43 tuổi, KTS Hoàng Thúc Hào được biết đến với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về những đồ án liên quan tới các không gian văn hóa lịch sử tại Hà Nội - trong đó có giải cao nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận (do UBND TP Hà Nội phát động năm 2009). Báo TT&VH Cuối tuần đối thoại cùng anh về các cuộc tranh luận vừa nêu.
* Với các thông số “đúng luật” về chiều cao, nhiều khả năng tòa nhà Trung tâm Thông tin Hồ Gươm vẫn được xây dựng. Nhưng, anh có đồng tình với những lo ngại về nguy cơ tác động hoặc phá vỡ cảnh quan mặt hồ của tòa nhà?
- Đến thời điểm này, tôi cũng chưa được biết về thiết kế, cũng như mục đích khai thác của nó. Nhìn chung, tòa nhà nằm liền với khối kiến trúc bên cạnh, chứ không “bỗng dưng nhô ra” giữa quảng trường. Công trình cần tuân thủ chặt chẽ quy hoạch về chiều cao, mật độ xây dựng. Vì nằm ở một vị trí đặc biệt, tôi rất mong phía thiết kế sẽ có những giải pháp “tinh tế”. Chẳng hạn phần mặt tiền tại tầng 2, tầng 3 nên được “giật vào” để nhường chỗ cho những khoảng xanh. Rồi, nếu được khai thác phần nào cho kinh doanh dịch vụ, phía tổ chức cũng cần đảm bảo những nội dung có tính văn hóa như bán hàng lưu niệm, giới thiệu ẩm thực truyền thống hay sản phẩm của phố nghề…
Mong là mong vậy, còn mọi chuyện sẽ chờ thực tế trả lời. Như tôi được biết, tòa nhà “hàm cá mập” gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có thiết kế gốc khác với hiện tại. Nhưng, khi xây dựng, chủ đầu tư lại bỏ qua nỗ lực của KTS nên công trình trở nên phản cảm như thế (cười).
* Đã có quá nhiều ý kiến nhắc tới việc hồ Gươm đang bị biến dạng từng ngày. Với góc nhìn của một KTS, không gian ở đây đã có sự thay đổi thế nào trong 20 năm qua?
- Cũng dễ hiểu khi dư luận quan tâm tới những công trình xây dựng quanh hồ Gươm đến vậy. Cơ bản, đó là không gian mà tất cả các công trình đều có sự hài hòa với kiến trúc mặt hồ và vành đai xanh bao quanh. Hồ Gươm thật ra không rộng, nhưng vẫn tạo ấn tượng mạnh với du khách bởi tỷ lệ “tế nhị” của những kiến trúc quanh nó.
Thời những năm bao cấp, chỉ duy nhất có tòa nhà bưu điện trên phố Đinh Tiên Hoàng là hơi bất hợp lý với chiều cao 5 tầng và nằm nhô sát mặt hồ. Đến thời đổi mới, thêm một số công trình mới xuất hiện. Có vài trường hợp “hàm cá mập” và cũng có trường hợp bị phản đối quá mạnh nên phải cắt giảm chiều cao nhưng vẫn để lại ảnh hưởng ít nhiều như khách sạn Hà Nội Vàng (có thiết kế ban đầu 10 tầng, nay là tòa nhà cao 4 tầng ở mặt trước và 7 tầng ở mặt sau như Bảo Việt và VP Bank - TT&VH Cuối tuần).
Với bề dày lịch sử cùng những truyền thuyết và sự tích đi kèm, hồ Gươm muôn đời của cộng đồng, của ký ức và lịch sử. Hàm lượng kinh doanh thương mại, chỉ được phép chiếm dung lượng rất ít trong không gian ấy. Và nó cũng không phải là không gian của công sở hành chính - cho dù một số cơ quan của thành phố Hà Nội vẫn đang được đặt ở phía Đông của hồ.
Nói rằng hồ Gươm bị biến dạng toàn bộ thì hơi quá. Nhưng, để mang lại cho không gian nơi đây những giá trị đúng với tiềm năng vốn có thì đó lại là câu chuyện mà chỉ có chính quyền thành phố mới giải quyết được. Bởi, trong hàng loạt công trình quanh hồ, phải có những bên chấp nhận giảm quyền lợi vì cái chung, để từ đó các ý tưởng về không gian cho cộng đồng mới có thể len lỏi vào. Đó là vấn đề của quyết sách ở cấp vĩ mô, mà giới KTS chúng tôi chỉ biết hy vọng.
