(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 17/5, Việt Nam đã có thêm 184 ca mắc COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, hầu hết người dân Thủ đô đã và đang đồng lòng, chung sức cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống dịch với quyết tâm sớm kiểm soát, ngăn chặn dịch để tạo đà phát triển kinh tế, xã hội.
Trong đó, có 3 ca đã được cách ly sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (1 ca), Hà Nội (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca).
Tổng cộng có 181 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (97 ca); Bắc Ninh (49 ca); Đà Nẵng (7 ca); Hà Nội (5 ca); Phú Thọ (2 ca); Hưng Yên (2 ca); Vĩnh Phúc (4 ca); Điện Biên (7 ca), Hà Nam (5 ca), Lạng Sơn (2 ca), Tuyên Quang (1 ca). Đây đều là các ca mới nằm trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; không phát hiện ổ dịch mới.
Tính đến hết ngày 16/5, Việt Nam đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với 979.238 liều cho các đối tượng được ưu tiên; trong đó, có 22.561 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Trong sáng 17/5, Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân số 3055 (nam, 34 tuổi) đã tử vong do viêm màng não mủ biến chứng, nhiễm khuẩn huyết do trực khuẩn mủ xanh trên nền bệnh giãn não thất, di chứng chấn thương sọ não (đã phẫu thuật dẫn lưu não thất - ổ bụng). Đây là bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 37 tại Việt Nam.
Chiều 17/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong tình hình mới.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đợt dịch này có chủng virus mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các khu công nghiệp. Hiện nay chúng ta đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành phố có dịch đang từng bước được kiểm soát; chưa phát sinh ổ dịch chưa rõ nguồn lây.
Mục tiêu của chúng ta vẫn là thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết thúc tốt đẹp năm học 2021; lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Để làm được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ lưu ý tránh 2 khuynh hướng: lơ là, chủ quan, hoặc hoang mang, mất bình tĩnh trước dịch bệnh. Các cấp, ngành cần thay đổi cách tiếp cận, phản ứng phù hợp với tình hình mới, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kế thừa những kinh nghiệm quý, bài học hay, có hiệu quả trong công tác phòng chống 3 đợt dịch trước cũng như những kinh nghiệm hay trên thế giới; tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công trong phòng, chống dịch; thực hiện tốt “5k + vaccine”.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống; tiếp tục xây dựng chính sách, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vào đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân; phổ biến những mô hình phòng, chống dịch hay để nhân rộng trong cả nước.
Trưa 17/5, Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tiến hành hội chẩn quốc gia về bệnh nhân COVID-19 nặng tại điểm cầu Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 với các chuyên gia của các bệnh viện đầu ngành. Theo thống kê của các bệnh viện, trong số hơn 1.400 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại trên 60 cơ sở y tế trong cả nước, hiện có 71,6% bệnh nhân không có triệu chứng, 49 ca tiên lượng nặng, 4 ca nặng thở máy không xâm nhập, 32 ca nặng phải thở oxy, 16 ca nguy kịch với 2 ca phải chạy ECMO (phương pháp oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể). Đặc biệt, có một ca có tiên lượng tử vong (bệnh nhân 2983) ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến bệnh nhân 2983, ngày 17/5, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh nhân được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh An Giang hiện có diễn tiến xấu, phổi trắng xóa trên cơ địa bệnh nền đái tháo đường. Tình trạng bệnh nhân 2983 tương tự như bệnh nhân 91 trước đây. Các bác sĩ vẫn đang tích cực điều trị để bảo tồn tính mạng cho người bệnh.
Chiều 17/5, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Chử Xuân Dũng cho biết hiện toàn thành phố có hơn 3.600 người là F1 và số người này có khả năng trở thành F0 rất cao; do đó, nếu không thực hiện cách ly nghiêm túc sẽ rất có thể xảy ra lây chéo trong khu cách ly và ra ngoài cộng đồng. Các địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn, đảm bảo phục vụ cách ly cho 30.000 người; cố gắng trên địa bàn nào cũng có khu cách ly để khoảng cách di chuyển các F1 ngắn nhất. Tính đến chiều 17/5, Hà Nội còn 38 điểm bị phong tỏa với 23.663 người.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ Y tế sẵn sàng tập trung nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; đồng thời sẽ báo cáo đề xuất với Bộ trưởng thành lập bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Giang để kịp thời hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống dịch.
Ngày 17/5, Trung tâm Xét nghiệm dã chiến của Học viện Quân y đang tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang bắt đầu tiến hành việc lấy mẫu và xét nghiệm tại thực địa. Ban Chỉ huy Trung tâm xét nghiệm dã chiến gồm 12 người do Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viên Quân y, làm Trưởng ban. Trước mắt, từ ngày 19/5, Trung tâm sẽ triển khai các kíp xét nghiệm phục vụ xét nghiệm khoảng 5.000 mẫu/ngày; tùy theo tình hình sẽ nâng dần công suất, tối đa khoảng 10.000 mẫu/ngày.
Từ 0 giờ ngày 17/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định thực hiện giãn cách xã hội đối với toàn bộ 4 huyện gồm: Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng liên quan đến việc quản lý các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp cùng tổ chức Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và phương án phối hợp xử lý tình huống khi phát hiện người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu nhiễm hoặc nghi mắc COVID-19 và các chế độ chính sách đối với người lao động. Theo thống kê, hiện có hơn 280.000 công nhân, gần 3.000 chuyên gia nước ngoài đang lao động làm việc tại 1.500 doanh nghiệp ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có 45.000/75.247 mẫu xét nghiệm tại các bệnh viện trên địa bàn âm tính với SARS-CoV-2. Đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức xét nghiệm khẩn cấp tại tất cả các bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Chiều 17/5, Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) Hà Sơn Bình cho biết, sau một tuần điều trị, sức khỏe nữ điều dưỡng viên bị sock phản vệ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 đã ổn định và được xuất viện.
Từ ngày 17/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh triển khai hệ thống đăng ký và trả kết quả xét nghiệm dịch vụ COVID-19 trực tuyến. Theo đó, cá nhân, doanh nghiệp và các đơn vị có nhu cầu làm xét nghiệm dịch vụ COVID-19 có thể đăng ký và nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 trên trang thông tin điện tử của CDC Quảng Ninh tại địa chỉ: http://quangninhcdc.vn.
Hai nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) vừa bị xử lý kỷ luật vì vi phạm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, hai nhân viên trên đã thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỹ năng khai thác thông tin đối với người tiếp xúc và thực hiện chưa đúng quy trình giám sát, dẫn đến bỏ lọt trường hợp F1 của bệnh nhân COVID-19, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.
Nhóm P.V