(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/3, Triển lãm “Lịch sử Cà phê thế giới” đã chính thức được khai mạc tại Bảo tàng Thế giới Cà phê, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Triển lãm là một trong những hoạt động trọng tâm của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.
Sáng 9/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khai trương Đường sách Cà Phê Buôn Ma Thuột. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, nhằm quảng bá văn hóa cà phê và văn hóa đọc sách tại Thủ phủ Cà phê của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển lãm “Lịch sử Cà phê thế giới” với mong muốn tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột được lan tỏa. Hoạt động này tiếp tục khẳng định Bảo tàng Thế giới Cà phê là một bảo tàng sống về văn hóa cà phê toàn cầu. Nơi đây đã, đang và sẽ luôn là địa điểm lý tưởng để những người yêu và đam mê cà phê khám phá, lan tỏa tinh hoa thế giới cà phê, góp phần gia tăng giá trị văn hóa của cà phê Buôn Ma Thuột cũng như cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Triển lãm diễn ra từ ngày 9 – 16/3/2019 với 3 chuyên đề chính: Cà phê khởi nguồn, cà phê tín ngưỡng, cà phê và cách mạng khoa học kỹ thuật. Hơn 10.000 hiện vật, tranh ảnh được chọn lọc, trưng bày tại triển lãm nhằm tái hiện và tôn vinh lịch sử cà phê trong tiến trình phát triển của thế giới, đưa khách tham quan lãng du qua các câu chuyện về cà phê từ thời kỳ cổ đại, thời kỳ trung cổ và phong kiến, đến thời kỳ tư bản và kéo dài cho đến ngày nay. Trong đó, phải kể đến các hiện vật đặc trưng như: Cối giã cà phê, máy rang cà phê, máy xay cà phê bằng tay và các loại lọc cà phê, máy xay và pha cà phê bằng điện, máy xay tự động, máy bán cà phê tự động, hiện vật tiêu biểu theo sự phát triển của công nghệ rang, xay và pha chế cà phê cùng các tranh, ảnh miêu tả về cảnh thu hái cà phê, thưởng thức cà phê, các quán cà phê…
Tương ứng với chuyên đề “Cà phê khởi nguồn”, Triển lãm tái hiện câu chuyện về sự xuất hiện của cà phê ở thời kỳ cổ đại, khi ấy cà phê là một sản phẩm được dùng để ăn, dùng để uống và dùng để cúng. Giai đoạn tiếp theo là “Cà phê tín ngưỡng”, tương ứng với thời kỳ trung cổ và phong kiến, thời kỳ cà phê được con người trân quý, xem cà phê là thức uống của thần linh, để khai thông tinh thần cho các tín đồ. Giai đoạn “Cà phê và cách mạng khoa học kỹ thuật” tương ứng với thời kỳ tư bản kéo dài cho đến ngày nay, phát triển từ việc sản xuất phải dùng tay đến việc dùng điện và tự động hóa trong cách mạng 4.0.
Bà Phùng Thị Thọ, một du khách đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết, tham quan Triển lãm, bản thân bà rất thích thú với các hiện vật, tư liệu, tranh ảnh, vì thông qua đó bà hiểu thêm về lịch sử phát triển cà phê. Các hiện vật được trưng bày khá đầy đủ, ấn tượng về lịch sử phát triển của cà phê thế giới từ thời thô sơ đến thời hiện đại, góp phần làm cho các hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 thêm đặc sắc, sinh động, ý nghĩa.
Bài, ảnh: Hoài Thu