(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, một số nhóm liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh của Đức Chúa Trời” (tên gọi khác là Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ) đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, gây bất ổn trong xã hội.
Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đối tượng cầm đầu các nhóm này lôi kéo người dân, học sinh, sinh viên ở Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng,... tham gia và sau khi tham gia đã có nhiều biểu hiện cực đoan như bất hiếu kính với cha mẹ, xa lánh người thân, tự ý đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình hoặc phỉ báng tín ngưỡng, tôn giáo khác mà người thân tin theo; là học sinh, sinh viên thì bỏ học; là người đi làm thì bỏ việc...
Để đông đảo bạn đọc hiểu tường tận về hoạt động nhân danh tín ngưỡng trái quy định này, Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt bài viết "Về hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ".
Nhận diện về Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 1964, Ahn Sahng Hong - một người xuất thân từ gia đình Phật giáo nhưng bản thân cải đạo sang hệ phái Cơ đốc Phục lâm - sáng lập ra tổ chức mang tên "Hội thánh của Đức Chúa Trời làm chứng cho Chúa Giê-su" sau khi bị Hội thánh Cơ đốc Phục lâm rút phép thông công vì đưa ra quan điểm “lấy thập tự giá làm biểu tượng trong Hội thánh là phạm tội thờ thần tượng".
Năm 1985, Ahn Sahng Hong qua đời, Hội thánh này bị chia làm hai phái: phái thứ nhất mang tên “Hội thánh Lễ Vượt Qua Tân Ước của Đức Chúa Trời”; phái thứ hai mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời các nhân chứng của Đấng Ahn Sahng Hong” do Kim Joo Cheol và bà Jang Gil Ja làm lãnh đạo. Tín lý của phái thứ hai có thêm hai giáo lý chính, gồm ông Ahn Sahng Hong được công nhận là Chúa Giê-su Christ, được tôn là Đấng Christ Ahn Sahng Hong, cũng là Đức Chúa Cha; bà Jang Gil Ja được công nhận là Đức Chúa Trời Mẹ.
Năm 1997, “Hội thánh Đức Chúa Trời các nhân chứng của Đấng Ahn Sahng Hong” đổi tên thành “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin lành Thế giới”. Theo số liệu do Hội thánh này công bố, đến năm 2015 có trên dưới 2 triệu người tin theo, 2.500 Hội thánh (trong đó Hàn Quốc có 400 Hội thánh), có mặt ở 175 quốc gia, trụ sở chính tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc.
Mặc dù cùng thờ Đức Chúa Trời ba ngôi như các nhóm Tin lành khác, nhưng Hội thánh này giải thích và thực hành Kinh thánh có nhiều điểm khác biệt so với cộng đồng Ki-tô giáo nói chung, tin Đức Chúa Trời tái sinh qua hình hài của ông Ahn Sahng Hong và sau khi ông về trời lại chuyển hình thức tái sinh qua hình hài của Đức Chúa Trời Mẹ là bà Jang Gil Ja, sinh năm 1941 và đang ở Hàn Quốc. Vì vậy, các tổ chức Tin lành cho là báng bổ Kinh thánh, xem đây là "tà đạo" và gọi là "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" để phân biệt với các Hội thánh của Đức Chúa Trời khác nhưng thuộc đạo Tin lành. Tuy nhiên, về phương diện nhà nước, Chính phủ Hàn Quốc không đưa ra ý kiến và tổ chức này vẫn được hoạt động theo pháp luật Hàn Quốc.
"Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận về tổ chức
Bà Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 80 tổ chức, nhóm, phái thuộc khu vực quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, bao gồm cả một số tổ chức, nhóm, phái không nhận mình là Tin lành, cũng không được đa số các tổ chức Tin lành nhận là thành viên của Tin lành, như: Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam (còn gọi là Mặc Môn), Hội thánh Nhân chứng Giê-hô-va Việt Nam...
Để hoạt động tôn giáo thuần túy của 80 tổ chức, nhóm, phái này diễn ra theo quy định của pháp luật có các hình thức: (1) UBND cấp xã, phường chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, gọi là chấp thuận đăng ký điểm nhóm. Hình thức này chưa phải là công nhận về tổ chức; (2) UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho tổ chức có đủ điều kiện pháp luật quy định. Hình thức này đã là công nhận về tổ chức nhưng là "tiền tổ chức tôn giáo", sau hình thức này mới tới hình thức thứ 3 là UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương công nhận tổ chức tôn giáo. Lúc này tổ chức tôn giáo mới có pháp nhân phi thương mại.
Từ năm 2001 đến nay, thực hiện các quy định trên của pháp luật, trong số 80 tổ chức, nhóm, phái thuộc khu vực quản lý nhà nước đối với đạo Tin lành, đã có 9 tổ chức được công nhận pháp nhân phi thương mại, 1 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và 1 tổ chức được công nhận Ban Đại diện, 3 ngàn điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Trong số các tổ chức được công nhận pháp nhân có cả Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam (công nhận năm 2008) và trong số 3 ngàn điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung có nhiều điểm nhóm thuộc Hội thánh Nhân chứng Giê-hô-va, Mặc Môn và 1 điểm nhóm của "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ".
Như vậy, "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" ở Việt Nam đến nay chưa được công nhận về mặt tổ chức và đa số các điểm nhóm của Hội thánh này đều chưa được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Quá trình du nhập vào Việt Nam
Du nhập vào Việt Nam khoảng đầu những năm 2000, Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ hình thành điểm nhóm đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 10 năm hoạt động và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, điểm nhóm này đã được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Điểm nhóm này có khoảng 350 người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tin theo, sinh hoạt tôn giáo diễn ra ổn định; người đứng đầu điểm nhóm được một số cơ quan, đoàn thể cấp quận, phường sở tại tặng giấy khen, năm 2017 được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bình Hưng Hòa A biểu dương người tốt, việc tốt.
Ở phía Bắc, hoạt động của Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ manh nha từ năm 2013 và rộ lên vào năm 2016, với một số nhóm nhỏ lẻ, không phổ quát, phương thức hoạt động khá giống nhau, xuất hiện trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và thành phố Hà Nội, do một số cá nhân tuyên truyền mà theo người đứng đầu điểm nhóm ở Thành phố Hồ Chí Minh thì những người này hoạt động độc lập với điểm nhóm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Địa phương phản ánh sớm nhất về những biểu hiện cực đoan liên quan đến tổ chức này là Thái Nguyên, tiếp đến là thành phố Hà Nội.
Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định, đến nay, ngoài hội thánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác chưa có bất cứ "Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ" nào được chấp thuận sinh hoạt tôn giáo tập trung. “Với những hiện tượng của Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ như báo chí vừa phản ánh, có thể khẳng định đây không phải là một tổ chức hệ phái Tin lành chính thống đã được nhà nước cấp phép hoạt động”, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho hay.
Bài 2: Nhận diện các hoạt động vi phạm pháp luật
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có công văn yêu cầu hệ thống các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động ngăn chặn, phòng ngừa việc truyền đạo trái phép, đặc biệt là hành vi lôi kéo, dụ dỗ đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia Hội.
TTXVN