Liệu sự thơ mộng của hồ Gươm sẽ còn trụ được bao lâu trước cơn lốc đô thị hóa? Ảnh: TL
* Nhưng trước khi những điều vĩ mô ấy được thực hiện, chúng ta có thể đưa ra những giải pháp nhất thời cho hồ Gươm chứ?
- Như những gì dư luận đưa tin, tòa nhà của ngành điện lực trên đường Đinh Tiên Hoàng có thể được chuyển đổi chức năng và xây dựng lại. Tôi mong nếu có điều ấy, chủ sở hữu sẽ có cách nào đó để “nhuờng nhịn” hay chừa ra một không gian trống dành cho cộng đồng. Tương tự, nếu vẫn đặt cạnh hồ Gươm trong giai đoạn hiện tại, Sở VH,TT&DL Hà Nội cũng có thể tự sắp xếp lại các chức năng kiến trúc, để dành ra một khoảng không gian nữa. Trước mắt, hãy mong vào những điều như vậy đã.
Với xu thế hiện tại, đường quanh hồ Gươm trước sau cũng sẽ trở thành tuyến phố đi bộ để nối liền với trục phố cổ. Khi ấy, chúng ta sẽ cần tính tiếp tới sự phối hợp đồng bộ để có một không gian hoàn chỉnh hơn, chẳng hạn như câu hỏi về các nút giao thông ngoại vi, về việc du khách tới đây bằng gì hoặc gửi xe ở đâu. Rồi câu hỏi về việc quản lý để các gian hàng lưu niệm quanh hồ không bán những mặt hàng pha tạp như hiện nay nữa… Cách đây vài năm, tôi được biết Hà Nội có ý định thí điểm tuyến phố này vào các ngày cuối tuần nhưng chưa thành hiện thực.
* Anh có thể “điểm danh” vài không gian ký ức tại Hà Nội?
- Trước hết là hồ Tây. Chúng ta đã làm xong con đường cảnh quan ven hồ để bảo tồn, không để diện tích mặt nước tiếp tục bị thu hẹp nữa. Nhưng kiến trúc quanh hồ rất ngổn ngang và lộn xộn, trong đó cao ốc mọc lên khá nhiều. Thay đổi điều ấy thì gần như không thể, có chăng chỉ còn nỗ lực tuyên truyền để các công trình quanh hồ giữ vệ sinh hoặc chỉnh trang chút ít bằng những cây xanh. Phố cổ Hà Nội cũng là câu chuyện tương tự. Rồi, so với 3 đồ án mà tôi từng thiết kế và được giải, không gian tại đê Bưởi và nhà tù Hỏa Lò đã vĩnh viễn mất.
Nhìn chung, Hà Nội không còn nhiều không gian ký ức như vậy. Nếu để hy vọng, trước mắt tôi nghĩ tới khu phố Pháp cũ, hồ Gươm, hay bức tường chạy từ Long Biên tới Phùng Hưng của nền đường sắt bây giờ. Nhưng như đã nói, đó là những không gian chỉ có thể phát huy giá trị khi chúng ta có quyết tâm đủ lớn.
* Xin cảm ơn anh.
Tòa nhà Trung tâm Thông tin Hồ Gươm nằm tại vị trí sát quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và từng được UBND quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch xây dựng vào năm 2009, sau đó được lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng để nghiên cứu lại. Tháng 10/2014 vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã bức xúc nhắc tới việc công trình này lại chuẩn bị được triển khai tiếp. Theo các thông tin được quận Hoàn Kiếm đưa ra, tòa nhà này có tổng chiều cao 13,5 mét (thấp hơn chiều cao tối đa được quy định cho các công trình tại đây). Tuy nhiên, các ý kiến phản đối vẫn cho rằng tòa nhà sẽ ảnh hưởng lớn tới cảnh quan hồ Gươm. |
Hoàng Nguyên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần