(Thethaovanhoa.vn) - Mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chính quyền địa phương các cấp đang khẩn trương huy động mọi nguồn lực, phát huy cao độ công tác ứng phó với lũ lụt theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do lũ lớn gây ra.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 6, ngày 11/10 tại Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to, mực nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở mức trên báo động 3. Nước ở các sông trên bàn tỉnh đang lên trở lại, gây ngập lụt trên diện rộng.
Gồng mình chống lũ
Thừa Thiên - Huế đã sang ngày thứ năm chống chọi với lũ lớn. Lượng mưa những ngày qua gần như lớn nhất trong lịch sử với trên 1.000mm, tạo ra đợt lũ lớn, nhất là khu vực sông Bồ đã ảnh hưởng đến huyện Phong Điền, Quảng Điền và Thị xã Hương Trà. Mực nước trên sông Bồ, trên báo động III là 0,74m, vượt đỉnh lũ lịch sử 1999 (+5,18m) là 0,84m.
Nhờ sự hỗ trợ của người dân có thuyền máy lớn, chúng tôi đã tiếp cận với vùng tâm lũ Phong Điền. Hầu hết các xóm làng đều đã chìm sâu trong nước lũ, nhiều ngôi nhà nước ngập hơn nửa nhà. Nước Sông Bồ dâng cao khiến hơn 1.500 ngôi nhà ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền ngập sâu trong nước.
Nhiều tuyến đường ngập sâu, có nơi ngập đến 2m, giao thông bị chia cắt. Do không thể đi lại nên lương thực, thực phẩm dự trữ đã dần cạn kiệt. Nhiều người dân phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Ông Hoàng Sinh, trú tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết: Nước lũ trong nhà ngập gần đến bụng. Gia đình kê giường lên để ngủ tạm. Mấy bữa nay cũng đã chuẩn bị một ít lương thực nhưng do mưa lũ kéo dài nên lương thực cũng gần hết. Nhà chỉ còn mấy lon gạo và ba gói mì tôm.
Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, cho biết: Để kịp thời hỗ trợ cho bà con, địa phương đã huy động lực lượng phương tiện đến từng hộ dân để hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc men khẩn cấp cho người dân vùng trũng, ngập sâu đang gặp khó. Đồng thời, trước diễn biến mưa lũ phức tạp, địa phương đang tích cực thực hiện tốt công tác di dời các hộ dân tập trung ở các vị trí cao điểm như trường học, từ nhà thấp lên nhà cao đặc biệt ở các hộ neo đơn, già cả, hộ yếu thế.
Anh Trần Văn Hoàng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà chia sẻ: Nước lũ dâng rất nhanh, bà con vùng trũng trở tay không kịp. Nước tràn vào nhà hơn 1 mét, nhiều đồ đạc bị ướt. Cả nhà phải di dời sang nhà hàng xóm ở tạm. Mấy hôm nay, nhờ có mì tôm địa phương hỗ trợ để sống qua ngày.
Tại vùng rốn lũ Quảng Điền, mưa lũ khiến hơn 16.200 nhà bị ngập; 134 ha hoa màu bị hư hại ở các vùng tập trung. Các tuyến đường chính bị ngập, có đoạn ngập sâu từ 1 - 1,2 m. Các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông đã bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước. Huyện Quảng Điền đã phải di dời 422 hộ với 1.146 nhân khẩu.
Ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền cho biết: Đây là trận lụt lớn từ năm 2006 đến nay. Khoảng 70% số hộ dân của xã bị nước ngập nền nhà từ 20cm - 80cm; các tuyến đường liên xã bị ngập sâu; 15 hecta mướp đắng thiệt hại hoàn toàn. Trong những ngày qua, nước lũ ngập sâu khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, chật vật. Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã vận động các hộ ở vùng xung yếu chuyển đến nơi cao; hỗ trợ lương thực cho các hộ yếu thế. Lãnh đạo xã đã đi thăm và hỗ trợ lương thực cho 50 hộ khó khăn bị ngập lụt.
Theo ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Quảng Điền là địa phương thấp trũng, nhiều khu vực dân cư nằm ven sông, ven phá, nguy cơ mất an toàn trong lũ lụt rất cao. Một bộ phận người dân còn chủ quan, đánh bắt thủy sản trong khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Những ngày qua, chính quyền địa phương đã huy động tất cả các phương tiện, lực lượng, tổ chức kiểm tra, tuần tra, giám sát trên các sông, đầm phá nhằm sớm phát hiện, kêu gọi, vận động người dân trở về nhà. Các lực lượng kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự quản lý con cái, người già, neo đơn, phụ nữ mang thai, người ốm đau. Đồng thời ưu tiên di dời dân cư ở khu vực ven sông, ven phá có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn đến nơi an toàn.
