Nhậu nhẹt thành 'văn hóa giao tiếp' ở xóm làng?!

Thứ Tư, 13/11/2013, 10:10 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Mục Tiêu điểm trên TT&VH Cuối tuần số 44 (ra ngày 1/11) có đề cập tới vấn đề đời sống văn hóa hiện nay ở nông thôn Nam Bộ, trong đó nổi lên thực tế sự nghèo nàn trong các sinh hoạt văn hóa, nhậu nhẹt trở thành phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Đây cũng chính là một vấn đề được nêu lên tại lễ công bố Hành trình Vì khát vọng Việt do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và tập đoàn Trung Nguyên tổ chức.

TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh, thành viên Ban giám khảo chương trình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, người có nhiều tâm huyết với vấn đề này.


Bà Vũ Kim Hạnh

* Trong phát biểu tại buổi công bố Hành trình Vì khát vọng Việt, bà có kể việc bản thân trong quá trình làm việc, nhận được câu hỏi nhức nhối về giới trẻ nông thôn Nam Bộ: “Sao thanh niên nông thôn bây giờ, không nhậu nhẹt thì đánh bài, đánh bài đã rồi về đánh vợ?”. Là người có nhiều thời gian tiếp xúc với người dân nông thôn Nam Bộ từ chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, và bây giờ là Hành trình Vì khát vọng Việt, bà có thể chia sẻ những câu chuyện về đời sống văn hóa của nông thôn Nam Bộ hiện nay, nhất là của giới trẻ, qua quan sát của bà?

- Để trả lời câu hỏi: “Sao lại nói thanh niên nông thôn bây giờ, không nhậu nhẹt thì đánh bài, đánh bài đã rồi về đánh vợ?”, tôi liên tưởng ngay đến một bài báo mới đăng trên Tuổi trẻ ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 mới đây. Rõ ràng tình thế đã đến mức tờ Tuổi trẻ phải “ăn mừng ngày lễ”  bằng cách nói thật về một thực trạng đau lòng thay vì cố kiếm tìm vài tia nắng lạc loài để nâng lên, “chứng minh” mọi việc đang rất… tích cực. Đó là bài “Thời sự và suy nghĩ” với tựa đề: Xin hãy nhớ về họ, có đoạn viết: “Chuyện về các cô gái Việt lỡ bước sa chân tủi nhục xứ người không biết kể sao cho hết. Chuyện về những ngôi làng Tây Ninh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu vắng bóng thôn nữ chẳng biết bao giờ mới hết buồn. Nói về từng hoàn cảnh có thể lý do này nọ, có thể trách cá nhân nhẹ dạ cả tin. Nhưng khi vấn đề nghiêm trọng đến mức hàng trăm ngàn cô gái Việt đang có cuộc sống hôn nhân bất hạnh xứ người, và đặc biệt biết bao cô gái Việt đang ngày đêm bị vùi dập thân xác ở Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia... thì đã thành nỗi nhức nhối của cả xã hội, quốc gia!”.

Phụ nữ nông thôn đi làm điếm phương xa, đi lấy chồng nước ngoài có phần quan trọng vì… đàn ông trẻ thì thất nghiệp và mắc đủ các thể loại tệ nạn xã hội!

* Nam thanh niên - lực lượng lẽ ra phải đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống lao động ở khu vực nông thôn, nhất là ở độ tuổi khao khát khẳng định bản thân và cống hiến, nhưng thất nghiệp và mắc các tệ nạn xã hội - theo bà đâu là nguyên do chính của nghịch lý này?

- Mỗi năm nước ta có hơn 1 triệu lao động mới ở nông thôn gia nhập thị trường lao động. Họ đi đâu? Mong muốn của kế hoạch nhà nước là mỗi năm, sẽ có nửa triệu thanh niên này đi vào lĩnh vực nông nghiệp, nửa còn lại đi vào công nghiệp và dịch vụ, nghĩa là nửa triệu ở lại nông thôn, và nửa triệu vào nền kinh tế phi nông nghiệp. Thử nhìn xem thực tế ra sao?

Nửa triệu đi vào lao động ở nông thôn thì: chủ yếu lao động giản đơn vì cơ giới hóa và hợp tác hóa không phát triển, việc xây dựng chuỗi giá trị không diễn ra bởi sản xuất không gắn được với tiêu thụ, thị trường. Dạy nghề thì có triển khai về số lượng nhưng không thiết thực vì không đáp ứng chuyển biến mới, nhu cầu mới của thị trường lao động. Khuyến nông không khuyến thương nên sản phẩm đầy sân, đầy kho mà không tiêu thụ được. Còn thanh niên đi vào khu vực phi nông nghiệp thì chưa  đến 20% vào các xí nghiệp, doanh nghiệp; 80% đi vào khu vực lao động không chính thức. Ngay cả các khu công nghiệp mọc lên, lấy nhiều đất canh tác của nông dân thì nay nhiều khu cũng hầu như bỏ hoang, đâu có mấy nhà máy đi vào hoạt động để thu hút nông dân trẻ?

