đời của các loại “máy học” mới và phát minh tự động cho phép những con rô bốt và máy tính “thông minh” tự lập trình và tìm ra các giải pháp tối ưu từ những nguyên tắc đầu tiên.
Các ứng dụng như Siri của Apple, thứ được gọi là trợ lý thông minh, mang đến một cái nhìn thoáng qua về sức mạnh của một nhánh trong những lĩnh vực AI đang tiến bộ nhanh. Chỉ hai năm trước, những trợ lý cá nhân thông minh mới chỉ bắt đầu xuất hiện. Ngày nay, nhận dạng giọng nói và trí thông minh nhân tạo đang phát triển nhanh đến nỗi việc nói chuyện với máy tính sẽ sớm trở thành một tiêu chuẩn, tạo ra thứ mà các kỹ sư công nghệ gọi là “môi trường xung quanh máy tính”, trong đó các trợ lý cá nhân rô bốt luôn sẵn sàng ghi chép và trả lời các truy vấn của người dùng. Các thiết bị của chúng ta sẽ ngày càng trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái cá nhân, lắng nghe chúng ta, dự đoán nhu cầu của chúng ta, và giúp chúng ta khi cần – thậm chí ngay cả khi không yêu cầu.
Bất bình đẳng như một thách thức hệ thống
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều lợi ích to lớn và cũng chừng đó những thách thức. Một mối lo ngại đặc biệt là sự bất bình đẳng trầm trọng. Những thách thức đặt ra bởi sự gia tăng bất bình đẳng rất khó để định lượng bởi vì một phần lớn trong số chúng ta là những người tiêu dùng và nhà sản xuất, do vậy, đổi mới và sự phá vỡ sẽ ảnh hưởng cả hai mặt tích cực và tiêu cực đến mức sống và phúc lợi của chúng ta.
Những người tiêu dùng dường như được hưởng lợi nhất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới cho phép gia tăng hiệu quả cuộc sống cá nhân của chúng ta trong vai trò là người tiêu dùng, với chi phí gần như bằng không. Gọi một chiếc taxi, tìm kiếm một chuyến bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc hay xem một bộ phim - bất kỳ công việc nào giờ đây cũng có thể được thực hiện từ xa. Lợi ích của công nghệ đối với tất cả chúng ta – những người tiêu dùng, là không thể chối cãi. Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn ứng dụng đang làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn và nhìn chung hiệu quả hơn. Một thiết bị đơn giản như chiếc máy tính bảng mà chúng ta dùng để đọc sách, lướt web và giao tiếp, sở hữu khả năng xử lý tương đương 5.000 máy tính để bàn của 30 năm trước, trong khi chi phí lưu trữ thông tin gần bằng không (chi phí lưu trữ 1GB hiện nay trung bình ở mức dưới 0,03 đô la mỗi năm, so với hơn 10.000 đô la thời điểm cách đây 20 năm).
Những thách thức đặt ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dường như xuất hiện chủ yếu ở phía cung – trong thế giới của lao động và sản xuất. Trong vài năm qua, đa số các nước phát triển nhất và cả một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc đã trải qua một mức sụt giảm đáng kể trong tỷ trọng lao động trên GDP. Phần nhiều lý giải cho sự suy giảm này là do giá tương đối của các hàng thiết bị đã giảm, mà tiến trình đổi mới cũng được coi là nguyên nhân (điều này buộc các công ty phải dùng lao động để thay thế cho vốn).
Kết quả là những người hưởng lợi lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là các nhà cung cấp vốn tri thức hoặc vốn vật chất – các nhà cải cách, nhà đầu tư, và các bên liên quan, điều này giúp giải thích khoảng cách ngày càng gia tăng về của cải giữa những người sở hữu vốn và những người lao động. Nó cũng giải thích tại sao rất nhiều người lao động thất vọng và tin chắc rằng thu nhập thực tế của họ có thể không tăng suốt cuộc đời họ và rằng con cái họ có thể sẽ không có cuộc sống tốt hơn họ.
Bất bình đẳng gia tăng và những mối lo ngại lớn dần về bất bình đằng là một thách thức lớn (được tác giả đề cấp trong Chương Ba của cuốn sách này). Sự tập trung lợi ích và giá trị trong tay một số ít người càng trầm trọng hơn bởi cái được gọi là hiệu ứng nền tảng, trong đó các tổ chức định hướng số tạo ra các mạng kết nối những người mua và người bán các sản phẩm dịch vụ đa dạng và do đó có được mức tăng trong hiệu suất theo quy mô.
Hiệu ứng nền tảng đã tạo nên sự tập trung của một số ít nền tảng mạnh mẽ đang thống trị thị trường. Lợi ích là rõ ràng, đặc biệt đối với người tiêu dùng: giá trị cao hơn, thuận tiện hơn và chi phí thấp hơn, song cũng tiềm ẩn những rủi ro về mặt xã hội. Để ngăn chặn sự tập trung của giá trị và quyền lực trong một vài bàn tay, chúng ta cần phải tìm ra cách để cân bằng lợi ích và rủi ro của các nền tảng kỹ thuật số (bao gồm cả các nền tảng công nghiệp) bằng cách đảm bảo sự công khai và các cơ hội đổi mới hợp tác. Đây là tất cả những thay đổi cơ bản ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị của chúng ta, mà khó có thể xóa bỏ, ngay cả khi quá trình toàn cầu hóa vì một lý do nào đó bị đảo ngược. Câu hỏi dành cho mọi ngành công nghiệp và các công ty mà không có ngoại lệ nào, không còn là “Tôi sẽ bị đổ vỡ?” mà là “Khi xảy ra sự đổ vỡ, nó sẽ diễn ra dưới hình thức nào và nó sẽ tác động như thế nào đến tôi và tổ chức của tôi?”
Thực tế của sự đổ vỡ và những tác động mà chúng ta không thể tránh khỏi không có nghĩa là chúng ta bất lực khi đối mặt với nó. Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo rằng chúng ta thiết lập được tập hợp các giá trị chung để định hướng những lựa chọn chính sách và để thực thi những thay đổi mà sẽ khiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trở thành cơ hội đối với tất cả mọi người.
TTXVN/Văn Hào
Sách ảnh song ngữ 'Đến với Trường Sa' vừa được giới thiệu tại Ngày Sách Việt Nam 2015 ở Hà Nội. Diễn giả là đồng chủ biên của cuốn sách, nhà nhiếp ảnh Đoàn Bắc và nhà báo Nguyễn Hồng Kỳ.