Ngoài 'hiệp sĩ đường phố', Sài Gòn còn rất nhiều nghĩa hiệp khác

Thứ Năm, 17/5/2018, 14:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sống nghĩa hiệp cũng là một trong những “đặc sản” của mảnh đất Sài Thành. Con người nơi đây mang trong mình sự phóng khoáng, lạc quan, thích giúp đỡ người khác, tạo nên những câu chuyện mà ai nghe cũng cảm thấy ấm lòng.

Không chỉ chuyện về những “hiệp sĩ đường phố” khiến dư luận hướng về mới đây, mà còn rất nhiều những con người, những mẩu chuyện nhỏ vừa dễ thương vừa đầy tình cảm mang đậm chất “người Sài Gòn”.

Những chàng hiệp sĩ Sài Gòn dũng cảm quên mình

Vụ nhóm cướp táo tợn đâm thương vong 5 hiệp sĩ tối ngày 13/5 tại Sài Gòn đang khiến nhiều người hoang mang. Giữa thời đại mà con người ngày càng trở nên vô cảm trước tai nạn, khó khăn của người khác, câu chuyện về những chàng “hiệp sĩ” như một làn sóng khiến nhiều người từ bàng hoàng đến thức tỉnh.

Chú thích ảnh
Những chàng "hiệp sĩ đường phố" Sài Gòn đang được dư luận quan tâm (Ảnh: Internet)

Trưởng nhóm “hiệp sĩ đường phố” Sài Gòn tên Lâm Hiếu Long, 28 tuổi, làm nghề phiên dịch chia sẻ, anh đã gắn bó với công việc bắt cướp giúp dân suốt 8 năm. Nhóm của anh ra đời năm 2010, ban đầu chỉ gồm hai thành viên “chung chí hướng”, sau đó, lực lượng này ngày một gia tăng với đủ ngành nghề, từ xe ôm, tài xế, buôn bán, cho đến dân văn phòng.

Từ khi thành lập đến nay, đội Hiệp sĩ Sài Gòn của anh Long đã ngăn chặn được nhiều vụ trộm, cướp, vi phạm pháp luật và thu hồi được nhiều tài sản có giá trị trao trả lại cho người bị hại. Nhận được sự ủng hộ của nhiều người, năm 2014, anh Long và các đồng đội chính thức thành lập Fanpage Hiệp sĩ Sài Gòn, tiếp nhận sự "cầu cứu" của người dẫn. Mỗi ngày nhóm nhận đến 30 đến 40 cuộc gọi, tin nhắn từ nạn nhân bị lừa đảo, cướp giật nhờ giúp đỡ.

Và đó chỉ là 1 trong rất nhiều nhóm hiệp sĩ khác nhau tại TP HCM. Họ chính là những con người cùng chung chí hướng, vì cái bất bình mà "chẳng tha", vì chính nghĩa mà sẵn sàng hy sinh tính mạng mình...

Biệt đội SOS cứu hộ đêm khuya

Sài Gòn nửa đêm lung linh nhưng vắng lặng. Khi những ngôi nhà đã tắt ánh đèn và mọi người đều đã ngon giấc, có những chàng trai lại túa ra khắp mọi nẻo đường Sài Gòn với lỉnh kỉnh túi cứu thương và đồ nghề sửa xe. Đó là SOS Sài Gòn – Đội cứu hộ đêm khuya miễn phí.

Từ đầu năm 2017 đến nay, đêm nào cũng có những chàng trai tỏa ra khắp những con đường, rong ruổi giữa đêm khuya, chỉ để cứu giúp những người gặp tai nạn. Biệt đội này do Tuấn Sang thành lập – từ phượt thủ trở thành đội trưởng đội cứu hộ SOS Sài Gòn.

Chú thích ảnh

Giữa đêm tối, đang chạy loanh quanh trên các ngả đường, chỉ cần từ bộ đàm vang lên thông báo có tai nạn xe ở đâu đó, toàn đội liền cấp tốc tập trung, giúp đỡ sửa chữa xe cho người dân. Nhiều người muốn cảm ơn bằng cách đưa tiền, nhưng các anh nhất quyết không nhận.

Những thành viên của biệt đội này chia sẻ, một đêm chạy 5-6 "sô" là chuyện bình thường. Tuy là công việc tình nguyện, nhưng nhiều lúc, “Biệt đội SOS” này cũng gặp phải những tình huống éo le, bởi nhiều người không tin tưởng, cảm thấy nghi ngờ.

Thành viên tên Nam chia sẻ: “Nhiều đêm thấy có người hư xe, tụi mình cũng tấp lại ngỏ ý giúp đỡ nhưng họ sợ nên làm lơ hoặc từ chối. Lúc đó phải gọi thêm anh em đến để họ thấy màu áo, đồ nghề, khi đó họ mới tin tụi mình thực lòng muốn giúp đỡ”.

Tất nhiên, không phải lúc nào nhóm cũng có thể sửa xe thành công. Gặp những chiếc xe bị hư quá nặng không thể sửa được, khi đó nhóm sẽ dùng “chiêu cuối” là phụ họ đẩy xe về tận nhà, dù gần hay xa cũng không ngại. “Tiêu chí của nhóm là đã giúp thì phải giúp cho trót, họ về nhà an toàn thì lòng mình cũng vui”.

Mỗi thành viên của nhóm đều đến với công việc này với tinh thần tình nguyện đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ban ngày, mỗi người đều bận rộn với công việc của riêng mình, nhưng chỉ cần đêm đến, khi cả thành phố lên đèn, họ lại khoác lên mình chiếc áo SOS, xách theo đồ nghề, túi cứu thương, lên xe và bắt đầu hành trình quanh thành phố, trắng đêm giúp đỡ mọi người.

