(Thethaovanhoa.vn) - Vào giờ cao điểm tại các ngã ba, ngã tư của thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình), hình ảnh những nữ chiến sĩ cảnh sát giao thông xinh xắn, duyên dáng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách.
Việc đưa nữ cảnh sát giao thông xuống đường làm nhiệm vụ là chủ trương của Công an tỉnh Ninh Bình nhằm tạo sự thân thiện với người tham gia giao thông, góp phần thể hiện nét đẹp của lực lượng cảnh sát giao thông.
Những cô gái có “tinh thần thép”
Thiếu úy Vũ Thị Thu Hương (sinh năm 1994) là nữ cảnh sát có thâm niên công tác lâu nhất ở Tổ cảnh sát giao thông nữ, Đội Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Ninh Bình. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1 giữa năm 2014, Thiếu úy Hương được điều động về công tác tại Tổ cảnh sát giao thông nữ ngay từ khi đội thành lập tháng 11/2014. Gần 3 năm nay, công việc thường ngày của Hương là đứng bục tại các chốt chỉ huy giao thông.
Tuổi đời còn rất trẻ nhưng cường độ, áp lực công việc cao, nhất là đối với một sinh viên vừa mới ra trường, nhà cách thành phố hơn 10 km, Thiếu úy Hương đã nỗ lực rất nhiều. Bất kể mùa đông hay mùa hè, hàng ngày Hương phải dậy từ 5 giờ và sau khi hoàn thành công việc về đến nhà là hơn 19 giờ.
Quyết tâm phấn đấu, tiếp tục học tập và rèn luyện, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an Ninh Bình “Đức, Trí, Dũng, Nhân hậu”, Thiếu úy Hương chia sẻ: Nhận thức được mình là chiến sỹ trẻ nên em luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu, chấp hành mọi nhiệm vụ mà cơ quan phân công.
Lúc đầu người mỏi mệt vì chưa quen, nhưng mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ, đón nhận những ánh mắt yêu thương, nụ cười khích lệ của người tham gia giao thông và được sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo đội, sự giúp đỡ của các nam chiến sỹ cùng ca trực, cũng như sự động viên của gia đình, em có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một "bóng hồng" cảnh sát giao thông khá quen thuộc với người dân thành phố Ninh Bình là Trung úy Bùi Đỗ Thanh Huệ. Rời bục chỉ huy sau hơn một giờ liên tục điều hành giao thông tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Tràng An, Trung úy Huệ lại tất bật hỗ trợ nam đồng nghiệp kiểm tra biên bản xử lý vi phạm giao thông.
Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu làm công việc, Trung úy Huệ tâm sự: Tất cả chị em trong tổ đều chưa có kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác điều hành, hướng dẫn giao thông.
Để hoàn thành nhiệm vụ, tổ đã nhờ Công an thành phố Hà Nội về tập huấn. Kết thúc khóa tập huấn, các chị em trong tổ phải tự tập với nhau rất kỹ để khi thực hiện nhiệm vụ trên thực tế không xảy ra sai sót. Đến nay, chúng em đã quen với công việc và càng ngày càng yêu nghề hơn. Đối với em, mỗi ngày xuống đường là một niềm vui.
Góp phần thay đổi diện mạo thành phố du lịch
Ninh Bình có tiềm năng phát triển du lịch đa dạng và phong phú. Nhằm tạo nên diện mạo mới cho thành phố, từ cuối năm 2014, Công an thành phố Ninh Bình triển khai đưa cán bộ, chiến sỹ cảnh sát giao thông nữ làm công tác điều hành, hướng dẫn giao thông.
Theo đó, 13 nữ chiến sỹ cảnh sát giao thông được điều động từ các đơn vị, các lĩnh vực công tác khác nhau, để giao nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn giao thông tại các cụm đèn tín hiệu giao thông vào các giờ cao điểm trong ngày.
Nữ cảnh sát giao thông làm việc với tần suất 3 ca/ngày (6-8 giờ, 10-12 giờ và 16-18 giờ), được huy động luân phiên điều khiển tại 9 chốt giao thông trong thành phố Ninh Bình vào những giờ cao điểm, lượng phương tiện tham gia giao thông đông.
Đại úy Trương Minh Khôi, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Đa phần các nữ cảnh sát giao thông đều rất trẻ, chưa lập gia đình nên ban đầu khi điều hành giao thông, không tránh khỏi bị một số đối tượng trêu ghẹo.
Tuy nhiên, ngay khi phát hiện ra những trường hợp như vậy, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên quan có hình thức xử lý nghiêm.
Đến nay, các nữ cảnh sát giao thông đã quen công việc và kiểm soát được tình hình. Mô hình nữ cảnh sát giao thông xuống đường trực tiếp điều tiết, chỉ huy giao thông không những góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, điều khiển của cảnh sát giao thông mà còn tạo nên hình ảnh thân thiện với người tham gia giao thông.
Sau gần 3 năm triển khai, hình ảnh người nữ cảnh sát giao thông xuống đường đã góp phần tích cực giữ vững an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. So với cùng kỳ năm 2016, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 1 vụ, 1 người chết và 2 người bị thương; ùn tắc giao thông cũng giảm rõ rệt.
Trước đây vào các dịp lễ, Tết hay giờ cao điểm, các tuyến đường ở trung tâm thành phố Ninh Bình như Trần Hưng Đạo, Lương Văn Thăng, Nguyễn Công Trứ… thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, nhưng 2 năm trở lại đây tình hình đã được cải thiện, không còn xảy ra tình trạng ùn tắc và hạn chế va chạm giao thông.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Vũ Văn Bằng - Phó Trưởng Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Thành phố Ninh Bình là trung tâm du lịch của tỉnh, lại có tuyến Quốc lộ 1A đi qua nên lưu lượng phương tiện và mật độ người tham gia giao thông đông, gây áp lực lớn với đội ngũ cảnh sát giao thông.
Việc đưa nữ cảnh sát giao thông xuống đường làm nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế và là kế hoạch lâu dài của Công an thành phố Ninh Bình.
Sau một thời gian triển khai, mô hình đã phát huy hiệu quả. Hình ảnh nữ cảnh sát giao thông xuất hiện đã góp phần làm mềm hóa tình hình trật tự giao thông tại các điểm nóng về giao thông, nhất là những nơi giao cắt tuyến Quốc lộ 1A, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với người dân và khách du lịch, từ đó chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc, tai nạn giao thông, đua xe trái phép trên địa bàn thành phố.
Nổi bật trên đường phố với bộ đồng phục màu xanh và giày cao gót đen, các 'cô gái giao thông' tại Bình Nhưỡng được coi là biểu tượng của thủ đô CHDCND Triều Tiên.
Đinh Thùy Dung (TTXVN)