Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình & 'ngày không thể quên trong cuộc đời'

Thứ Ba, 22/1/2013, 10:1 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 40 năm, tại Paris (Pháp), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, gọi tắt là Hiệp định Paris. Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, thắng lợi của quá trình đấu tranh lâu dài trên bàn đàm phán cũng như trên chiến trường từ năm 1968 tới năm 1972 của nhân dân ta.

TT&VH trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài nhân kỷ niệm sự kiện này.

Trước khi sang Pháp thực hiện bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã gặp gỡ và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Bình, vị Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một trong bốn vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đặt bút ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam từ năm 1992 đến năm 2002.

 * Thưa bà Nguyễn Thị Bình, trong gần 5 năm đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris, có sự kiện nào thể hiện rõ chiến lược “đối ngoại phối hợp với chiến trường” mà phái đoàn của ta đã phát huy sức mạnh ?

- Tháng 2/1971, Mỹ mở chiến dịch đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt liên lạc giữa Bắc-Nam, hòng bao vây cô lập quân giải phóng của chúng ta, nhưng chúng đã thất bại nặng nề. Khi chúng tôi từ Paris thông báo cho Stockholm, Rome, Montreal, New York về việc Mỹ mở rộng xâm lược đối với Lào, thì từ các nơi này, tin tức lập tức lan truyền đến các nước khác.

Các cuộc biểu tình, mít tinh liền nổ ra khắp nơi, lên án Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh. Những ngày đó, cả hai đoàn Nam, Bắc chúng tôi rất bận rộn. Chúng tôi thực hiện chiến lược “Đối ngoại phối hợp với chiến trường”.

Hơn một tháng sau, quân Mỹ - Ngụy phải rút khỏi Nam Lào, tổn thất rất lớn về quân sự và cả chính trị.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (trái) tặng tranh gốm Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris cho Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình

* Thưa bà, bà có thể nêu một ví dụ nữa về việc phái đoàn của ta đã luôn phát huy sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong phong trào đoàn kết với Việt Nam?

- Giữa năm 1971, tôi về Hà Nội đúng những ngày lũ lụt lớn ở miền Bắc. Quân đội và nhân dân cố gắng giữ vững đê sông Hồng, phải phá cả đê bao Gia Lâm để nước không tràn vào Hà Nội.

Không quân Mỹ, thừa cơ hội này, dự định ném bom phá đê sông Hồng. Lúc đó, tại bàn Hội nghị cũng như trong nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng tố cáo với thế giới âm mưu độc ác này của Mỹ. Chúng ta cũng đã mời nhiều đoàn quốc tế đến tận nơi chứng kiến kế hoạch tội ác của Mỹ. Chính trong dịp này nghệ sĩ Jane Fonda đã đến thăm Chính phủ Cách mạng Lâm thời ở Choisy le Roi, ăn cơm với tôi, rồi đến thăm Việt Nam, lên tiếng xác nhận là những đê bảo vệ đồng bằng sông Hồng không phải là hệ thống quân sự như Chính phủ Mỹ lừa dối dư luận. Một phong trào đấu tranh vạch tội ác của Mỹ lại rộ lên khắp nơi, cả tại Mỹ.

* Thưa bà, tinh thần và ý chí của các chiến sĩ ngoại giao trên bàn đàm phán đã đập cùng một nhịp với ý chí và tinh thần của nhân dân trong nước trong những ngày tháng cam go đó như thế nào?

- Từ đầu năm 1972, để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh ở Việt Nam, tại Paris, phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu. Đến lúc này, cả trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao đều vào hồi quyết liệt.

Ở trong nước, chiến tranh lên đến đỉnh cao ở cả hai miền. Đường mòn Hồ Chí Minh bị bắn phá 24/24 giờ mỗi ngày. Các cảng ở miền Bắc bị thả thủy lôi bao vây. Tháng 3/1972, quân dân ta bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị - Thừa Thiên. Chiến dịch ở Quảng Trị kéo dài đến tháng 9/1972 là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Ở Paris, chúng tôi từng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng.

Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ ký kết Hiệp định Paris (Ảnh tư liệu: Bộ Ngoại giao).

* Cuối tháng 12/2012 vừa qua, Hà Nội và cả nước đã trang trọng ôn lại những ngày tháng ác liệt nhưng rất đỗi anh hùng khi thủ đô Hà Nội đối mặt và đập tan B52 của đế quốc Mỹ. Không khí trên bàn đàm phán lúc đó chắc chắn rất căng thẳng?

- Trong tháng 9-10/1972, giữa đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Henry Kissinger, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, có những cuộc tranh cãi “nảy lửa” xung quanh bản Dự thảo Hiệp định Paris. Đến đầu tháng 10/1972, hai bên đã thỏa thuận cơ bản một bản dự thảo và dự định đến ngày 30/10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh.

Những ngày này hai đoàn đàm phán chúng tôi hoạt động rất nhộn nhịp. Đoàn miền Nam tăng cường các cuộc tiếp xúc để làm rõ thêm lập trường của ta, tố cáo địch ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh. Nhiều đại biểu các nước muốn biết kết quả của các cuộc tiếp xúc “bí mật”. Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng...

Quả nhiên đầu tháng 11/1972, khi Nixon thắng cử, thì ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18-31/12/1972 bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng. Chúng tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp theo dõi tình hình trong nước. Đến khi nghe tin chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi ở Hải Phòng, rồi Hà Nội, liên tiếp bắn rơi một, hai, ba máy bay B52... chúng tôi vui mừng khôn xiết, tin rằng cuộc oanh kích cực kỳ dã man này của kẻ thù nhất định bị quân đội và nhân dân anh hùng của chúng ta đánh bại. Sau này, tôi được biết từ những năm 1960, Bác Hồ đã tiên đoán: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta. Mỹ sẽ chỉ chịu thua sau khi đã thua trên bầu trời Hà Nội”.

Và theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52. Quả là Bác đã nhìn xa và quân đội ta thật anh hùng, thông minh. Chính thắng lợi quyết định của Hà Nội đã buộc Mỹ phải ký vào bản Hiệp định Hòa bình Paris.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(Còn nữa)

Nguyễn Thu Thủy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

"Ngày 23/1/1973: Đồng chí Lê Đức Thọ và Henry Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Đêm 26/1/1973: Trong lòng tôi, một cảm xúc mãnh liệt, bên cạnh một cảm giác bình thản, vì đinh ninh cái gì phải đến, tất sẽ đến.

Sáng 27/1/1973: Phòng Hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà Hội nghị, hàng ngàn người - kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước - vẫy chào chúng tôi giữa một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ nửa đỏ nửa xanh. Tôi bước vào phòng, rất hồi hộp...

10h sáng 27/1/1973: Bốn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao gồm:Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P.Rogers), Việt Nam Cộng hòa (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định. Ngày ký kết Hiệp định Paris có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc.

Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời. Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này.

Mọi người yêu hòa bình và công lý trên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng”.

(Ghi theo lời kể của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)


GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến