(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, đội ngũ nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phải "oằn mình" phòng, chống dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh tình nguyện ở lại hỗ trợ lực lượng y, bác sỹ.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 18h ngày 10/12 đến 18h ngày 11/12, Việt Nam ghi nhận 6 ca mắc mới, trong đó có 3 ca quốc tịch Việt Nam và 3 ca quốc tịch Belarus, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Khánh Hòa (1 ca), Đà Nẵng (2 ca) và Hà Nội (3 ca).
Theo các chuyên gia, các trường hợp F0 đã được điều trị khỏi bệnh thì nguy cơ tái nhiễm không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, việc họ tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch là điều đáng khuyến khích và cần nhân rộng.
Nén nỗi nhớ nhà, tình nguyện ở lại bệnh viện
Với tâm lý thông thường, sau khi được công bố khỏi bệnh thì ai cũng muốn được về nhà nhưng sau 30 ngày điều trị ở Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, anh Hà Ngọc Trường (sinh năm 1993, trú Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được công bố khỏi bệnh thì lại xin ở thêm tại bệnh viện để cùng các nhân viên y tế chăm sóc những ca F0 khác.
"Cô Thu ơi, hôm nay con gội đầu cho cô nhé!" - Trường vừa nói vừa chuẩn bị "đồ nghề" để gội đầu cho một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại đây. "Nhờ có Trường mà mỗi tuần tôi được gội đầu 2 lần, tinh thần cũng vui vẻ, thoải mái hơn", bà Thu chia sẻ. Mỗi buổi sáng, Trường sẽ đi một vòng khắp các phòng bệnh để hỏi thăm từng bệnh nhân, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì sẽ giúp ngay.
"Lúc em mắc bệnh, em nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ nhân viên y tế và em thấy công việc của họ rất cực nhọc. Bên cạnh đó, những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nặng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, điều trị. Vì thế, em nghĩ đến việc ở lại vừa để phụ giúp y bác sỹ, vừa để hỗ trợ bệnh nhân khác", Trường chia sẻ. Để đảm bảo an toàn, lúc chăm sóc cho các bệnh nhân khác, Trường đều mang khẩu trang, đeo găng tay cẩn thận. Đến nay, đã có hơn 20 ngày ở lại, Trường cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn vì đã làm được việc có ích.
Bác sỹ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi, cho biết, với đặc thù là bệnh viện xa trung tâm thành phố, nhân sự ít trong khi số lượng bệnh nhân mỗi ngày một nhiều nên việc các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh ở lại phụ giúp y bác sỹ rất đáng trân trọng. Hiện tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi có khoảng 5 tình nguyện viên là các F0 đã khỏi bệnh. "Có thêm lực lượng hỗ trợ là các F0 đã khỏi bệnh thì nhân viên y tế chúng tôi có thời gian tập trung chuyên môn để điều trị cho các bệnh nhân nặng", bác sỹ Xuân cho biết.
Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Thành phố Thủ Đức cũng có nhiều bệnh nhân F0 sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Thành phố Thủ Đức, nhìn nhận, những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.
Bệnh viện Thủ Đức đã triển khai mô hình “tổ tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là F0 đã được điều trị khỏi phụ giúp y bác sỹ theo dõi các ca F0 khác hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh. “Nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân, do đó tổ tự quản là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực của mình quản lý và báo ngay cho bác sỹ, nhân viên y tế xử lý. Từ đó, giảm đáng kể áp lực cho đội ngũ y bác sỹ", bác sỹ Quân chia sẻ.
F0 khỏi bệnh có miễn dịch 11 tháng
Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Hoàng Cát Tiên, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, nghiên cứu đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm (thuộc Hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ) của tác giả Valeria De Giorgi và cộng sự vào tháng 6/2021 kết luận, miễn dịch tự nhiên có được sau nhiễm SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến 11 tháng.
Cụ thể, các tác giả đã phân tích, theo dõi huyết tương của 228 người nhiễm bệnh và nhận thấy, tại thời điểm trung bình 47,5 ngày sau khi bắt đầu có dấu hiệu cải thiện triệu chứng thì có tới 97% người nhiễm bệnh có kháng thể kháng SARS-CoV-2 và 91,4% bệnh nhân có nồng độ IgG trên ngưỡng phát hiện đến 11 tháng sau khi phục hồi. Do đó, các tác giả kết luận: hầu hết các cá nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 đều có sự miễn dịch trong năm đầu tiên sau nhiễm và tình trạng miễn dịch này có thể tồn tại đến 11 tháng sau khi khỏi bệnh.
Về sự tái nhiễm SARS-CoV-2, trên thực tế các trường hợp tái nhiễm đã bắt đầu được báo cáo vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, hầu hết tình trạng bệnh của các trường hợp tái nhiễm đều ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với lần đầu do cơ thể có trí nhớ miễn dịch. Trí nhớ miễn dịch cho phép phản ứng nhanh và mạnh hơn khi gặp lại mầm bệnh tương tự hoặc có liên quan và có thể góp phần vào khả năng miễn dịch của cộng đồng. Các tác giả quan sát thấy, đáp ứng miễn dịch sau nhiễm SARS-CoV-2 là bền vững và cho rằng bệnh nhân nhiễm virus có thể có khả năng không tái nhiễm.
Tương tự, một công bố khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5/2021 cũng nêu rõ: 90 - 99% người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ phát triển các kháng thể trung hòa trong vòng 2 - 4 tuần sau khi nhiễm virus.
Công bố này của WHO chỉ ra rằng hầu hết các cá nhân phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên tương tự như hiện tượng có được do tiêm chủng. Tuy nhiên, WHO vẫn lưu ý, các biến thể phức tạp của SARS-CoV-2 vẫn có khả năng "trốn thoát" miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên hoặc sau tiêm chủng.
Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng tái nhiễm rất thấp, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh.
Trong khi đó hiện nay công tác phòng, chống dịch có rất nhiều công việc phải làm và những người làm công tác này phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, ngành y tế đang rất cần lực lượng hỗ trợ và việc những người nhiễm đã khỏi bệnh tham gia các công đoạn phòng dịch.
"Các F0 với "tấm khiên miễn dịch" đều có thể ít nhiều tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay", bác sỹ Khanh nhìn nhận.
Đinh Hằng/TTXVN