Những điều phải lưu ý khi chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên Tết Mậu Tuất

Chủ Nhật, 11/2/2018, 19:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tất niên là ngày các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn bữa cơm Tất niên. Bữa cơm này có kèm một mâm cỗ cúng tổ tiên với đầy đủ các món cúng Tất niên cuối năm kết hợp cùng các lễ vật cúng tất niên cuối năm, lễ này gọi là lễ Tất niên.

Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng, việc cúng Tất niên có thể được gia chủ mời thêm bạn bè và người thân đến dự. Tất niên thường diễn ra vào buổi chiều và buổi tối ngày 30 tháng Chạp, mang nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam.

Cúng Tất niên vào ngày nào năm 2018?

Từ trước đến nay, về vấn đề nên cúng Tất niên ngày nào tốt  luôn được mọi người quan tâm. Theo phong tục của người Việt Nam, cúng Tất niên là một lễ truyền thống được tiến hành vào chiều và tối 30 Tết, trước lễ cúng Giao thừa. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều gia đình có xu hướng làm Tất niên sớm hơn, luân phiên trong vài ngày trước Tết để có thể đến được nhà nhau hoặc có kế hoạch đi du lịch. Vì thế nên lễ cúng Tất niên và cúng 30 tết trở thành hai lễ riêng biệt.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Songmoi

Cách cúng Tất niên cuối năm

Theo cách cúng Tất niên cuối năm mà ông cha ta đã truyền lại, các gia đình sẽ lau chùi, trang hoàng bàn thờ với mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, đèn nến đầy đủ; trang hoàng nhà cửa với hoa mai, cành đào, chậu quất... tùy theo phong tục từng vùng miền mà có những lễ vật cúng Tất niên cuối năm khác nhau.

Sau khi công việc trang hoàng nhà cửa hoàn tất, gia chủ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên để gặp mặt gia đình cuối năm. Việc tìm hiểu cách bày mâm cỗ cúng Tất niên như thế nào cúng rất quan trọng.

Những lưu ý khi chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên

Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm Tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời ông Công, ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc. Sau bữa cơm Tất niên còn là lúc mọi người trong gia đình sửa soạn cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

Đối với mâm cỗ cúng, trước hết là hương và đèn. Hương là tượng trưng cho tinh tú là sự nối kết giữa âm và dương. Đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời (do đó luôn phải có 2 cây đèn ở hai bên ban thờ).

Chú thích ảnh
Bánh chưng Tết - Ảnh: Songmoi

Mâm ngũ quả dành cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) không được dùng cúng gia tiên. Đĩa/mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính, mà nên để ở hai bên.

Bữa cơm ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng, như miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào...; miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua...; miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò...

Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác, tuy vậy cỗ cúng (mặn hay chay) nên đặt ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. Không nên cắm "cành vàng lá ngọc" (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Hoa bày trên bàn thờ cũng vậy, cần phải hoa tươi chứ không dùng hoa giả, hoa nhựa. Nhiều người hay lấy câu "miễn thành tâm là được" để ngụy biện, khi thực hiện lại chạy theo hình thức, khoe mẽ với người ngoài mà không chú trọng đến chất lượng của hoa quả để thờ cúng.

Những món đồ trên mâm cỗ cúng Tất niên:

Như đã nói ở trên, mâm cỗ cúng Tất niên gồm các món: Hoa quả, vàng mã, bánh kẹo, đèn nến, trầu cau, rượu, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cùng với đó là mâm cỗ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bầy biện đầy đặn, trang nghiêm.

Mâm cỗ cúng Tất niên mỗi vùng miền lại có sự thể hiện khác nhau, đối với mâm cỗ tất niên miền Bắc thường thì 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… có những mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Songmoi

Đầy đủ mâm cỗ 4 bát gồm: Bát chân giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc, 4 đĩa gồm: Đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế.

Nếu 6 bát sẽ bao gồm: Măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa gồm: Thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho.

Trước đây, sở dĩ có đầy đủ các món ăn như vậy bởi quanh năm chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức các món ăn ngon như vậy. Bên cạnh đó mâm cỗ Tết còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.

Theo phong tục miền Trung thì mâm cơm tất niên đầy đủ các món như:bánh chưng, bánh tét, giò lụa huế, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…Gia đình nào tươm tất thì có thêm đĩa bát miến Huế, đĩa thịt đông, chả Huế, đĩa dưa món, bát canh măng khô, đĩa cá chiên…

Đối với mâm cỗ tất niên miền Nam có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò, dưa hành củ kiệu …

Cùng với sự thay đổi của thời gian mâm cỗ tất niên ngày nay đã mất đi dần những món ăn truyền thống bởi lẽ cuộc sống ngày nay đã sung túc hơn. Các bà nội trợ có thể làm bất cứ những món ăn ngon lúc nào, mà thay thế vào mâm cơm tất niên ngày nay là những món ăn đặc sản, hiện đại hoặc khẩu vị ăn uống của từng gia đình cũng khác nhau như các loại nem rán, nem chua, chân giò muối, đĩa nộm hay thịt bò kho…

Một điều mà gia chủ nên chú ý về cách bày trí bàn thờ khi bày cỗ, dù là cúng mặn hay cúng chay thì nên đặt ở dưới chiếc bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng.

Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính, tuyệt đối không nên cắm cành vàng lá ngọc (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi.

Đối với mâm ngũ quả dành để cúng tổ tiên thì nên chọn các loại hoa quả thông dụng, ăn được, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa quả xanh, hoa quả giả (bằng nhựa) không được dùng cúng gia tiên.

Lưu ý mâm ngũ quả không đặt trước chính giữa bát hương vì chắn mất trục khí chính, mà nên để ở hai bên.

Gợi ý 7 mâm cỗ Tết truyền thống

Gợi ý 7 mâm cỗ Tết truyền thống

Tết đến, bất kể là nhà giàu hay nhà nghèo, nhà nào cũng cố gắng chuẩn bị một mâm cỗ Tết đầy đủ, trước là để cúng ông bà, tổ tiên, sau là để thưởng thức.

PT/ Báo Tin tức

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến