(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 23/11, tại Điện Kính Thiên thuộc Di sản Hoàng thành Thăng Long, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới (2010-2020).
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, dự kiến trong tháng 11-12/2020, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” sẽ được đưa vào phục vụ du khách.
Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh. Cùng dự, còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, thưởng thức chương trình nghệ thuật tái hiện sự kiện lịch sử Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Kinh đô Thăng Long, mở ra Vương triều Lý và ca ngợi Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Vào 20h30 ngày 31/7/2010 theo giờ địa phương tại Brasil (tức 6 giờ 30 ngày 1/8/2010 theo giờ Việt Nam), Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới, sau đúng 1000 năm kể từ khi Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản được ghi nhận dựa trên ba đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản tiêu biểu, minh chứng cho lịch sử hào hùng và sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội. Di sản vô giá trong lòng đất đã phát lộ và trở thành tài sản của nhân loại sau đúng 1.000 năm lịch sử như là linh ứng của tổ tiên và cũng là hào khí nghìn năm còn lưu mãi.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thế giới, trước hết bởi giá trị nổi bật toàn cầu tự thân của di sản. Sau đó là kết quả của cả quá trình nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các bộ ngành, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Những người đã đóng góp tình cảm, trí tuệ, tâm sức và trách nhiệm, sát cánh cùng thành phố trong quá trình bảo vệ di sản, quyết tâm đề cử và đề cử thành công, đúng vào năm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long chúng ta càng biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến dân tộc và để lại cho hậu thế di sản văn hóa mang tầm vóc toàn nhân loại hôm nay.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ở chặng đường tiếp theo, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đổi mới, sáng tạo và hội nhập, nắm bắt cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lâu dài. Trong đó chú trọng vào các mục tiêu: Nhất thể hóa quản lý di tích, di vật theo cam kết với Ủy ban di sản thế giới; tập trung triển khai các dự án thành phần theo quy hoạch được phê duyệt; hoàn thiện đề án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên; đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; tăng cường các hoạt động phát triển du lịch bền vững, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Một thập kỷ kể từ khi khu di sản được UNESCO vinh danh, công tác bảo tồn giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long của Thủ đô Hà Nội đã và đang được triển khai đồng bộ, bài bản, với sự hỗ trợ của Hội đồng tư vấn quy tụ nhiều giáo sư đầu ngành. Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được chú trọng triển khai. Công tác tuyên truyền, quảng bá được tăng cường gắn với đẩy mạnh giáo dục di sản, như: Hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành cổ tỷ lệ 1/500; triển khai các bước nghiên cứu lập dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di sản; tập trung nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; lễ hội đèn quảng chiếu và các nghi lễ cung đình khác…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, 10 năm qua, danh hiệu di sản thế giới của Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn di sản, giáo dục về lịch sử, truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ mai sau. Cùng với việc đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung còn lại trong cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO năm 2010, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề xuất, Hà Nội mở rộng hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm sưu tầm các tài liệu quý hiếm liên quan đến các công trình kiến trúc, xây dựng của các triều đại trước đây để triển khai công tác mô phỏng tái hiện không gian xưa và tiến tới nghiên cứu việc phục dựng Điện Kính Thiên.
Trưởng đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft ghi nhận những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong thực hiện các cam kết với UNESCO về gìn giữ, phát huy các giá trị di sản tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Di sản Hoàng thành Thăng Long - kho báu của thế giới đã và đang nhận được sự quan tâm xứng đáng với vai trò, vị thế của di sản. Ông Michael Croft nhấn mạnh, Hà Nội hôm nay đã trở thành một thành viên trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Chúng tôi kêu gọi Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, các đối tác cùng toàn thể nhân dân nỗ lực hơn nữa trong bảo tồn, quảng bá di sản Hoàng thành Thăng Long, làm giàu thêm các giá trị văn hóa đương đại từ văn hóa truyền thống, tăng cường tương tác, tăng cường tình yêu và sự quan tâm với di sản để Hà Nội ngày càng phát triển.
Nhân dịp này, UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích trong công tác quản lý, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
TTXVN