Tại thành phố Huế, hơn 50% tuyến đường của 27 phường đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương: đường Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan.... ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương như đường Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa... ngập bình quân 0,3-0,5m. Có 2.560 ngôi nhà bị ngập.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến 18 giờ ngày 11/10, tại Thừa Thiên - Huế, mưa lũ đã làm 3 người người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương. Mưa lũ đã làm 19 nhà bị sập và hư hỏng nặng, tập trung ở huyện Phong Điền, Phú Lộc và A Lưới. Toàn tỉnh có 53.385 nhà bị ngập lụt; 266 ha hoa màu, 105 ha sắn, 73.400 chậu hoa cúc bị thiệt hại... Hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường giao thông ở các huyện, thị xã hầu hết bị ngập úng, cô lập, trung bình ngập lụt từ 0,3 - 1m, đặc biệt có nơi trên 1,5m. Bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung tại thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 100 m. Tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m.
Kịp thời hỗ trợ người dân
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp suy yếu từ cơn bão số 6 và vùng thấp đang hoạt động trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Hiện nước lũ tiếp tục dâng cao, mực nước trên sông Hương, sông Bồ đang ở mức trên báo động III. Tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lũ chồng lũ đang hiện hữu rất cao. Địa phương đã tổ chức nhiều đoàn trực tiếp xuống địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo triển khai ứng phó với mưa lũ; yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tiếp tục cho học sinh các cấp nghỉ học từ 12-13/10/2020.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại. Các đơn vị đã huy động hơn 600 cán bộ chiến sỹ, 2.487 dân quân tại các địa phương, 31 ô tô, 38 xuồng và 2 xe thiết giáp xuống địa phương để di dời trên chục ngàn người dân, cùng với tài sản ở các vùng ngập trũng đến nơi tránh trú an toàn; bám địa bàn để chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản cho người dân, thành lập các tổ chốt chặn ở vùng nguy hiểm để ngăn chặn không cho người dân vào các khu vực mất an toàn và tổ chức cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không. Đồng thời, Công an tỉnh huy động 2.400 cán bộ chiến sỹ, 22 lượt xe cứu nạn cứu hộ, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân. Tính đến 14 giờ ngày 11/10, chính quyền địa phương các cấp cùng lực lượng chức năng đã sơ tán 6.709 hộ, với hơn 19.500 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn.
Thiếu tá Nguyễn Quang Hải, Phó trưởng Công an huyện Phong Điền cho biết: Công an huyện Phong Điền đã chuẩn bị phương án ứng phó lũ lụt trong tháng 10. 100% cán bộ chiến sỹ đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an tại 16 xã, thị trấn đồng loạt ra quân vận động, di dời người dân ở vùng thấp, trũng lên vùng cao; hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước sạch; bố trí các tổ công tác tăng cường chốt chặn tại các tuyến đường ngập lũ, không cho người dân qua lại, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, tuyên truyền người dân không được chèo ghe, thuyền vớt củi, đánh cá.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo cấp xuất gạo và 11.000 thùng mỳ tôm từ kho dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ di dời phòng tránh mưa bão trên địa bàn các huyện và thị xã trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Nhằm ứng phó với tình hình mưa bão, địa phương đã thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ, phân công lực lượng cùng phương tiện về chốt tại địa bàn khu dân cư để chủ động và kịp thời ứng cứu cho bà con. Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước ngập hầu hết các địa phương vùng thấp trũng, ven sông nên nhiều lương thực, thực phẩm dự trữ của dân bị ướt, hư hỏng, trôi… Trong ngày 11/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ huyện Phong Điền 3.000 thùng mì tôm, 18.000kg gạo để kịp thời đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói và rét lạnh. Ngay sau khi tiếp nhận nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyển ngay cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ cho người dân sớm nhất. Hiện nay, huyện tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến lũ lụt cho bàn con đồng thời chỉ đạo triển khai sơ tán người dân khẩn cấp ở khu vực có nguy cơ sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển, khu vực thấp trũng, ngập úng.
Trong chuyến kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại các điểm thấp trũng của huyện Phong Điền vào sáng 11/10, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu yêu cầu chính quyền địa phương và người dân tuyệt đối không được chủ quan lơ là trước diễn biến thất thường của thời tiết; các địa phương cần tiếp tục rà soát, nắm chắc các hộ gia đình khó khăn để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét trong lúc này. Dự báo tình hình phức tạp của mưa lũ trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương, nhất là ở vùng thấp trũng cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục lên phương án sơ tán di dời bà con nhân dân ở những nơi thấp trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn. Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì người dân cũng cần chủ động hơn trong ứng phó với mưa lũ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản”.
Tường Vi/TTXVN