(Thethaovanhoa.vn) - Dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP, tăng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm nay.
Con số này vừa được nhắc tới trong “Báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019” của Kiểm toán Nhà nước.
Rà soát lại cả trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế
Phía Kiểm toán Nhà nước dẫn dự thảo báo cáo của Chính phủ cho thấy, dự toán thu cân đối ngân sách năm 2019 là trên 1.411 tỷ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018.
Trong tổng thu trên, thu nội địa ước là 1.173 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,2% dự toán thu. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 10%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3% so với ước thực hiện năm 2018.
Thu từ dầu thô năm 2019 theo dự thảo báo cáo Chính phủ là 44.600 tỷ đồng, giảm 10.400 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2018. Số thu này được tính trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 10,43 triệu tấn, giảm 1,33 triệu tấn.
Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích và đánh giá việc giảm sản lượng khai thác 1,33 triệu tấn cùng với mức giá dự kiến là 65USD/thùng. Đây là mức giá thấp hơn giá thực hiện năm 2018 (73,5 USD/thùng) và thấp hơn giá dầu dự báo của tổ chức quốc tế (giá dầu thô năm 2019 dự kiến bình quân 69 USD/thùng).
“Ngoài ra, từ năm 2019 tỷ lệ lãi dầu khí để lại 32% được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước nhưng chưa được thuyết minh cụ thể số liệu trong dự toán 2019. Đề nghị Chính phủ phân tích, xem xét vấn đề này,” báo cáo của ngành kiểm toán nêu lên.
Về thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán của Chính phủ nêu lên con số 189.200 tỷ đồng, bằng số ước thực hiện năm 2018 (189.000 tỷ đồng). Dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2019 là 111.300 tỷ đồng, tăng 7% so với ước thực hiện 2018 . Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan kiểm toán, dự thảo chưa đánh giá tình hình thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 9 tháng năm 2018.
Cơ quan này dẫn kết quả kiểm toán trong 9 tháng năm nay cho niên độ ngân sách năm 2017 cho thấy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi số hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định 174,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, phía kiểm toán đã đề nghị Tổng cục Thuế kiểm tra, rà soát gần 430 tỷ đồng và chỉ đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra rà soát xấp xỉ 457 tỷ đồng.
Cơ quan kiểm toán cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các dự án BT không hình thành tài sản cố định gần 307 tỷ đồng và hoàn thuê cho các dự án đầu tư mở rộng 64 tỷ đồng.
Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính bổ sung đánh giá để làm cơ sở xây dựng dự toán đồng thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, sai sót trong công tác hoàn thuế để thực hiện nghiêm túc dự toán.
Chi trả nợ gây áp lực ngân sách
Riêng về chi ngân sách, theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương khoảng trên 429.000 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng chi. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ nội lực tích lũy của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoài nước (60.000 tỷ đồng) và trái phiếu Chính phủ (40.000 tỷ đồng).
Mặt khác, theo đánh giá, trong chi đầu tư phát triển cũng chưa phân bổ mức chi cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.
Vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tiếp là, nhiều bộ ngành, địa phương lập dự toán chi đầu tư phát triển cao hơn nhiều so với khả năng cân đối của ngân sách, chưa nêu danh mục và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
“Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương rà soát phân bổ theo đúng quy định, nhất là bố trí vốn trả nợ, đồng thời xác định chi đầu tư cụ thể cho các lĩnh vực theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Chi thường xuyên theo dự thảo báo cáo là khoảng trên 999.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với dự toán 2018. Nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế, chi thường xuyên là trên 1.042 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng chi.
Điều này theo Kiểm toán Nhà nước phù hợp với định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%. Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, tập trung đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển.
Theo dự thảo, chi trả nợ lãi năm 2019 là 124.800 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi ngân sách, tăng 12.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2018. Con số trên chưa kể dự kiến trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng. Điều này theo đánh giá gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.
Qua đó, bội chi ngân sách dự kiến năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP. Về số tuyệt đối, bội chi năm sau tăng khoảng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2018./.
Xuân Dũng (VIETNAM+)
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm việc với Kho bạc Nhà nước thành phố, cùng đại diện các ngành để đôn đốc công tác thu, chi ngân sách những tháng “nước rút” năm 2018.