Những lưu ý khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi

Thứ Ba, 26/10/2021, 16:16 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế đã có công văn số 8688/BYT-DP ban hành hướng dẫn về việc triển khai mở rộng đối tượng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, phụ thuộc tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.

TP.HCM dự kiến tiêm vaccine cho 700.000 trẻ em từ ngày 25/10

TP.HCM dự kiến tiêm vaccine cho 700.000 trẻ em từ ngày 25/10

Theo cán bộ Sở Y tế TP.HCM, trẻ từ 12-17 tuổi là nhóm đối tượng khá nhạy cảm nên công tác tiêm chủng phải triển khai thận trọng, không thể vội vàng.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở những độ tuổi nào theo quy định của Bộ Y tế?

Nhịp sống bình thường mới trở lại, hoạt động giao tiếp và di chuyển xã hội gia tăng, nhiều trường học chuẩn bị phương án cho học sinh trở lại trường an toàn, lúc này, vấn đề triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em nhận được sự quan tâm của hàng triệu bậc phụ huynh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ nhấn mạnh về ý nghĩa của vắc xin Covid-19 cho trẻ em khi góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ miễn dịch cộng đồng, tiến tới khống chế đại dịch trong tương lai. Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc hướng dẫn tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi (trẻ từ lớp 6 đến lớp 12) gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. Trong đó, việc thực hiện tiêm chủng sẽ theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 – 17 tuổi và hạ dần độ tuổi .(1)

Theo đó, trẻ từ 12-17 tuổi sẽ bắt đầu được tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19 từ tháng 10/2021 nếu đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Các Sở Y tế ở từng địa phương sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiến hành hành lấy mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho các em học sinh. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Việc tổ chức tiêm thực hiện theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường) theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế.

Chia sẻ về vấn đề tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng mạnh mẽ, để sớm đạt được 70% dân số tiêm vắc xin. Đặc biệt, phải triển khai tiêm chủng cho cả trẻ em. Chỉ khi đó, chúng ta sẽ tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. “Hiện nay, thế giới đã có nhiều loại vắc xin tiêm được cho trẻ em. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương tiêm cho trẻ em, vì vậy tôi cho rằng, việc tiêm vắc xin cho trẻ em sớm được triển khai”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 không cao so với người lớn song ảnh hưởng về lâu dài của dịch với thể chất, tinh thần của trẻ, dù chưa được nghiên cứu kỹ. Hiện nay, các nước đã tiêm cho trẻ em 12-18 tuổi. Một số nước cũng tiêm cho trẻ 5-12 tuổi, thậm chí từ 2 tuổi trở lên. Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Vắc xin Pfizer đang thử nghiệm tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Vắc xin của Cuba có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và đã triển khai tại nước này.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số các ca Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỷ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỷ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%. Có thể thấy, mặc dù ít bị mắc Covid-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác.

Chú thích ảnh
Các mẫu xét nghiệm test nhanh Covid-19 của các em học sinh. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Tiêm vắc xin Covid cho trẻ nhỏ cần chú ý những gì?

Theo thống kê, cả nước hiện có 8.1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi (thấp hơn so với số ước tính trước đây). Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 95% trẻ trong lứa tuổi này.

Điều cần lưu ý đầu tiên để trẻ từ 12-17 tuổi được thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP.

Trước khi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vắc xin đều phải thận trọng, không riêng vắc xin Covid-19.

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

“Cơ thể trẻ tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân dễ bị mệt sau khi tiêm vắc xin. Nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin Covid-19 về, người nhà phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho 95% trẻ từ 12-17 tuổi. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Nên tiêm loại vắc xin ngừa Covid cho trẻ em nào an toàn theo Bộ Y tế?

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hiện nay, vắc xin Covid-19 được coi là “chìa khóa” quan trọng để người dân thích ứng trong tình hình mới. CDC (Mỹ) khẳng định vắc xin Covid-19 an toàn và hiệu quả. Tiêm vắc xin không chỉ giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng, hạn chế tối đa nguy cơ chăm sóc điều trị khẩn cấp và tử vong mà còn giúp con trẻ được trở lại với các hoạt động bình thường tại trường học và với bạn bè.

Vắc xin Covid-19 được dùng tiêm cho trẻ là loại đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi. Theo công văn số 3522/KH-BCD của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 với các loại vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Phụ huynh, người giám hộ cần ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng. Trẻ được khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản/ đối tượng và tiêm chủng cùng loại vắc xin. TP.HCM dự kiến tiêm cho 780.000 trẻ trong độ tuổi này sinh sống hoặc học tập trên địa bàn.

UBND TP.HCM đã ban hành khẩn Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại thành phố, được thực hiện theo thứ tự lứa tuổi giảm dần và theo tiến độ cung ứng vắc xin, tình hình dịch tại địa phương.

Theo Bộ Y tế, trẻ em có thể được tiêm vắc xin Covid-19 tại các Trung tâm tiêm chủng, các điểm tiêm cộng đồng và đặc biệt, nhóm trẻ em có bệnh lý cần được tiêm tại bệnh viện có chuyên khoa Nhi, nơi có đủ các điều kiện khám sàng lọc tiêm chủng, khám bệnh và cấp cứu xử trí phản ứng sau tiêm nếu có.

Các biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Covid cho trẻ em dưới 18 tuổi

Phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi không đáng lo ngại. Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm chủng được chia làm hai nhóm thông thường (phổ biến) và nghiêm trọng (cực kỳ hiếm). Quá lo lắng về phản ứng nghiêm trọng sau tiêm, nhất là từ các thông tin thiếu chính xác, không có kiểm chứng có thể sẽ “phá nát” vai trò của tiêm chủng, kéo theo hệ lụy phải trả giá bằng tính mạng của nhiều người khi số người từ chối tiêm vắc xin tăng lên.

Dịch Covid-19 nguy hiểm hơn rất nhiều so với bất kỳ rủi ro nào có thể có khi tiêm vắc xin. Trẻ em cũng có thể chịu các tác dụng phụ, có khả năng kéo dài với mức độ tương tự như người lớn. Thực tế, hầu hết phản ứng phụ sau tiêm vắc xin Covid-19 là những phản ứng thông thường như đau, đỏ tại vị trí tiêm hoặc các triệu chứng “giả cúm” như mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu, sốt…

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Các phản ứng này thường sẽ tự khỏi trong vòng 2-3 ngày sau tiêm. Trong trường hợp sốt cao, lạnh run có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu. Nếu xuất hiện tình trạng nôn ói, đi ngoài, mệt lả, khó thở… gây khó chịu, người được tiêm nên đến ngay bệnh viện kiểm tra. Đối với một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp gây phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 nghiêm trọng, thì trẻ không nên tiêm mũi 2 hoặc phải được tiêm ở bệnh viện có đủ điều kiện cấp cứu ban đầu và được khám sàng lọc cẩn trọng.

Vắc xin Covid-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong do virus SARS-CoV-2, và rất cấp thiết để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới trước khi nó có thể biến thể thành một dạng nguy hiểm hơn.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi là cách thức hiệu quả để tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng. Song song chủ động chủng ngừa Covid-19 sớm, trẻ em và người lớn cùng tuân thủ khuyến cáo 5K + T5 để đồng lòng chống dịch, tạo “lá chắn thép” an toàn trước đại dịch.

Thảo Nhi

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến