(Thethaovanhoa.vn) - Cô giáo Đỗ Thùy Quyên là một nhà giáo điển hình ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, với những sáng tạo và tâm huyết đã giúp cho trẻ em người Mông xã Suối Giàng được phát triển toàn diện và tiếp cận với công nghệ thông tin trong giáo dục.
Sáng 11/11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (11/1954 - 11/2019), 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo ưu tú, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2018 - 2019.
Thùy Quyên (sinh năm 1986) sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Từ nhỏ, cô đã hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây nên ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ, giúp các em học sinh vùng cao có kiến thức và thay đổi cuộc sống.
Thực hiện ước mơ của mình, đến nay, cô giáo Đỗ Thùy Quyên đã có thâm niên 13 năm đứng lớp, trong đó có 6 năm gắn bó với những đứa trẻ người Mông ở Trường Mầm non Suối Giàng. Đây là một trong những trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Xã Suối Giàng có gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đối với giáo dục khó khăn lớn nhất là học sinh khó tiếp cận công nghệ thông tin cũng như mạng internet, máy tính...
Theo cô Quyên, học sinh vùng cao rất nhút nhát, không nói sõi tiếng Việt nên khoảng cách giữa cô trò là khá lớn. Vì vậy, việc dạy học càng trở nên khó khăn hơn. Trăn trở với điều đó, cô Quyên nghĩ mọi cách để những đứa trẻ của mình hứng thú khi đến trường và gần gũi với thầy cô giáo.
Cô Quyên chia sẻ, trong 5 năm dạy học tại tỉnh Lào Cai (2007-2012), được tiếp xúc với tấm thiệp 3D do nước ngoài sản xuất, cô đã nảy ra ý tưởng làm những cuốn sách 3D cho học sinh của mình. Khi đó, cô đã học cách tạo bài giảng bằng slide, chèn các hình ảnh để trẻ dễ nhận thức. Sau đó, cô tập làm sách 3D nhưng không thành công, bởi kỹ năng công nghệ thông tin còn kém. Từ khi biết đến Diễn dàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, cô Quyên vào đó tự học, được mọi người trong nhóm chỉ bảo cho một số kỹ thuật khi tạo ảnh và photoshop. Cô được khuyến khích thử làm sách 3D theo ý tưởng của mình.
Khi sản phẩm đầu tiên được hoàn thành, cô thấy bọn trẻ rất hào hứng học, từ đó giúp cô có động lực tiếp tục tìm hiểu để nâng cao sản phẩm của mình. Những cuốn sách 3D mà cô làm ra không chỉ có hình ảnh nổi mà còn có các chi tiết có khả năng chuyển động, giúp trẻ dễ nhận biết và nâng cao khả năng tư duy.
Tuy nhiên, để làm được những quyển sách này không hề đơn giản, cô giáo Quyên mất rất nhiều thời gian, từ khâu tìm kiếm hình ảnh, xử lý hình ảnh trên máy tính, rồi sắp xếp nhân vật di chuyển. Nguyên liệu cô Quyên phải đặt trên mạng facebook từ Hà Nội chuyển về. Ban đầu, cô gặp khó khăn trong việc tìm bìa cứng, vì bìa phải đủ cứng, nhân vật mới đứng được. Sau đó, cô nghĩ làm một lớp xốp mỏng ở giữa hai mặt giấy sẽ rút ngắn thời gian thực hiện.
Toàn bộ quá trình cắt dán được cô Quyên làm thủ công bằng tay, do ở vùng cao chưa có công nghệ cắt giấy bằng laser. Mỗi quyển sách 3D là những câu chuyện được cô chọn từ chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô thường tranh thủ làm vào buổi tối, khi cả gia đình đã đi ngủ. Nhờ sự kiên trì, ham học hỏi đến nay cô đã làm được hơn 10 quyển sách 3D phục vụ cho học sinh.
Đặc biệt, đầu năm 2019, cô Quyên đã tham gia Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2019 và đoạt giải Khuyến khích. Cô Quyên là giáo viên mầm non đầu tiên tham gia Diễn đàn này.
Với tinh thần luôn cầu thị và tìm tòi, học hỏi những cái mới, cái hay cho những đứa trẻ Mông, ngoài việc sáng tạo ra sách 3D, cô Quyên còn sử dụng máy tính cá nhân để kết nối với các lớp học tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Do ở vùng cao không có mạng internet, cô được một người bạn tặng một bộ phát wifi và cô đăng ký gói cước di động để có thể nối được với các lớp học khác.
Cô Quyên tâm sự, trước đây, cô chỉ biết phần mềm PowerPoint để thiết kế bài giảng. Bây giờ, cô đã biết kết nối lớp học của mình với lớp học của các đồng nghiệp trong và ngoài nước thông qua công cụ Skype. Lúc đầu, cô hay kết nối với với một số giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, do vốn từ vựng tiếng Anh còn hạn chế, cô phải dùng phần mềm dịch để trao đổi với giáo viên nước ngoài về nội dung tiết học. Sau đó, cô kết nối thêm với nhiều giáo viên, trong đó có một giáo viên tiểu học ở Hà Nội và tổ chức cho cả lớp đi tham quan Hồ Gươm. Nhờ được kết nối trực tiếp, khi cô Quyên đọc truyện sự tích Hồ Gươm, các con vẫn nhớ những nội dung được giới thiệu trong buổi kết nối đó.
Hiện nay, cô đã mở rộng mạng lưới kết nối đến các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị… Nội dung mỗi buổi kết nối nhằm giới thiệu những nét văn hóa của đồng bào Mông ở Suối Giàng, cách làm chè Suối Giàng đến các bạn nhỏ ở các tỉnh và cô giáo ở các nơi cũng giới thiệu những di sản hay các kỹ năng trong cuộc sống để trẻ có thêm nhiều hiểu biết.
Từ những nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cô Quyên, những đứa trẻ Mông vùng cao Suối Giàng trở nên tự tin, gần gũi với thầy cô giáo hơn và đặc biệt là đã có thể nói tiếng Việt rành rọt. Đây là niềm vui lớn nhất của cô Quyên cũng như nhiều giáo viên trong vùng.
Do ở vùng cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, bữa ăn của các em nhỏ không được đầy đủ dinh dưỡng. Thương học trò, cô giáo Đỗ Thùy Quyên nảy ra ý tưởng và thành lập dự án “Nông sản sạch - Cùng bé đến trường”. Dự án nhằm giới thiệu những nông sản sạch, đặc sản địa phương như: Gạo, rau, củ quả, mặt hàng thủ công… có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Số tiền bán hàng sẽ được trích một phần để làm quỹ và dùng để mua sắm trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ.
Năm 2018, số tiền quỹ góp lại đã mua được một chiếc tivi phục vụ việc học tập của các em. Dự án thu hút đông đảo sự tham gia của các giáo viên và phụ huynh học sinh ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước; qua đó giúp các thành viên có nguồn nông sản sạch phục vụ gia đình, nâng cao sức khỏe; góp phần tạo việc làm cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và cải thiện chất lượng chăm sóc giáo dục tại địa phương.
Cùng với đó, cô Quyên còn tận dụng những chai nhựa, ống, lon, khúc tre bỏ đi để làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho học sinh của mình. Từ đây, hình thành cho trẻ kỹ năng hạn chế thải rác thải, nhất là rác thải nhựa ra môi trường, vì chúng làm mất cảnh quan môi trường sinh thái.
Thời gian tới, cô Thùy Quyên tiếp tục nghiên cứu hình thức học STEM giáo dục mầm non để đưa vào dạy học, giúp các em nhỏ vùng cao được tiếp cận với khoa học, nâng cao khả năng tư duy, rèn luyện kỹ năng khám phá giúp trẻ phát triển toàn diện.
Cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Suối Giàng nhận xét, Đỗ Thùy Quyên là giáo viên trẻ, có lòng nhiệt huyết, yêu nghề, tận tâm với học sinh. Khi lên công tác tại trường, cô Quyên đã xung phong đi những điểm trường xa nhất như Tập Lăng, Suối Lóp. Trong quá trình dạy học, cô Thùy Quyên là giáo viên ham học hỏi và sáng tạo ra những cái mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, giúp các em nhỏ người Mông hứng thú khi đến trường, nhận thức cũng tốt hơn. Đây là điểm mới mà các trường vùng cao chưa trường nào có được. Ngoài ra, cô Quyên còn đạt giáo viên dạy giỏi các cấp trong nhiều năm.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn Lê Quang Minh cho biết, cô Thùy Quyên là một giáo viên rất sáng tạo trong dạy học. Việc sáng tạo ra sách 3D của cô Quyên đang được dần nhân rộng, nhiều trường trong huyện đã áp dụng phương thức dạy học này.
Đặc biệt, một số giáo viên của các trường ở tỉnh Hải Dương, Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã học cách làm sách 3D của cô Quyên để áp dụng vào việc giảng dạy. Thời gian tới, Phòng Giáo dục tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ cô Quyên thực hiện nhiều cuốn sách 3D để nhân rộng ra các trường vùng cao khác giúp các em được tiếp cận với công nghệ thông tin.
Đinh Thùy/TTXVN