Lo bão số 7 đổ bộ đúng lúc thủy triều ở đỉnh

Thứ Ba, 18/10/2016, 16:46 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu bão đổ bộ vào thời điểm chiều 19/10 khi đó thủy triều đang ở đỉnh nên việc ứng phó với bão đặt ra những tình huống hết sức phức tạp đối với các địa bàn ven biển như Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Yên”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đặng Huy Hậu nhận định.

* PV báo Quảng Ninh: Bão số 7 đang di chuyển rất nhanh, được dự báo là cơn bão mạnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta từ trưa ngày 19/10, vậy công tác phòng chống bão của Quảng Ninh đã được triển khai như thế nào?

- Đ/c Đặng Huy Hậu: Theo dự báo đến trưa 19/10, bão số 7 sẽ ở trên vùng biển Quảng Ninh- Hải Phòng, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 12-13. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhận định với vùng ảnh hưởng rộng, tốc độ di chuyển nhanh, mạnh bão số 7 chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ninh. Vì vậy, việc chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão đã được triển khai rất quyết liệt từ khi cơn bão được dự báo sẽ đi vào biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình.


Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Quảng Ninh kiểm tra công tác phòng chống bão tại TX Đông Triều

Đến chiều 18/10, toàn tỉnh đã hoàn thiện các công việc phòng chống bão như: kêu gọi được tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn, lồng bè NTTS đều đã chằng chống, người dân sinh sống trên các lồng bè được đưa về đất liền, kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo an toàn trong vận hành, thoát nước, các khu đô thị, mỏ khai thác than đều đã được rà soát rất kỹ sẵn sàng phương án phòng chống lũ quét, sạt lở.

Đối với 423 khách du lịch ở các tuyến đảo Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu được di chuyển về đất liền, các du khách có nhu cầu ở lại đã được địa phương bố trí điều kiện ăn ở chu đáo.

Đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp, do vào đúng thời điểm bà con nông dân đã và đang thu hoạch lúa mùa nên để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, tỉnh đã chỉ đạo và các địa phương huy động lực lượng xuống đồng hỗ trợ nông dân gặt nhanh các diện tích lúa chín và đỏ đuôi theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Vì vậy, đến chiều tối 18/10 gần 17.000 ha lúa mùa được thu hoạch xong. Riêng với 2 địa bàn trọng điểm về lúa của tỉnh là TX Đông Triều và TX Quảng Yên cùng với việc huy động các lực lượng như quân đội, thanh niên, công an, dân quân tự vệ ra đồng hỗ trợ bà con nông dân gặt những diện tích lúa đã chín, tỉnh đã có chỉ đạo rất cụ thể trong thực hiện các biện pháp ứng cứu cần thiết đối với 8.456 ha lúa đang giai đoạn chín sữa chưa thu hoạch được và 2.082 ha rau màu mới trồng.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, với các biện pháp chủ động ứng phó với bão Sarika, Quảng Ninh sẽ hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.  

*  Theo dự báo thì thời điểm bão số 7 đổ bộ cũng là lúc triều cường nên khả năng tác động của bão sẽ lớn hơn, nhất là đối với các địa bàn ven biển. Xin đồng chí cho biết công tác phòng chống bão ở các địa bàn này?

 - Các chuyên gia khí tượng thủy văn đã nhận định, bão số 7 là cơn bão muộn, trái mùa đối với khu vực Bắc Bộ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã xác định, nếu bão đổ bộ vào thời điểm chiều 19/10 khi đó thủy triều đang ở đỉnh nên việc ứng phó với bão đặt ra những tình huống hết sức phức tạp đối với các địa bàn ven biển như Cô Tô, Vân Đồn, Quảng Yên.

Hiện nay trên toàn tỉnh không có công trình đê điều nào đang thi công dở dang phía biển vì vậy tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tập trung ở các vị trí xung yếu trên tuyến đê biển đã hoàn thành công tác tu bổ của các địa phương, nhất là đối với tuyên đê Hà Nam (TX Quảng Yên) trên đoạn từ K27- K28, trong sáng 18/10 đã cấp phát thêm vật tư để sẵn sàng sử dụng khi có sự cố.

Riêng đối với huyện đảo Cô Tô công tác thông tin liên lạc được đảm bảo, nhà cửa các hộ dân trên đảo đều đã được chằng chống bằng bao cát, cây gỗ, thực phẩm, giá cả được quản lý chặt chẽ, các khách du lịch đều đã được đưa về đất liền an toàn trong ngày 18/10.


Các chủ tàu cho tàu đậu thành dãy để tăng cường sức chống bão

* PV: Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đã thông báo ngay sau cơn bão Sarika trên biển tiếp tục hình thành cơn bão mới, khả năng bão chồng bão rất có thể sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ tiếp tục các phương án ứng phó như thế nào, thưa đồng chí?

- Việc ứng phó với bão số 7 đã đặt ra những tình huống hết sức phức tạp nhưng với sự vào cuộc quyết tâm cao của các cấp chắc chắn chúng ta sẽ chủ động và hạn chế được thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta gặp tình huống bão chồng bão, vì thế với kinh nghiệm và tinh thần chủ động cao nhất, các phương án trong ứng phó với bão số 7 sẽ tiếp tục được tỉnh chỉ đạo quyết liệt để chống bão số 8 có tên quốc tế là Hải Mã, dự kiến sẽ đi vào biển Đông vào ngày 20/10 với sức gió 275 km/giờ, gió giật đạt mức 330 km/giờ.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Theo baoquangninh.com.vn

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến