(Thethaovanhoa.vn) - Mùa bão năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là năm thứ 5 trong 20 năm qua (2000, 2005, 2007, 2019), mà đến hết tháng 6 vẫn chưa xuất hiện cơn bão nào trên biển Đông. Nhưng trong 20 năm qua đã có nhiều quy luật khác về bão bị phá vỡ. Khí hậu ấm lên trên quy mô toàn cầu được các nhà khoa học coi là nguyên nhân khiến số lượng và cường độ những trận siêu bão ngày càng tăng trong thời gian qua.
Dự báo thời tiết: Từ ngày 5-6/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm/24h, có nơi trên 70mm.
Những cơn bão mạnh đổ bộ vào Việt Nam những năm gần đây
- Năm 2017, có 2 cơn bão mạnh đổ bộ vào miền Trung và 1 cơn bão mạnh quét qua quần đảo Trường Sa của nước ta.
+ Đó là cơn bão số 10 có tên quốc tế là bão Doksuri, bão đổ bộ vào khu vực giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15. Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (ở mức cảnh báo màu đỏ). Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng…
+ Là cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey, sức gió mạnh cấp 12-13 khi đổ bộ vào Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Khánh Hòa trong vòng hơn 20 năm, khiến hơn 100 người thiệt mạng và mất tích. Đây là lần thứ hai trong năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai bậc cấp 4.
+ Bão Tembin - cơn bão số 16, tuy không ảnh hưởng nhiều đến đất liền nhưng là cơn bão mạnh kỷ lục quét qua quần đảo Trường Sa của ta và Nhà giàn DK1 với sức gió cấp 13, giật cấp 15. Lần đầu tiên cơ quan dự báo ra mắt bản tin bão dành riêng cho quần đảo Trường Sa.
- Năm 2013, cơn bão số 14 có tên quốc tế siêu bão Haiyan - sau khi quét qua Philippines với cường độ trên cấp 17 đã đi vào Biển Đông, đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh với cường độ gió cấp 11-12, giật trên cấp 14, làm hơn 100 người chết, mất tích và bị thương.
- Năm 2012, cơn bão số 8 - bão Sơn Tinh, sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển thần tốc với tốc độ lên tới 30k/h, là “cơn bão nhanh nhất trong gần 10 năm trở lại”, tiến thẳng vào đất liền Việt Nam.
Bão làm thiệt hại trên 7.500 tỷ đồng, trong đó, các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng…
- Năm 2009, cơn bão số 9 có tên quốc tế Ketsana đi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, ở đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 11, giật cấp 14. Cơn bão này đã trút một lượng mưa khổng lồ ở Trà Bồng, Quảng Ngãi, lượng mưa đo được hơn 1.900mm, gần bằng tổng lượng mưa của cả năm. Cơn bão và mưa lũ sau đó đã khiến hơn 170 người thiệt mạng và mất tích.
Nhiều quy luật của bão đã bị phá vỡ
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể tác động đến các cơn bão bởi các yếu tố như: bề mặt nước biển ấm tích tụ nhiều năng lượng hơn, không khí ấm giữ được nhiều hơi ẩm.
Dù còn nhiều tranh cãi về biến đổi khí hậu nhưng nhận định chung được các nhà khoa học nhất trí là hiện tượng biến đổi khí hậu và Trái đất nóng lên đang khiến các cơn bão mạnh lên và trở nên thường xuyên hơn.
Theo số liệu thống kê trong vòng 20 năm qua, nhiều quy luật của bão ở nước ta đã bị phá vỡ, tổng số bão, số cơn bão cấp 12 trở lên và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta đều tăng lên, cụ thể: giai đoạn 1999-2008 tổng số cơn bão là 78, thì đến giai đoạn 2009-2018 là 93; giai đoạn 1999-2008 số cơn bão mạnh trên cấp 12 là 32, thì giai đoạn 2009-2018 là 36 và số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta giai đoạn 1999-2008 là 28, giai đoạn 2009-2018 là 44.
Các kỷ lục về số lượng bão trên Biển Đông liên tục được thiết lập, đầu tiên là vào năm 2013, lần đầu tiên ghi nhận số lượng bão lên đến 14 cơn bão, cao hơn trung bình năm 4 cơn bão. Đến năm 2017, kỷ lục cũ đã bị xô đổ khi có tới 16 cơn bão hoạt động trên Biển Đông.
Trước đây bão vào Biển Đông thường không vượt quá cấp 15, nhưng từ năm 2016, cơ quan khí tượng đã phải bổ sung cấp siêu bão, tức là cấp 16 trở lên. Như vậy, thang đo cấp độ bão ở Việt Nam đã chia làm 4 cấp độ: bão thường có cường độ cấp 8-9; bão mạnh có cường độ cấp 10-11; bão rất mạnh có cường độ cấp 12-15 và từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão.
Quy luật đổ bộ của bão trong 20 năm qua cũng ghi nhận nhiều hiện tượng dị thường, trái với quy luật. Ví dụ, gần đây nhất là năm 2016, tháng 10 mà bão số 7 lại đổ bộ vào Quảng Ninh, trong khi theo quy luật thời gian này bão phải xuống đến khu vực Trung Trung Bộ. Hay vào năm 2017, bão số 2 Talas và bão số 4 Sonca hoạt động trong khoảng nửa cuối tháng 7 lại đổ bộ vào khu vực miền Bắc và Trung Trung Bộ.
* Cảnh giác với diễn biến bất thường của thời tiết những tháng cuối năm
Theo dự báo, thời tiết năm nay có diễn biến cực đoan, bất thường. Ngay trong 5 tháng đầu năm, nhiều hiện tượng thời tiết trái quy luật đã xuất hiện, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino, chính thức bắt đầu từ tháng 11-2018, sẽ duy trì từ nay đến khoảng tháng 7, tháng 8-2019, sau đó giảm dần. Dự báo mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng muộn hơn so trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so trung bình nhiều năm.
Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Tuy số lượng bão và áp thấp nhiệt đới thấp song cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp.
Bên cạnh đó, cần đề phòng những đợt mưa lớn bất thường xảy ra trong thời đoạn ngắn và trong phạm vi hẹp tiềm ẩn nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đá ở những nơi có địa hình dốc, thảm thực vật yếu, cũng như ngập úng ở những vùng trũng thấp.
Phương Nam (tổng hợp)