Khi bạn trẻ nông thôn loanh quanh chốn ruộng vườn với nỗi bế tắc về sinh kế thì cái gì “neo” họ lại với cuộc sống lành mạnh? Văn hóa. Nhưng chính các giềng mối của văn hóa cũng suy thoái dần dần và ngày càng đi dần về phía tệ nạn xã hội. Nhậu nhẹt giờ đã thành văn hóa giao tiếp trong làm ăn và cả giao tiếp gia đình thân thuộc, xóm làng. Ma túy hoành hành như không có lực cản. Có những xã như tôi biết, trai trẻ chết về AIDS và ma túy nhiều đến kinh hoàng. Nhẹ nhất là…cờ bạc, đá gà và dĩ nhiên, không tiền mà máu đỏ đen ám chướng thì không đánh vợ hạch tiền, lột tiền mẹ cha mới là lạ!

Tôi đã nhiều lần xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh hay xuất cảnh khỏi Singapore, thường thấy cảnh sát Singapore “mời” các cô gái Việt Nam ra ngoài hàng với thái độ khinh miệt ra mặt, làm cho mình cũng… muốn độn thổ cho rồi. Thương các em và nhục cho dân tộc mình. Mà tôi cứ gặp hoài, Hỏi mấy bạn sinh viên du học ở Singapore, có ít nhất hai bạn cũng nói về nỗi đau nhục đó. Vì đâu? Vì đâu nên nỗi, những cô gái nông thôn đáng thương của đất nước tôi?


Đá gà một trò tiêu khiển phổ biến ở nông thôn Nam bộ

* Là người đã và đang tiếp tục đưa nhiều chương trình thực tế về các địa phương Nam Bộ, đặc biệt là vùng nông thôn, có lẽ bà đã nghĩ về giải pháp góp phần làm thay đổi thực trạng đáng buồn này?

- Nếu hỏi một chuyên gia kinh tế, người ấy sẽ phân tích về sự sai lầm của định hướng công nghiệp hóa của nước mình. Một nước có 70% dân số sống ở nông thôn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp mà công nghiệp hóa kiểu bỏ quên nông thôn, thay vì phải công nghiệp hóa bắt đầu từ nông nghiệp. Hay chuyên gia sẽ phân tích kiểu làm ăn bao cấp, tất cả cho sản xuất mặc kệ thị trường và bối cảnh hội nhập.

Tôi làm báo. Tôi nghĩ về sức đề kháng của văn hóa, khi mà kinh tế dường như bế tắc. Nhưng bây giờ, sức đề kháng ấy còn bao nhiêu và gốc gác, chỗ dựa là đâu? Vì vậy, tôi nghĩ, cứ ngồi chờ đợi sự thay đổi từ chiến lược, chính sách thì biết đến bao giờ. Cứ bắt tay ngay hôm nay, ngay bây giờ.

Hãy nói với mỗi bạn trẻ, trong bối cảnh như vậy, hãy xác tín, còn con người, chính sức mạnh của con người sẽ gầy dựng lại được hết. Hãy tìm hiểu kỹ vùng đất quê hương bạn, trong muôn vàn khó khăn sẽ vẫn có những hạt mầm đang sống, đang tồn tại. Hãy chắt chiu những mầm xanh ấy, rủ nhau, cùng nhau chung tay tìm ra những mầm xanh ấy và vun đắp bằng sức lực thực sự của mình. Hiểu thị trường để đừng bị tách ra khỏi cuộc làm ăn kinh doanh thời này. Hiểu rằng mình phải tham gia vào chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp của chính địa phương mình, và kết nối với cái chung để làm ra những  giá trị.

Cũng đã có nhiều người tự khởi hành, hay được bạn bè giúp đỡ mà vươn lên được. Người Việt mình đâu dễ bó tay ngồi ngáp? Phải tìm tới họ, học kinh nghiệm thành công và thất bại của họ và tự kiến tạo con đường đi lên cho mình. Lập chí, lập thân, lập nghiệp không là những từ sáo rỗng khi mà thanh niên nông thôn hiểu vùng đất và cuộc sống nơi mình đang gắn bó, tin vào bàn tay khối óc của mình, tìm được hướng hành động thiết thực và tham gia vào mạng lưới mà mình là thành viên tích cực, để đi lên bằng đôi chân chính mình.

* Xin cảm ơn bà

Thủy Phạm (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến