(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung rà soát những khu vực nguy hiểm để di dân ra vùng an toàn; theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải bằng mọi biện pháp, huy động mọi lực lượng, phương tiện, máy móc để xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông xe cho các tuyến đường bị ùn tắc; đồng thời triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người dân bị mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi Quốc lộ 4D đoạn đi qua huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu được thông xe, các lực lượng chức năng, địa phương đã khẩn trương tiến hành mọi công tác khắc phục. Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát Cơ động và Quân đội đang tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại trên tuyến giao thông này để các phương tiện có thể di chuyển thuận tiện hơn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, tính đến 9 giờ ngày 26/6, mưa lũ tại Lai Châu đã làm 12 người thiệt mạng, 11 người mất tích và 8 người bị thương. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng trên toàn tỉnh là khoảng 270 tỷ đồng.
Về tài sản, đã có 244 nhà bị đất, đá trôi, sạt lở gây hư hỏng một phần; 51 nhà, 3 lán tạm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 68 công trình bị hư hỏng, cuốn trôi; nhiêu tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ bị sạt lở, kết cấu đường bị phá hỏng; hơn 800.000 m3 đất, đá sạt lở trên các tuyến.
Sìn Hồ là huyện bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ tại Lai Châu. Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết trên địa bàn huyện đã có 16 người chết và mất tích; 2 người bị thương nặng đang cấp cứu; 292 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 16 con trâu bị nước cuốn trôi... Toàn huyện có khoảng 214,2 ha hoa màu, 8 ao cá bị ảnh hưởng và 2,3 ha chuối bị sạt lở xuống sông Nậm Na; phần lớn các tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc. UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn đã thành lập các Tổ công tác trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt của bà con. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ mỗi gia đình có người chết là 5,4 triệu đồng.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lai Châu đã có công văn, công điện khẩn chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ ở những vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác, cảnh báo tại các điểm xung yếu, các ngầm, tràn giao thông, các đoạn đường bị ngập, nước chảy siết. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tổ chức phân luồng giao thông; tổ chức chốt chặn, nghiêm cấm người dân đến những nơi đã xảy ra sạt lở, lũ lớn để lấy củi, bắt cá... đảm bảo an toàn tính mạng.
Cơ quan chức năng Lai Châu khuyến cáo, trên địa bàn mưa vẫn diễn ra ở trên diện rộng, nguy cơ sạt lở cao, người dân cần liên tục cập nhật tình hình thời tiết, nghe hướng dẫn cụ thể của chính quyền địa phương để di dời nhà cửa, tài sản đến nơi an toàn.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 110,6 tỷ đồng (Hà Giang khoảng 14 tỷ đồng, Lai Châu khoảng 90 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 0,32 tỷ đồng và Lào Cai khoảng 6,3 tỷ đồng).
TTXVN/Công Tuyên - Việt Hoàng