Năm 2017, Hà Nội có tiếp tục tuyến phố đi bộ quanh Bờ Hồ?

Thứ Ba, 13/12/2016, 14:48 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/12, UBND Tp. Hà Nội đã họp bàn với các sở, ngành và quận Hoàn Kiếm để rà soát, đánh giá và triển khai thực hiện các tuyến phố đi bộ một cách bài bản hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội khẳng định, việc thành phố đưa nhiều tuyến phố đi bộ trong các ngày nghỉ cuối tuần là việc làm cần thiết, được đông đảo nhân dân trong và ngoài nước hưởng ứng tham gia và đánh giá cao.

Tuy nhiên, 4 tháng đầu thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần phải lắng nghe để đúc kết, thời gian tới triển khai một cách đồng bộ, liên tục, bài bản và trên quy mô lớn để biến đây là không gian văn hóa thực sự hấp dẫn, chứ không chỉ là điểm đến đơn thuần.

Cũng theo Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, muốn hấp dẫn người dân và du khách thì cách phục vụ cũng phải chuyên nghiệp hóa cao, tất cả các nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện đều phải được lên từ trước và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết sớm.


Tuyến phố đi bộ tại khu vực phố cổ và không gian quanh Hồ Gươm

“Trong những tháng qua, các tuyến phố đi bộ thu hút nhiều người, nhưng cách thức tổ chức vẫn còn chưa hấp dẫn, chưa phong phú và vẫn còn đơn điệu. Mặc dù đã áp dụng thành công trong 4 tháng, nhưng cần tiếp tục thí điểm, lấy mốc từ 1/1 đến 30/6/2017.

Qua thời điểm này mới đánh giá được thực chất, vì thời gian qua chủ yếu thực hiện trong mùa thu và mùa đông thời tiết mát mẻ, còn mùa hè thời tiết khác biệt, chưa hẳn nhiều người dạo phố giữa nắng nóng, nếu không phù hợp thì phải rút ngắn thời gian”, ông Nguyễn Đức Chung nói.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, thành phố sẽ tổ chức phố đi bộ trong các ngày nghỉ lễ như: 30/4, 1/5, 2/9. Riêng các ngày Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc theo thông lệ người dân về quê ăn tết nên mật độ người rất ít nên sẽ không tổ chức phố đi bộ những ngày này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn và đề ra quyết tâm cao trong việc tới đây Hà Nội sẽ tổ chức rất nhiều chương trình văn hóa lớn tại các tuyến phố đi bộ.

Chẳng hạn sẽ ấn định tổ chức lễ hội “Hoa Anh đào” ấn định thời gian từ ngày 18 – 20/3 hằng năm. Một tuần trước khi lễ hội này diễn ra, Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức tuần lễ nhạc giao hưởng ngoài trời trước tượng đài Lý Thái Tổ, quy mô lớn trên thế giới, được biểu diễn bởi các nhạc công đến từ nước Anh.

Đề nghị cho xe đạp vào phố đi bộ Hồ Gươm

Đề nghị cho xe đạp vào phố đi bộ Hồ Gươm

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Sở GTVT Hà Nội báo cáo Thành phố, trong không gian phố đi bộ nên cho phép xe đạp đi vào


Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình văn hóa khác sẽ diễn ra tại đây như: Ẩm thực Asean, ẩm thực Á Âu; biểu diễn văn hóa nghệ thuật phi vật thể của các vùng miền Tây Nguyên, Tây Bắc, Miền Trung, đồng đằng Bắc Bộ; triển lãm làng nghề, lễ hội sách, lễ hội bia, festival đường phố; chụp ảnh lưu niệm miễn phí; thả chim bồ câu…

Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tăng cường lực lượng để chấn chỉnh an ninh trật tự, xe cộ đi lại, công tác vệ sinh môi trường, làm sạch nước Hồ Hoàn Kiếm. Thành phố dự kiến giao quận Hoàn Kiếm là đầu mối tổ chức các hoạt động tại không gian các tuyến phố đi bộ.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian qua thành phố đã triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ và đã thu được kết quả rất khả quan.

Tuy nhiên, hiện còn 6 nhược điểm cần khắc phục đó là: vẫn còn hiện tượng ùn ứ giao thông sát các phố đi bộ; các điểm gửi xe phân bổ không đều dẫn tới có nơi ít, nơi quá tải xe gửi; vẫn còn tình trạng chặt chém, lấy giá không đúng quy định; vẫn còn bán hàng rong tự phát gây mất trật tự giao thông, hình ảnh đẹp; vẫn có nơi mở nhạc quá to lấn át các vùng không gian yên tĩnh khác.

Vì vậy, để làm tốt công tác này thành phố Hà Nội đang đề xuất nhiều giải pháp; trong đó chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, đấu giá cạnh tranh trong thực hiện trông giữ xe, bán hàng; tăng cường huy đông nguồn lực từ các doanh nghiệp, xã hội hóa để tăng nguồn thu chi.

Hà Nội cũng sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm trong an ninh trật tự, điều khiển phương tiện vào vùng cấm. Tới đây, thành phố đầu tư để áp dụng barie rào chắn tự động để ngăn xe cộ đi lại vào giờ phố đi bộ diễn ra.

Theo báo cáo, trong 4 tháng áp dụng thí điểm, các lực lượng chức năng phát hiện 11 vụ phạm pháp hình sự; xử lý vi phạm hành chính gần 4.900 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt tiền trên 1,1 tỷ đồng; có 135 điểm trông giữ xe trái phép; 315 trường hợp bán hàng rong.…

TTXVN/Nguyễn Văn Cảnh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến