Theo lý giải của nhiều người, mua đồ cổ dịp cuối năm không phải nhằm tìm giá trị sử dụng của món đồ mà là để cầu may và một số người lại muốn lưu giữ hoặc tìm lại chút hoài niệm về thời xưa cũ.
Ngày xưa, chơi đồ cổ là thú vui của các cụ già. Nhưng ngày nay, giới trẻ cũng đổ xô đi mua đồ cổ như một thú vui sát Tết. Vào ngày này đến các con phố Hàng Lược, Lương Văn Can, Hàng Mã sẽ thấy trên vỉa hè bày bán rất nhiều đồ cổ, giả cổ. Người nước ngoài đến đây cũng rất thích thú với những món đồ cổ được bày bán ở phổ cổ Hà Nội.
Tuy nhiên, đến chợ đồ cổ ở phố cổ Hà Nội không có nghĩa chỉ là mua những món đồ cổ. Đó còn là cả những món đồ cũ giả cổ hoặc đồ cũ. Và nhiều khách hàng lại rất ưa chuộng mặt hàng này vì phù hợp với túi tiền.
“Nhiều người chọn mua đồ giả cổ nhiều hơn là mua đồ cổ thực sự vì trong quan niệm của họ chỉ là mua lấy may và nó cân đối, đẹp. Thậm chí nếu có sứt mẻ một chút mà đẹp thì vẫn có người mua” - anh Nguyễn Long, chủ một sạp đồ cổ bày trên phố Hàng Mã cho biết.
Đa phần những người hành nghề bán đồ cổ mỗi năm chỉ họp một lần sau 20 âm lịch đều không nhằm mục đích kiếm lời. Họ đến họp chợ không chỉ để bán hàng mà còn để… chơi.
Khách tới đây rất dễ bị mê hoặc bởi những món đồ độc và lạ vì các chủ cửa hàng đồ cổ luôn rất biết cách để kiếm được những món đồ có thể hút được khách.
Bên cạnh đó, xu hướng mua bán mỗi năm có khác nhau. Năm nào mua con giáp năm đó. Năm ngoái tượng hổ rất được ưa chuộng thì năm nay đã có các tượng mèo xuất hiện rất nhiều với các đồng tiền gắn xung quanh như hàm ý một năm sung túc, tiền tài như nước cho gia chủ.
“ Mỗi năm nhu cầu của khách hàng lại thay đổi theo từng con giáp năm đó. Năm nay, tượng mèo rất được ưa chuộng và bán khá chạy. Từ hôm mở hàng đến nay rất nhiều người đã đến cửa hàng của tôi mua tượng mèo bằng đồng” - anh Vũ, chủ sạp đổ cổ sát phố Hàng Lược cho biết.
Ngoài ra, đi chợ đồ cổ ở phố cổ Hà Nội rất thích vì người xem không sợ bị… quát vì trót nâng lên hạ xuống một món đồ mà không mua. |