Cụ bà U80 nuôi 5 con hơn 40 năm nhặt ve chai giúp người nghèo

Đã hơn 40 năm qua, người dân sống tại hẻm 60 đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM) đã quá quen thuộc với một bà cụ giản dị, sáng bán bánh mì, chiều nhặt ve chai, ky cóp từng đồng tiền lẻ “nuôi heo đất” để giúp những mảnh đời bất hạnh. Chỉ cần đến đây, hỏi "bà Cúc ve chai" thì từ già đến trẻ, không ai không biết.

Bà Cúc sinh ra trong một gia đình lao động nghèo vì mồ côi cha từ sớm, nhà lại đông anh em, nên từ nhỏ, bà đã phải sớm lang bạt khắp nơi kiếm sống. Trải qua khó khăn vất vả, bà thấu hiểu và cảm thông cho những phận đời nghèo khổ, bất hạnh như bà, rồi từ đó coi việc từ thiện như một thói quen không thể bỏ được, như công việc của cuộc đời mình. Thậm chí, bà vừa nuôi 5 người con vừa làm từ thiện.

Chú thích ảnh

Hằng ngày, bà kiếm sống bằng việc bán bánh mì, cái nghề đã gắn bó với bà từ thuở mới lấy chồng đến giờ. Ngày ngày vất vả sớm hôm, bán bánh mì, nhặt thêm ve chai, ky cóp từng đồng “không dám ăn, không dám mặc” để tiền lo cho các con ăn học. Kinh tế gia đình không giàu có hơn ai, nhưng tính thương người của bà thì lại hơn rất nhiều người. Vừa tích cóp nuôi con, bà vừa để tiền nuôi heo đất. Những đồng bạc lẻ cứ thế góp nhặt lại, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để mua các thứ cần thiết tặng cho những người già neo đơn trong xóm.

Ông cha ta có câu, "cha mẹ hiền lành để phúc cho con". Nay các con bà đã trưởng thành và thành đạt, bà không còn phải vất vả như năm xưa, lại có nhiều thời gian hơn để làm từ thiện. Trên gương mặt phúc hậu, nụ cười của bà khiến nhiều người "rung động", vì quá hiền hậu, lương thiện.

Hiện tại, bà Cúc không còn bán bánh mì nữa vì đã có tuổi, nhưng thói quen mỗi chiều, lọ mọ khắp các hẻm phố, gom nhặt ve chai thì bà vẫn làm vì bà coi đó là niềm vui tuổi già.

Con hẻm dịch vụ miễn phí giữa Sài Gòn

Con hẻm 96 trên đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM, được người dân khu vực gọi tên là hẻm Tiên hoặc hẻm Ông Tiên. Nơi đây tuy chỉ có những người lao động bình thường nhưng lại luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo. Từ một người cho đến nhiều người, ai cũng đều làm điều đó mà không cần được ghi nhận, coi đó là niềm vui và trách nhiệm đối với cộng đồng. Con hẻm dường như ngày qua ngày, niềm vui được duy trì bởi tinh thần cộng đồng chung tay tạo nên những dịch vụ miễn phí cho người nghèo.

Chú thích ảnh
Tủ thuốc miễn phí

Tủ thuốc do bà con trong hẻm chung tay đóng góp đã xuất hiện ở đầu hẻm cách đây 10 năm. Chiếc tủ nhỏ nhắn, nhưng luôn đầy đủ trong trường hợp cần cấp cứu, cũng đầy đủ các loại thuốc dành cho các bệnh thông thường như cảm cúm, đau bụng… Ban đầu, tủ thuốc này được một mạnh thường quân tài trợ với sự tư vấn của ông Mười y sĩ, sau đó, bà con trong hẻm hưởng ứng theo, mỗi người góp một chút. Nhiều người đi ngang con hẻm, cũng tranh thủ ghé lại chỗ tủ thuốc để đóng góp tiền giúp duy trì những dịch vụ giúp đỡ người nghèo.

Không chỉ tủ thuốc, bình nước trà đá miễn phí cũng được đặt bên đường. Người dân nơi đây nói, bình nước này do ông Đỗ Văn Út (sinh năm 1963) phụ trách pha trà, thêm đá... từ mấy chục năm nay. Tuy vợ chồng ông ở trọ trong căn phòng nhỏ tí xíu chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, kinh tế không dư dả, nhưng ông lại là người khởi xướng những hoạt động từ thiện thiết thực như này, đồng thời ông cũng vá xe, chở xe ôm miễn phí cho người khuyết tật.

Hẻm Ông Tiên còn là nơi mà người dân tổ chức dịch vụ mai táng miễn phí. Ông Út vì chứng kiến người nghèo vô gia cư chẳng may đột tử ngoài đường mà không có người thân lo ma chay, nên đứng ra vận động mạnh thường quân, vất vả chạy tới từng cơ sở trại hòm để lo mai táng cho họ. Nhiều cơ sở vì tấm lòng lương thiện, nhiệt tình của ông mà đồng ý cung cấp quan tài miễn phí.

Một người vì mọi người, rồi mọi người vì một người. Tinh thần giúp đỡ người nghèo truyền cảm hứng từ người này đến người kia, giữa Sài Gòn, con hẻm mang tên Ông Tiên thực sự khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Hai 'hiệp sĩ' trẻ bị đâm khi bắt cướp: 'Xin mọi người đừng gọi chúng em là hiệp sĩ'

Hai 'hiệp sĩ' trẻ bị đâm khi bắt cướp: 'Xin mọi người đừng gọi chúng em là hiệp sĩ'

Đã mấy ngày từ khi vụ cướp táo tợn xảy ra tại Quận 3, TP. HCM khiến 2 hiệp sĩ tử vong và 3 người khác bị thương, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng.

Hoàng Yên

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến