(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến thời điểm này, mưa lũ và sạt lở đất tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hòa Bình, đã làm 12 người chết, 1 người mất tích; 86 nhà bị thiệt hại; 40 nhà phải di dời; 489 ha lúa và 37 ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 71.890 m3 đất, đá sạt lở; 3 cầu, 6 cống bị hư hỏng. Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính trên 20,9 tỷ đồng.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn xã Tân Hải, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, đã xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy làm 7 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 4 cây trồng lâu năm bị thiệt hại. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã huy động lực lượng tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và tổ chức thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước các trên sông đang xuống, dự kiến đến chiều tối 11/7, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống mức: 29,20m (dưới BĐ1: 0,8m); trên sông Chảy tại Bảo Yên ở mức 71,1m (trên BĐ1: 0,1m); trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống mức 20,2m (dưới BĐ1: 1,8 m).
Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, Thành phố Lai Châu (Lai Châu); Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông (Điện Biên); Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sông Mã (Sơn La); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Mèo Vạc (Hà Giang); Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên (Tuyên Quang); Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng (Lào Cai); Trạm Tấu, Mù Căng Chải (Yên Bái); Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Thông Nông (Cao Bằng); Định Hóa, Võ Nhai (Thái Nguyên); Ba Bể, Ngân Sơn, Pắc Nặm, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Dự báo, từ chiều 11/7 đến ngày 12/7, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to đến rất to và rải rác có dông, với tổng lượng mưa ở vùng núi phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm, thời gian mưa lớn xảy ra tập trung vào đêm và sáng sớm. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang ở mức thấp, trong đó trung bình các hồ khu vực Bắc Bộ ở mức 40-55% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 55-65% (riêng tại Thanh Hóa các hồ đạt trung bình 35%), ở khu vực Tây Nguyên trung bình đạt 60-70% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%.
Một số hồ đạt mức tương đối cao hơn mức trung bình từng vùng gồm: Hồ Vân Trục (Vĩnh Phúc) 77%, Ngòi Vần (Phú Thọ) 100%, Phú Xuyên (Thái Nguyên) 91%, Gò Miếu (Thái Nguyên) 79%, Đồng Mô (Hà Nội) 59%, Khuôn Thần (Bắc Giang) 58%, Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh) 85%, Sông Sào (Nghệ An) 90%, Kim Sơn (Hà Tĩnh) 87%, An Mã (Quảng Bình) 89%, Bảo Đài (Quảng Trị) 69%, Bàu Nhum (Quảng Trị) 88%, Hồ Truồi (Thừa Thiên Huế) 100%, Hòa Mỹ (Thừa Thiên Huế) 80%, Ia Mlá (Gia Lai) 76%, Ea Soup Hạ (Đăk Lăk) 90%, Tuyền Lâm (Lâm Đồng) 93%, Đạ Tẻ (Lâm Đồng) 100%.
Hồ Dầu Tiếng đang vận hành xả 91,2 (m3/s); từ 14 giờ ngày 10/7 hồ núi Cốc vận hành xả với lưu lượng 50 m3/s. Hiện tại các hồ chứa đều đảm bảo an toàn; được vận hành theo đúng quy trình điều tiết và trực theo dõi diễn biến mực nước, hiện trạng công trình 24/24 giờ.
Đến đầu giờ chiều 4/7, hai tuyến Quốc lộ trọng yếu là 4D và 12 nối Lai Châu với tỉnh Lào Cai và tỉnh Điện Biên đã xuất hiện gần 20 điểm sạt sụt, với khối lượng đất đá hàng chục nghìn mét khối; nhiều điểm sạt lở lớn gây tắc đường cục bộ.
Ông Văn Phú Chính, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp với đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và các đơn vị tư vấn tính toán điều hành hồ để rút kinh nghiệm về công tác dự báo, cảnh báo, tính toán điều hành liên hồ chứa trong thời gian vừa qua và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều hành trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người, đặc biệt là tuyên truyền cảnh báo mưa, lũ, tổ chức canh gác khu vực ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao bị sạt lở khi xảy ra mưa lớn.
Đáng lưu ý hiện nay là mực nước các hồ chứa ở mức cao, vào mùa lũ phải thông báo sớm để giảm thiểu thiệt hại những hoạt động sản xuất và đảm bảo tính mạng người dân ở khu vực hạ du.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt là hồ thủy điện Tuyên Quang, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát; đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 13 ngày 3/7.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; tổ chức di dời hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn các phương tiện tại các ngầm tràn và điểm giao thông bị sạt lở.
TTXVN/Thắng Trung