(Thethaovanhoa.vn)) – Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng, việc tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân khỏi đại dịch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khá lo lắng về một số tác dụng phụ sau khi tiêm phòng.
Trưa 29/6, theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, địa phương ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khu vực phong tỏa tại xã Thạch Long (huyện Thạch Hà).
Sau đây là những điều cần lưu ý trước và sau khi tiêm phòng vắc-xin COVID -19, nhằm hạn chế những phản ứng có thể xuất hiện, giúp bảo vệ bạn khỏi dịch bệnh.
Trước khi tiêm
Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thêm những sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Nếu cảm thấy cơ thể yếu mệt, không thoải mái hoặc đang nhịn đói vài ba ngày gần đó thì nên dời lịch tiêm sang hôm khác.
Khi đến cơ sở y tế tiêm chủng, thời điểm chờ đợi được khám sàng lọc, phải đảm bảo khoảng cách.
Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin
Khi tiêm vắc xin Covid-19, tùy vào cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau. Thông thường, những phản ứng phụ thường xuất hiện trong khoảng 30 phút đầu sau tiêm như:
- Phản ứng nhẹ: Ngứa, nổi mề đay, sưng quanh mắt, hốt hoảng, rét run, nhức đầu.
- Phản ứng trung bình: Vã mồ hôi, cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở, thở khò khè, buồn nôn và nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, chóng mặt.
- Phản ứng nặng: Tím tái, mạch nhanh yếu, hạ huyết áp, co giật, ngất.
Các triệu chứng trên sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Để giảm bớt tình trạng này, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và vận động hợp lý để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh.
Theo TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau hơn 3 tháng triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên cả nước, đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 - 20% có phản ứng sau tiêm. Tỷ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.
"Cũng như bất kỳ một loại vắc xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh, và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời”- TS Dương Thị Hồng chia sẻ.
Kinh nghiệm sau khi tiêm
Sau khi tiêm, phải ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.
Sau tiêm vắc xin vẫn phải tuân thủ khuyến cáo 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” để phòng, chống dịch.
Nếu bạn bị đau hoặc khó chịu có thể giảm đau, hạ sốt bằng biện pháp dân gian hoặc sử dụng vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Thường chỉ sốt cao ngày đầu tiên, đến ngày thứ 3 là đã giảm rất nhiều và dần quay về thân nhiệt bình thường.
Nên nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng, uống nhiều nước. Sử dụng nước lá tía tô trong 3 ngày liền để giảm bớt cảm giác đau nhức cơ.
Ngoài ra, chúng ta nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ: rau xanh, trái cây tươi. Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Nếu bạn buồn nôn và chán ăn sau tiêm hãy nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như: súp, cháo thịt bằm và đậu xanh… Chúng ta cũng nên chia nhỏ bữa ăn, không nên ăn quá no.
Nên tránh uống rượu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 vì rượu có thể ức chế miễn dịch, làm cơ thể mất nước. Uống rượu làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn cho việc phân biệt giữa phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin.
Nếu cảm thấy tức ngực, khó thở nên ngồi chứ không nên nằm nhiều. Nên mặc quần áo nhẹ.
Đối tượng tiêm ưu tiên tiêm vắc xin miễn phí
Có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID -19 và miễn phí, gồm:
- Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tình nguyện viên, phóng viên...) Quân đội; Công an.
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người
- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
- Người sinh sống tại các vùng có dịch
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
- Người được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam
Đến ngày 29/6/2021, Việt Nam nhận được khoảng 4,3 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, đã sử dụng trên 3,5 triệu liều.
Đã có khoảng 5% người có chỉ định (18 tuổi trở lên) được tiêm ngừa COVID-19. Bộ Y tế đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm ngừa, chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2022.
Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền hiễm nguy hiểm, các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%; vắc xin phòng COVID-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số phải nhập viện điều trị và tử vong.
Vắc xin phòng COVID-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định, khuyến cáo đồng thời được Cục quản lý Dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng.
Hoài An (Tổng hợp)