Ngăn chặn tình trạng tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Thứ Sáu, 3/5/2019, 15:49 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tài xế say rượu tông chết người khiến dư luận bàng hoàng. Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này vẫn tiếp diễn là do chế tài chưa đủ răn đe. Tại buổi tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?” do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 3/5, các đại biểu đã phân tích, làm rõ và đề xuất một số giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thực trạng tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại úy CSGT qua đời vì bị tài xế xe 'điên' ép xe ngã

Đại úy CSGT qua đời vì bị tài xế xe 'điên' ép xe ngã

Đại úy Chu Quang Sáng (35 tuổi) đã không qua khỏi sau khi bị tài xế lái xe “điên" ép xe gây tai nạn sáng 17/4.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), uống rượu bia lái xe gây tai nạn cần nhìn nhận một cách tổng thể toàn diện, bởi văn hoá rượu bia đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của người Việt. Từ chuyện vui, buồn, đến hiếu hỉ, nhiều người đều sử dụng rượu bia. Các nước đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, hạn chế độ tuổi…trong khi, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân Việt Nam khá dễ dàng.

“Hiện lực lượng cảnh sát giao thông đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia. Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm, lực lượng đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ô tô và mô tô. Kế hoạch xử lý này sẽ được triển khai xuyên suốt trong năm 2019”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.

Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, việc làm của cảnh sát giao thông, xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không dám vi phạm. Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, chế tài xử phạt, cần sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện.

Chú thích ảnh
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại buổi Tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?”. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, Việt Nam đã xây dựng quy định và thực hiện quy định về phòng chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn với người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ từ rất sớm. Luật Giao thông đường bộ 2008, quy định rõ tại khoản 8, điều 8, người lái xe ô tô chuyên dùng tuyệt đối không được có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Người lái xe máy chỉ được phép có nồng độ cồn là 0,50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở.

PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng tai nạn giao thông thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày. Đáng nói, những bệnh nhân tai nạn giao thông tới Bệnh viện Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, ngoài việc thực hiện chế tài xử lý nghiêm, lực lượng cảnh sát giao thông còn thực hiện rà soát ngẫu nhiên đối với lái xe. Cụ thể, tại Australia, theo xác suất từ 10-12 xe, cảnh sát sẽ yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ rượu bia. Chính từ hoạt động kiểm tra này đã góp phần kịp thời ngăn chặn, không có cơ hội cho lái xe uống rượu gây tai nạn.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam,  các chế tài xử lý vi phạm trong Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với mức xử lý đó nhiều người đã rất lo ngại. Tuy nhiên, mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm. Hiện có rất nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung.

Ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) nhận xét: Nghị định 46/2016/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thông thường 2 năm sửa đổi một lần. Điều này cho thấy, Bộ Giao thông Vận tải rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tham mưu chính sách để phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra tai nạn giao thông sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt.

“Tới đây, chúng tôi sẽ xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 về Nghị định sửa đổi Nghị định 46. Tuy nhiên, việc tăng nặng mức xử phạt ở đây cần hiểu là không phải cứ tăng cao lên là được mà phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành và đảm bảo tính răn đe. Theo đó, nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn, mức cao nhất là phạt tiền 16 - 18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấu phép lái xe trong 4 - 6 tháng. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu tăng mức xử phạt lên 20 - 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng”, ông Lê Văn Thanh cho hay.

Luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Rượu bia Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, dù luật đã có quy định từ lâu song thực trạng vi phạm nồng độ cồn trong giao thông đường bộ hiện nay rất nghiêm trọng gây thiệt hại cả về tính mạng, tài sản cho gia đình và xã hội. Do đó, cần nghiên cứu xem xét quy định pháp luật nhằm nâng mức xử phạt về tiền, thời hạn tước giấy phép lái xe…

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Tiến Vỵ, song song với việc nâng mức xử phạt cần xác định rõ nguyên nhân lạm dụng rượu bia bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia giao thông.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, vấn đề tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp chúng ta có thể áp dụng. Hiện theo quy định, ngoài phạt tù 15 năm tù còn có hình phạt bổ sung cấm hành nghề 5 năm để chấm dứt việc người vi phạm tham gia giao thông. Còn việc cấm vĩnh viễn, chúng ta sẽ tính toán. Còn việc tịch thu phương tiện, luật đã quy định có thể tịch thu khi gây tai nạn.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vẫn còn một điểm yếu trong công tác tuyên truyền, hiện chúng ta chưa thực sự đo đếm, đánh giá được tác động làm thay đổi nhận thức hành vi của người tiếp nhận thông điệp tuyên truyền. Do đó, bước tiếp theo cần làm trong truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông là phải có cơ quan độc lập đo đếm với những phương pháp được chuẩn hoá, đánh giá tác động của công tác truyền thông, giáo dục.

Quang Toàn/TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến